Sợ một ngày mẹ sẽ mất con

24/11/2019 - 12:30

PNO - Mất con là một lập luận hết sức kỳ lạ của người Việt chúng ta. Nó thể hiện một sự sở hữu không giống ai. Và cái sự thể hiện ấy thường làm người trẻ rất khó chịu.

Gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng tôi năm nay cũng đã ngoài sáu mươi và chỉ có một con trai hai mươi bốn tuổi. Gia đình tôi có quán phở mở được ba mươi năm, và cũng nhờ đó mà có chút ít tài sản.

Tôi chỉ học đến lớp Mười nên muốn con học cao, làm một nghề có địa vị trong xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ với cái nghề gia truyền của mình. Thế nhưng, càng lớn con tôi càng ghét, thậm chí khinh nghề bán phở. Nó mê nước Nhật từ bé, lớn lên nó học tiếng Nhật rồi thi vào cao đẳng Nhật ngữ.

So mot ngay me se mat con
Ảnh minh họa

 Từ khi nó qua đó, tôi cũng mừng là thấy nó kiên trì, chịu khổ. Mỗi ngày nó đi học, rồi tối lại đi bán cho cửa hàng tiện lợi, về tới nhà chỉ còn 5-7 tiếng ăn ngủ, sinh hoạt. Nhưng lâu dài, tôi thấy nó sống như vậy làm sao chịu nổi? Mỗi lần liên lạc về gia đình, tôi lại thấy nó có vẻ tiều tụy hơn, buồn hơn, hỏi gì cũng gắt gỏng, nhất là bàn tới vấn đề “hay là về đi”.

Ra trường con tôi đi làm cho vài ba công ty Nhật được khoảng ba năm. Nó làm mỗi chỗ chỉ vài ba tháng nửa năm rồi nghỉ, với đủ lý do từ bị đì, cho đến thị trường Việt Nam tệ quá nên nó học không giỏi tiếng Nhật, không có đường thăng tiến. Rồi lại so sánh người Nhật, xã hội Nhật với Việt Nam. Nó xin chúng tôi tiền qua Tokyo học, bảo sẽ quyết tâm ở lại Nhật luôn. Vợ chồng tôi cũng đồng ý.

Gần đây, tôi đọc nhiều báo, thấy bảo ở Nhật, tỷ lệ trầm cảm, tự tử, hoặc chết vì lao lực rất nhiều, tôi lại càng ăn không ngon ngủ không yên. Tôi cũng chưa đi Tây đi Tàu bao giờ, chẳng biết xã hội văn minh nó thế nào, nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản giờ qua đó cũng chỉ làm công cho người ta, mà đổi lấy mạng mình thì có đáng không?

Tôi rất hoang mang vì không muốn một ngày kia mất con, vì những ước mơ hay lý tưởng của nó về việc đi nước ngoài đổi đời.

Thanh Vân (TP.HCM)

Chị Thanh Vân thân mến,

Có lẽ những tin tức gần đây về cuộc sống, lao động, mong ước đổi đời, may rủi… của người trẻ trên những con đường tìm cách vượt ra khỏi đất nước khiến chị thêm phần hoang mang, lo lắng. Hai mươi bốn tuổi không còn nhỏ để phụ thuộc vào sự sắp xếp hay lo lắng của cha mẹ, nhưng cũng chưa đủ trưởng thành để cha mẹ hoàn toàn yên tâm về những lựa chọn của con cái, điều đó là bình thường.

So mot ngay me se mat con
Ảnh minh họa

Vả lại, thật ra khi đã sinh ra một đứa con, nghĩa là bạn sẽ suốt đời làm cha mẹ và suốt đời lo cho con, dù nó ở tuổi nào. Cuộc sống luôn có vấn đề, nên sự lo lắng đó, nếu cha mẹ không hiểu, không chấp nhận, không giải quyết được với chính mình, thì nó sẽ dằn vặt mình mãi.

Phân tích như vậy để chị hiểu rằng: vấn đề làm chị khổ sở, khó sống, bất an, chính là nằm ở chị, chứ không phải ở con chị. Có lẽ chị đã phải trải qua rất nhiều đoạn đời, có vất vả, khổ sở, có thành công, có phân vân, lựa chọn, có sai và có đúng. Và rồi chính chị cũng phải tự vượt qua mọi thăng trầm chứ không phải là cha mẹ, chồng, hay chị em, bạn bè chị. Vậy thì con chị cũng sẽ phải vượt qua đủ những chặng đường như vậy suốt một kiếp người.

“Mất con” là một lập luận hết sức kỳ lạ của người Việt chúng ta. Nó thể hiện một sự sở hữu không giống ai. Và cái sự thể hiện ấy thường làm người trẻ rất khó chịu. Họ, cũng như chúng ta ngày trẻ, không bao giờ có ý nghĩ rằng chúng ta là tài sản của cha mẹ. Mỗi con người khi lớn lên đều có cuộc đời của chính mình mà mình phải chịu trách nhiệm, sống, vui buồn tự thân. Sự lo lắng, áp đặt, đòi hỏi, yêu cầu quá mức của cha mẹ chỉ làm họ bực tức hay rối hết mọi thứ.

Hãy để con chị được tự quyết những vấn đề của mình. Điều tốt nhất chị làm cho con là sống vui vẻ, bình an, nhẹ nhàng. Khi tâm trạng của chị tốt, con sẽ thấy tự tin hơn. Hơn nữa, khi mất bình an, con sẽ nghĩ tới chuyện dựa vào chị để quyết định mọi việc. Không ai muốn trở về, dựa dẫm, nương nhờ vào một nơi sẽ khiến mình mất thăng bằng nhiều hơn.

Mong chị hiểu những điều này một cách sâu xa nhất.

Thân mến,

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI