Ngó gia cảnh sui gia, có gì sai?

20/07/2019 - 20:56

PNO - Gả con gái cho một gia đình khó khăn, tôi không muốn chút nào. Có khác gì mình đã biết trước con đường vất vả - con đường mà mình đã cố gắng lắm mới tránh được, mới vươn lên được - mà mình lại đẩy con vào…

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Năm nay, con gái đầu lòng của vợ chồng tôi sẽ tổ chức đám cưới. Vợ chồng tôi rất vui, vì con đã 29 tuổi, nghĩa là hơi đứng tuổi rồi. Trước nay con gái tôi chỉ tập trung cho công việc, sự nghiệp, không nghĩ gì đến chuyện yêu đương. Đây là lần đầu tiên con tôi yêu và quyết định cưới luôn.

Mừng thì mừng nhưng cũng vì vậy mà tôi lo lắm. Gia đình bên đàng trai rất khó khăn. Tôi không chê họ nghèo nhưng tôi thấy trước con gái mình sẽ rất vất vả với gia đình chồng như vậy. Gia đình bên đó có ông bà ở chung, tuổi cao, lại đau ốm nằm liệt, phải luôn có người chăm sóc. Vợ chồng thông gia bên nhà ấy cũng đã lớn tuổi, không làm việc nữa nhưng cũng không có nguồn kinh tế nào ổn định cho sinh kế. Tôi được biết họ chỉ có miếng đất vườn, đã cắt đất bán để lấy tiền chi dùng trong nhà; bây giờ đất cũng hết, nhà cửa xập xệ. Họ có ba đứa con, thì vợ chồng hai đứa anh và chị của chú rể tương lai cũng không có nghề nghiệp rõ ràng. 

Ngo gia canh sui gia, co gi sai?
Hình minh họa

Con rể tương lai của gia đình tôi làm chung công ty với con gái tôi nhưng chỉ là nhân viên bảo trì máy tính. Trong khi đó, con gái tôi học hành đàng hoàng, có vị trí, có cơ hội thăng tiến. Tôi không muốn ngăn cản tình yêu của con nhưng sự chênh lệch quá lớn làm tôi lo lắng. Gả con gái cho một gia đình như vậy, tôi không muốn chút nào. Có khác gì mình đã biết trước con đường vất vả - con đường mà mình đã cố gắng lắm mới tránh được, mới vươn lên được - mà bây giờ mình lại đẩy con vào…

Minh Lệ (TP.HCM)

Chị Minh Lệ thân mến,

Phần đông các ông bố bà mẹ khi gả con gái mình đều nhìn ngó gia cảnh bên kia xem có được không; hễ bên nhà này hay bên nhà kia có gì đó không ổn, lập tức thấy rằng mình không nên gả, thấy rằng mình gả con là một sự mất mát, thiệt thòi... Nhưng thực chất, nếu mình không đồng ý, con mình cũng có thể tự tìm đường để đi - chị có nghĩ đến điều đó không? 

Một quy luật tự nhiên, bắt buộc, là con người khi được nuôi dạy trưởng thành sẽ tách khỏi cha mẹ để lập gia đình và tiếp tục đời sống riêng. Ra riêng, lấy chồng, sống độc lập là chuyện tất yếu. Cha mẹ chỉ có thể và chỉ nên góp ý kiến tư vấn giúp đỡ để con xây dựng cuộc sống mới hạnh phúc hơn. Chị hãy nghĩ từ góc độ ấy và đừng cảm thấy mình “đẩy” con đi, đừng cảm thấy mình có thể ngăn con lại… Cho dù mình không ngăn không đẩy, con mình cũng có thể bắt đầu hành trình riêng. 

Ngo gia canh sui gia, co gi sai?

Ảnh minh họa

Vậy nên, bây giờ, việc của chị chỉ là hỗ trợ, giúp đỡ con, trên cơ sở ý nguyện của con. Bản thân chị cũng thấy rằng con mình trưởng thành, có nghề nghiệp, có năng lực, chị lo gì con không thu xếp được cuộc sống riêng. Cưới xong, đôi vợ chồng trẻ quyết định ở riêng hay về sống chung với gia đình chồng là chuyện mình có thể bàn bạc cùng các con. 

Có những thứ mình không thể thay đổi, ví dụ sức khỏe của các cụ già, tình trạng kinh tế của gia đình họ, nghề nghiệp của các anh chị em bên nhà đó… nhưng ai bắt mình phải lo hết mọi chuyện, ai nói rằng sau khi cưới con gái mình về, cuộc sống bên nhà đó phải thay đổi hết. Mình chỉ có thể thay đổi một vài điều, những gì liên quan trực tiếp đến đôi vợ chồng trẻ. Chị hãy góp sức cùng con lập kế hoạch cho cuộc sống mới. 

Tình yêu thực sự có sức mạnh lớn lao để thay đổi nhiều chuyện tưởng chừng bế tắc. Mặt khác, “sông có khúc, người có lúc”, những khó khăn rồi sẽ qua đi. Chúc chị yên tâm, bình tĩnh giúp con chuẩn bị cho một giai đoạn mới của cuộc đời. 

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Tường Giang (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Nếu yêu, các con sẽ tìm ra phương án tốt nhất
Hoàn cảnh của tôi cũng tương tự. Nhà chồng xa xôi, mẹ già phải nuôi thêm bà ngoại, em gái ly hôn thất nghiệp về sống cùng với hai đứa con. Kinh tế nhà chồng phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương nhân viên kỹ thuật của một công ty nhà nước nhỏ. Tôi lúc ấy chỉ là nhân viên thủ thư của một thư viện xã, nhà cũng khó khăn. Nhưng lúc ấy chúng tôi yêu nhau lắm, chỉ sợ không cưới được nhau, còn không gì là không thể.
Con gái chị cũng đã trưởng thành rồi. Chị nói chuyện cùng cháu xem liệu tình yêu của cháu đã đủ sức mạnh để vượt qua tất cả hay chỉ là thấy mình lớn tuổi, có ai đó ngỏ lời thì vội vàng chớp lấy, bất chấp mọi thứ. Vế thứ hai thật sự đáng lo ngại, vì các con sẽ vội nản lòng khi vấp phải khó khăn. Nếu thực lòng yêu, các con sẽ tìm ra phương án tốt nhất để có thể sống cùng nhau, chia sẻ chút ít với khó khăn nhà chồng. 
Khi con cái trưởng thành, ý kiến cha mẹ chỉ để tham khảo, mình can thiệp sâu quá e rằng không đúng. Vả lại tôi đâu thấy gia đình kia bắt con chị phải gánh hết trách nhiệm. Có nhiều gia đình rất tự trọng, như nhà chồng tôi chẳng hạn. Khi ấy, chính vợ chồng tôi chủ động giúp đỡ, tôi và chồng đã lên kế hoạch buôn bán thêm và đó cũng là công việc chính của gia đình tôi lúc này.

Hoàng An (Q.12, TP.HCM): Đừng để vuột mất cơ hội!

Cháu 31 tuổi và cũng chuẩn bị lấy chồng. Nhà chồng cháu cũng khó khăn như nhà con rể tương lai của cô. Thoạt nghe, mẹ cháu cũng lo nhưng cháu cương quyết lấy vì anh ấy rất hiếu thảo. Cháu chọn anh ấy, thực lòng chính là vì sự hiếu thảo anh ấy dành cho cha mẹ mình. Anh lo toan quán xuyến mọi thứ. Cháu đủ chín chắn để biết mình cần tìm một người chồng như thế nào. Và anh ấy chọn cháu cũng bởi cháu trân trọng sự hy sinh của anh ấy dành cho gia đình. Cháu tin rằng người đáng quý như vậy chắc chắn là người tốt, mình không nên bỏ lỡ cơ hội.

Trưởng thành từ khó khăn, chắc bạn ấy già dặn và biết lo. Điều mà người phụ nữ cần chẳng phải là tìm cho mình một chỗ dựa? Còn khó khăn về tiền bạc, cả hai có thể cùng nhau tìm được giải pháp. Lo cho cha mẹ chồng cũng là một phần trách nhiệm của con dâu. Cô nói con cô cũng giỏi nên cháu tin bạn ấy sẽ tìm được giải pháp ổn thỏa.

Con rể tương lai của cô là nhân viên bảo trì máy tính. Công việc ấy sẽ giúp anh dễ dàng kiếm việc làm thêm ngoài giờ. Cô có thể gợi ý với con gái mình để vợ chồng cô ấy bàn bạc cùng nhau kiếm thêm thu nhập...

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ nữ: Từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, tới thứ Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI