Những nàng dâu muốn trốn khỏi nhà trong kỳ nghỉ lễ

01/09/2019 - 05:45

PNO - Ngày nghỉ lễ của nhà tôi không khác gì ngày thường, tôi được thư giãn, thoải mái chứ không phải vùi đầu vào nấu nướng tụ tập đông người rồi ôm đầu vì căng thẳng, mệt mỏi.

Mới nghỉ lễ được một ngày, Mai đã gọi điện nhờ vả: “Chị ơi, đổi lịch cho em trực lễ đợt này với ạ”. Tôi chưa rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao, bởi cách đây mấy ngày chính Mai xin tôi nghỉ trực để đi chơi.

Tôi hỏi lại thì Mai bảo: “Thà em lên cơ quan ngồi trực còn hơn ở nhà làm ôsin”. Nghe qua là tôi đã hiểu vấn đề của cô đồng nghiệp, đành bảo Mai gọi điện cho người được phân công trực ngày mai để thương lượng vì ai cũng có kế hoạch của mình.

Nhung nang dau muon tron khoi nha trong ky nghi le
Hầu như, ngày lễ nào Mai cũng quần quật ở trong bếp, nấu hết món nọ đến món kia rồi xoay sang dọn dẹp. Ảnh minh hoạ

Mai tấm tức kể, đợt lễ này vợ chồng cô đã lên lịch đi chơi hẳn hoi, nhưng chưa thông báo cho ba mẹ chồng. Thế nên đến tận gần ngày nghỉ, Mai mới thỏ thẻ xin phép, mẹ chồng ngớ người bảo: “Lễ này, bé út về chơi, mấy chị cũng về, lâu lâu mới có dịp cả nhà đầy đủ nên ở nhà con à”.

Nghe mẹ chồng nói thế, Mai đâu dám cãi lời vì đúng là một năm rồi bé út mới về nhà. Nhưng khổ nỗi, mấy lễ lần trước, bé út không về thì hai chị chồng cũng đưa con về tụ tập cả ngày khiến Mai không thể đi đâu. Tưởng lễ 2/9 Mai được dịp đi chơi cho thoải mái, nào ngờ đến phút chót vẫn bị vỡ kế hoạch.

Gia đình chồng Mai có bốn chị em, chồng Mai là con thứ ba và cũng là con trai duy nhất. Hai chị gái lấy chồng làm dâu gần nhà còn bé út đang học đại học trong thành phố. Bởi thế, ngày lễ, các chị tung tăng hẹn hò đưa con về nhà ngoại để nấu nướng, ăn uống, thư giãn, nghỉ ngơi.

Việc chợ búa Mai không phải lo nhưng phần nấu nướng dọn dẹp thì cô phải gánh hết. Hai chị lúc nào cũng khen: “Mợ Mai nấu ăn ngon, các cháu chỉ thích ăn đồ mợ nấu” thế là giao hẳn chuyện bếp núc cho Mai.

Đi chợ thì dễ, nếu lười thì gọi người ta giao hàng đến tận nhà còn nấu ăn lại là chuyện khác. Hầu như, ngày lễ nào Mai cũng quần quật ở trong bếp, nấu hết món nọ đến món kia rồi xoay sang dọn dẹp.

Nhiều lúc, Mai ước nhà ngoại ở gần chút để xin về, chứ lấy lý do đi chơi chắc chắn bị nhằn. Khổ nỗi, họ hàng người thân bên ngoại ở cách xa gần cả ngàn km muốn đi cũng chẳng được, Mai chỉ còn một chốn náu thân duy nhất là cơ quan.

Bởi thế, lễ nào, Mai cũng xung phong để “được” trực lễ, đỡ phải ở nhà phục vụ.  Năm nay, Mai phải làm công tác tư tưởng nhiều lắm chồng mới đồng ý đi chơi. Vì nghe đâu, hai chị chồng cũng kế hoạch đi du lịch. Những tưởng lần này, Mai thoát được cái bếp, nhưng không thành.

Nhung nang dau muon tron khoi nha trong ky nghi le
Mỗi lần về nghỉ lễ, Ngân như người đứng giữa hai làn đạn, một bên là mẹ chồng, một bên là chị dâu, cứ nhằm vào cô để trút nỗi bực tức, lời qua tiếng lại. Ảnh minh hoạ

Chuyện của Ngân - em họ của tôi hơi khác, nhưng cùng chung tâm trạng sợ “nghỉ lễ” như Mai. Ngân lấy chồng và ở riêng ngay gần nhà ngoại nên vào ngày lễ, làm gì thì làm cũng phải về nhà nội.

Nhà ba mẹ chồng Ngân ở cách xa cả mấy trăm cây số, tính ra cả đi lẫn về đã hết mất một ngày, thời gian nghỉ ngơi chẳng là bao. Cứ đợt lễ nào kéo dài ba đến năm ngày, cả nhà lại phải đùm túm nhau về nội.

Nếu về chơi bình thường thì chẳng có gì đáng ngại, đằng này, nhà chồng Ngân khá phức tạp. Ba mẹ chồng sống chung với vợ chồng anh trai cùng một nhà nhưng có mâu thuẫn nên ăn riêng. Đồng nghĩa với việc khi gia đình Ngân về sẽ ăn cơm cùng ông bà trong khi đang chung nhà với anh chị chồng.

Cả nhà chỉ có một cái bếp, ba mẹ chồng ăn uống đơn giản nên đồ đạc chẳng bao nhiêu, còn Ngân có con nhỏ, lỉnh kỉnh đủ thứ. Bởi thế, khi thiếu thứ này thứ kia lúc nấu nướng, Ngân phải hỏi mượn chị dâu. Vốn không ưa mẹ chồng, ngại chung đụng nên chị dâu không thoải mái khi cô em dâu về làm rối tung lên.

Đến khi ăn cơm, muốn mời nhà anh chị ăn cùng, nhưng mẹ chồng hậm hực, Ngân không dám mở lời. Cái cảnh ăn hai mâm cơm trong cùng một ngôi nhà, Ngân cứ thấy khó chịu, không sao quen được. Mỗi lần về nghỉ lễ, Ngân như người đứng giữa hai làn đạn, một bên là mẹ chồng, một bên là chị dâu, cứ nhằm vào cô để trút nỗi bực tức, lời qua tiếng lại.

Nhung nang dau muon tron khoi nha trong ky nghi le
Nhiều nàng dâu sợ nghỉ lễ vì đủ thứ lý do. Ảnh minh hoạ

Về sau, Ngân rút kinh nghiệm, về nhà chồng bao nhiêu ngày là chuẩn bị sẵn thức ăn luôn, khi ăn chỉ cần hâm lại cho đỡ phức tạp. Trước khi nghỉ lễ, Ngân phải tất bật lên thực đơn, chế biến, đóng thùng để đem đi chẳng khác gì đi di tản. Mà không về lại không được, ba mẹ chồng và họ hàng trách móc đủ điều “nhất bên trọng nhất bên khinh”.

Nhiều lần Ngân đề nghị chồng thay đổi, nghỉ lễ đưa con đi chơi, chứ về nội mệt mỏi lắm. Nhưng chồng không chịu, anh bảo: “Ba mẹ ở với vợ chồng anh Hai đã không hoà hợp, ngày lễ mình lại không về ông bà thêm tủi thân”. Nghe chồng nói thế Ngân vừa thương vừa bực.

Nhìn những nàng dâu sợ nghỉ lễ như Mai và Ngân, tôi lại thấy mình may mắn, ít ra cũng tự quyết định được mình sẽ làm gì vào những ngày đó. Tôi có nhà riêng, hai bên nội ngoại ở không quá xa nên ngày lễ, tôi thích dành riêng cho gia đình nhỏ của mình.

Ngày nghỉ lễ của nhà tôi không khác gì ngày thường, ưu tiên lớn nhất là được thư giãn, thoải mái chứ không phải vùi đầu vào nấu nướng, tụ tập đông người.

                                                                                                                  Bích Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI