Tôi bị đồng nghiệp phản ứng vì là 'nô lệ' điện thoại

11/05/2019 - 18:00

PNO - Buông điện thoại xuống để nâng tâm hồn mình lên, nâng trải nghiệm, chia sẻ với mọi người. Tôi tin đó là điều mà mọi người mong muốn.

Tôi cũng như đa số người trẻ trong thời đại công nghệ số, một phần vì công việc, một phần do bị nghiện nên lúc nào cũng giữ khư khư điện thoại trên tay. Như thói quen, mỗi ngày tôi đọc rất nhiều thông tin trên mạng xem có gì mới, kiểm tra tin nhắn trên các tài khoản xã hội… Thậm chí, khi ngồi với bạn bè, tôi cũng cầm điện thoại để xem dù lúc đó tôi không có việc gì gấp cần giải quyết. Tôi đã từng bị đồng nghiệp phản ứng “nhẹ” vì điều này. 

Toi bi dong nghiep phan ung vi la 'no le' dien thoai
 

Rồi mỗi lần họp mặt bạn bè, nói là họp nhưng thực chất là để chụp ảnh đăng Facebook, check-in thì nhiều chứ thăm hỏi, chia sẻ về công việc, cuộc sống của nhau rất ít. Ngồi chung bàn nhưng mỗi người ôm một điện thoại.

Lúc còn ở quê, mẹ tôi cũng phát quạu với tôi bởi vào giờ đi ngủ, cả nhà tắt đèn nhưng phòng tôi vẫn sáng trưng vì tôi mải mê với điện thoại. Lần ấy, tôi cảm nhận được mẹ rất giận, mẹ đi qua phòng tôi tắt luôn kết nối mạng và càm ràm “rồi mắt con sẽ bị cận cho xem”. Sau đó, đúng là tôi cận thật. 

Những sự cố của tôi với điện thoại không phải là ít. Có đợt, vì để điện thoại ở túi váy chống nắng, váy tuột điện thoại rớt, tôi thắng gấp, hai xe chạy sau ùa tới. May mà họ xử lý kịp chứ không thì tôi cũng khó yên ổn. Sau sự việc đó, tôi nhận ra rằng mình đã là “nô lệ” của điện thoại rồi. Và tôi đã lên kế hoạch buông điện thoại vì không muốn mình gặp thêm sự cố nào nữa.

Tôi bắt tay vào thực hiện bằng việc sắp xếp công việc khoa học hơn. Dù đặc thù công việc thường xuyên phải kiểm tra email nhưng tôi cố gắng giải quyết ở cơ quan. Trong giờ làm việc, tôi cũng không mở Facebook, Zalo và các trang mạng khác. Ai cần liên hệ sẽ gọi trực tiếp cho tôi.

Trước đây, khi làm việc tôi hay mở nhiều cửa sổ cùng lúc thành ra không đặt hết tâm trí vào công việc, dẫn đến có ngày chẳng làm trọn vẹn được việc gì. Bây giờ thì khác, tôi đã có thời gian làm việc chuyên môn. Những lúc họp giao ban, tôi cũng không cầm điện thoại đọc tin tức nữa mà sẽ tập trung tham gia góp ý. Về đến nhà, thay vì ôm điện thoại, tôi dành hết thời gian cho niềm đam mê làm bánh, tập yoga, chạy bộ để rèn luyện sức khỏe. 

Toi bi dong nghiep phan ung vi la 'no le' dien thoai
Ảnh minh họa

Sống xa gia đình hơn mười năm, nhiều lúc tôi thèm được ăn cơm nhà, trò chuyện với cha mẹ, việc mà trước đây tôi hay lấy lý do bận rộn quá, đi công tác suốt nên không thu xếp về thăm nhà được. Bây giờ, tôi đặt kế hoạch mỗi năm về nhà mấy lần. Và lần nào về là tôi tắt luôn điện thoại. Lúc đầu, tôi cảm thấy khó chịu kinh khủng, vì làm gì cũng muốn đưa lên Facebook để khoe. Nhưng tôi cũng nhận ra “ảo” chỉ giúp ta hạnh phúc chốc lát, còn “thật” thì hạnh phúc dài lâu. Những lúc ở nhà với cha mẹ, tôi muốn thời gian trôi qua thật chậm. 

Không điện thoại, không ai làm phiền, tôi dành hết thời gian để uống trà với cha, nấu cơm với mẹ và còn chăm cháu phụ anh chị.

Bạn bè nhận ra tôi có sự khác lạ, đi ăn uống tôi đều tắt điện thoại, lắng nghe nhiều hơn. Nếu một mình ngồi cà phê thì tôi ngắm phố phường. Tôi nghĩ rằng cuộc sống của mình thì mình phải làm chủ, xung quanh còn nhiều điều tuyệt vời chứ không chỉ có thế giới thu nhỏ trong điện thoại.

Tôi đã cài đặt phần mềm để báo mỗi tuần sử dụng điện thoại bao lâu, nếu tăng thì tôi sẽ điều chỉnh giảm xuống. Tôi cũng đang “cai” dần Facebook.  Và tôi tin rằng, nhiều bạn trẻ cũng như tôi, đến một ngày, sẽ không cần những lời khen kiểu như “bạn lung linh quá”, “bạn hạnh phúc quá” khi đưa ảnh lên Facebook. Mà, khi có thời gian rảnh, chúng ta sẽ mở kho ảnh ra xem và nhớ đến những gì mình đã trải nghiệm ở một vùng đất nào đó. Và chúng ta cũng thật hào hứng khi chia sẻ những kinh nghiệm về chuyến đi cho bạn bè hơn là trả lời bình luận: “Hôm nào rảnh tôi nói cho”, mà không biết “hôm nào” là khi nào… 

Khả Hân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI