Người ở lại: Ở cuối con đường, có ba chờ má...

12/10/2015 - 11:30

PNO - Hơn nửa thế kỷ ba má sống bên nhau, dù đời sống có những lúc xô lệch, thậm chí đến chông chênh gần như đổ vỡ, nhưng ba má vẫn gượng lại...

Nguoi o lai: O cuoi con duong, co ba cho ma...
Tác giả và mẹ sau những ngày ba chị ra đi - Ảnh: Duy Trân

Tôi không nhớ được rằng bác sĩ phát hiện bệnh tim của má vào năm nào. Chỉ biết rằng nhiều năm rồi, cả nhà tôi thường vào tầm tháng 10 cho đến Tết lại ra vào bệnh viện như cơm bữa để chăm sóc má. Không chỉ bệnh tim, má còn bị thêm vài bệnh nữa, đến nỗi có lần bệnh viện bảo chị em chúng tôi về nhà chuẩn bị hậu sự.

Má đã nhiều lần, trên giường bệnh, dặn dò đủ thứ, làm sao để chăm sóc cho ba khi không còn có má, dặn dò từ cái nết ăn ở, sở thích đến những buồn vui nóng giận của ba.

Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu như mọi người trong gia đình đến bạn bè thân thiết, hàng xóm đôi bên, ai cũng nghĩ rằng chắc má tôi sẽ “đi” trước ba tôi.

Và rồi, cách đây ba năm, bác sĩ phát hiện căn bệnh ung thư của ba. Từ ngày đó, trong nhà, tinh thần chuẩn bị của chị em chúng tôi đã dần khác đi. Chỉ có ba má là không biết gì.

Chuyện ba bệnh, chị em chúng tôi chỉ hé lộ từng chút một, để má quen dần, hiểu ra và chấp nhận sự thật rằng ba đang mang căn bệnh hiểm nghèo. Tuy là vậy, nhưng nhìn ba tươi tỉnh, khỏe mạnh và hồn nhiên với bệnh tật, chị em chúng tôi vẫn cứ hy vọng vào điều kỳ diệu…

Cuối năm 2014, ba bỗng yếu dần, xanh xao, mệt mỏi, không ăn uống được gì nữa. Chị Hai chúng tôi, một bác sĩ, cảnh báo: "Ba khó lòng qua khỏi trong năm nay".

Dù không ai nói gì, nhưng hình như ba cũng nhận ra điều gì đang đến. Ba bắt đầu có những thu xếp âm thầm, những lời dặn dò buồn bã và đặc biệt hơn cả là những chăm chút yêu thương dành cho má.

Có những điều ngày ấy ông nói, mà đến giờ nhớ lại, chúng tôi còn rơi nước mắt: “Ba mà đi rồi, má sẽ khổ lắm”. Đến giờ khắc nghĩ là đã cuối cùng của mình, ba và má đều nghĩ nhiều nhất là về nhau và cho nhau.

Lúc đó, chị em tôi không hỏi vì sao ba lại nghĩ như vậy, bởi dù gì má cũng còn có ba chị em chúng tôi chăm sóc. Vì sao ba lo lắng? Sau này tôi mới hiểu có lẽ hơn ai hết, ba đã hiểu rất rõ rằng, ba chính là hạnh phúc, là niềm vui sống, là hơn nửa yêu thương của cuộc đời má.

Hơn nửa thế kỷ ba má sống bên nhau, dù đời sống có những lúc xô lệch, va chạm, thậm chí đến chông chênh gần như đổ vỡ, nhưng ba má vẫn gượng lại, trụ lại và neo vào nhau bằng tình nghĩa vợ chồng keo sơn. Với chị em chúng tôi, tình yêu thương, chăm sóc má dành cho ba, sự nể trọng má dành cho ba là một điển hình của phụ nữ Việt.

Điều làm chúng tôi ghi nhớ và học má, đó là dù có mâu thuẫn va chạm đến đâu, chưa bao giờ má không chăm chút bữa cơm của ba. Có khi vợ chồng giận nhau không ăn chung, ba nằm đọc sách, gõ mấy chữ và ăn sau.

Má bao giờ cũng dành phần ba miếng ngon nhất, tinh tươm nhất và hong hóng vào ra ngó chừng lúc nào ba sẽ ăn. Và hình như suốt 50 năm chung sống ấy, chưa bao giờ, dù trong những lúc lao đao, chênh vênh nhất, má lại thay đổi không xưng hô “anh - em” với ba.

Nó còn là cả sự trân trọng má dành cho sự nghiệp của ba. Nói đến sự nghiệp, không thể không bao gồm cả những bài thơ tình rất hay, lãng mạn mà ba dành cho không chỉ riêng má. Chưa bao giờ má tỏ ý ghen tuông hay ghét bỏ những bài thơ má biết là không dành cho mình.

Những ngày cuối ba ở bệnh viện, má ở nhà cũng yếu lắm. Vậy mà cứ lật bật vào ra nhìn ngó chúng tôi nấu yến, nấu cháo mang vào cho ba. Và luôn chuẩn bị sẵn bộ đồ tơ tằm trắng tinh mà ba thích nhất, để chỉ cần chị em tôi cho phép là má thay đồ, xách túi chờ chúng tôi đưa vào bệnh viện.

Không bao giờ sau này trong cuộc đời, tôi quên được hình ảnh má nhẹ nhàng, như bà tiên, với mái tóc trắng tinh, nghiêng người xuống cầm bàn tay gầy guộc của ba và gọi khe khẽ: “Ba ơi, em vào thăm ba này”.

Những giờ phút hai người già ấy ở bên nhau luôn thật dịu dàng, thật cảm động. Những thương nhớ hai người già ấy gửi cho nhau qua chị em chúng tôi thật đáng yêu. Hình như chưa bao giờ tôi thấy họ dành cho nhau trọn vẹn đến như thế những yêu thương, chăm sóc.

Đêm ba trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện, tôi trở về nhà, 3g sáng, má ngồi trên ghế chờ. Tôi nhìn má lặng lẽ không nói tiếng nào, chỉ gật đầu nhè nhẹ. Cả nhà xúm vào bên má, hai vai má run khe khẽ từng chặp yếu ớt và mong manh đến xót xa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI