"Quái chiêu" cải tạo chồng lười của một người vợ thông minh

14/08/2015 - 06:05

PNO - “Lấy chồng lười chưa chắc đã là một cái họa. Theo mình, lấy chồng lười mà biết cải tạo chồng thì càng là một may mắn đó chứ”.

Chị Kiều (28 tuổi, Nghệ An) không ngần ngại khẳng định như thế với bạn bè mình. Dù mọi người gọi chị “tưng’ khi phát ngôn như vậy, nhưng khi nghe về cuộc sống vợ chồng chị, họ lại thấy gật gù tán thưởng đồng ý.

Chị Kiều và chồng kết hôn được gần 5 năm, cũng đã có một cô công chúa nhỏ 3 tuổi. Nhớ những ngày đầu chính thức là vợ chồng, chị Kiều đôi lúc cũng “phát cáu” bởi cái tính quá lười của chồng. Anh lười đến nỗi đi làm về, tất cởi ra đụng đâu vất đó. Giày dép thì để lộn xộn chứ không thể xếp lên kệ cho gọn gàng được. Và anh cũng rất hiếm khi phụ vợ việc nhà cửa, trừ khi bị chị ca thán quá nhiều.

Rồi vợ chồng chị cũng cãi nhau thường xuyên bởi thói quen xấu khó bỏ đó. Nhưng cãi mãi chẳng thấy chồng thay đổi, chị Kiều mệt mỏi và quyết định tìm cách cải tạo chồng lười.

Nhiều kế hoạch được đưa ra nhưng chẳng đem lại kết quả gì. Cuối cùng, chị nghĩ đến kế “gậy ông đập lưng ông”. Chị sẽ lười theo để xem chồng mình có phản ứng như thế nào.  Và cũng từ đây, chị bắt đầu nhận ra, lấy chồng lười chưa chắc đã là một cái họa.

Chồng chị lười nên cũng chẳng bao giờ dám lên tiếng trách móc vợ bất cứ chuyện gì. Chị Kiều đôi lúc bận bịu quá cũng ẩu, cũng lười. Quần áo phơi khô lấy vào, chị rảnh thì xếp, không thì cứ để bừa đó vài ngày cũng chẳng sao. Kệ giày dép ở trước nhà thì một tuần thu dọn một lần. Con có làm ngã mà đã đến giờ đi làm thì chị cũng bỏ đó mà đi luôn, chứ không hối hả quay lại dọn dẹp như ngày xưa nữa.

Nhà cửa thì có khi cả tuần chị mới lau dọn một lần. Nhiều khi nhìn căn nhà đầy bụi bẩn, chị cũng khó chịu nhưng chỉ cần nghĩ đến công cuộc cải tạo chồng lười, chị lại có thêm nghị lực để tiếp tục… lười.

Vừa cố gắng lười theo chồng, chị vừa chú ý quan sát thái độ của anh (Ảnh minh họa)

“Mình lười không phải do bản tính, mình muốn chồng biết mình đã khổ sở như thế nào với cả tá công việc gia đình không tên. Chồng mình phải nếm qua mới thấm thía được và từ đó mới cải thiện được suy nghĩ của chính anh”, chị nói.

Vừa cố gắng lười theo chồng, chị vừa chú ý quan sát thái độ của anh. Những ngày đầu không bị vợ cằn nhằn chuyện lười nữa, anh có vẻ cũng sảng khoái hơn. Nhưng chỉ vài ngày sau, chị thấy anh bắt đầu cau có, dù không dám nói năng gì vợ.

Mỗi khi vào phòng để quần áo (nhà anh chị có nguyên một phòng chuyên để quần áo), anh lại cau mày cau mặt: “Sao em không xếp quần áo cho gọn lại, vào nhìn cứ như cái nhà kho lâu năm”. “Em bận tối mắt tối mũi, sao anh không phụ giúp em đi”, chị nhẹ nhàng đáp lại.

Anh cũng thoáng băn khoăn nhưng rồi lại hì hục ngồi xuống xếp quần áo phụ vợ. Đó là chiến tích đầu tiên chị Kiều lập được trong công cuộc cải tạo chồng lười đầy gian nan.

Còn nhà cửa, hàng ngày chị chỉ quét sơ qua, không cố moi bụi bẩn dưới các góc tủ, góc giường nữa. Thành ra chỉ vài ngày là những chỗ đó biến thành màu trắng bạc của bụi phủ. Chồng chị thấy mới đầu còn làm lơ đi, cho rằng vợ trước sau gì cũng sẽ dọn. Nhưng chị Kiều cũng làm lì, cứ để nguyên đấy.

Một hôm, chiếc xe đồ chơi của bé con chẳng may chạy xuống góc tủ. Con bé cúi lấy thì ho sặc sụa vì bụi. Chồng chị nóng mặt con quát lên “làm gì mà chẳng chịu lau nhà, con chơi cũng chẳng có chỗ thoáng khí là sao?” .

Chỉ đợi bao nhiêu đó, chị Kiều lập tức lên tiếng: “Anh chẳng phải chỉ ngồi không đó sao? Thấy thì giúp vợ dọn dẹp chứ, vợ anh cũng là người chứ có phải là siêu nhân đâu mà làm cho xuể”. Thế là anh lại tiu ngỉu cầm chổi quét thật sạch rồi lau cả căn nhà sáng bóng.

Con gái anh chị lần đầu tiên thấy ba cầm chổi quét nhà thì thích thú hét vang, còn vỗ tay khuyến khích anh. Chị dưới nhà bếp, nhìn vẻ mặt hào hứng của con gái, rồi vẻ mặt vừa xấu hổ, vừa vui vui của chồng mà cười không khép được miệng.

Còn phòng làm việc của anh, hồi giờ vẫn chị Kiều dọn dẹp. Bây giờ, mấy ngày chị không dọn nó biến thành một cái chiến trường với nào giấy tờ, nào cặp xách, tài liệu, bút thước ngổn ngang. Chịu không được, cuối cùng chính anh lại phải dọn dẹp mọi thứ cho ngăn nắp lại.

“Chồng mình ấy à, bây giờ cái lười đã được đẩy đi. Vì phụ vợ làm nên anh mới hiểu được vợ khổ như thế nào. Từ đó anh mới thông cảm và bắt đầu cùng mình chia sẻ những công việc đó. Chồng lười ư, dù lười đến đâu vẫn có cách trị. Chỉ cần phụ nữ chúng ta đừng quá bao bọc chồng và vững tinh thần một chút sẽ làm được hết”, chị Kiều vui vẻ nói.

Lam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI