Một bàn tay cô đơn

01/03/2019 - 18:00

PNO - Với bạn bè, chị nói mình ổn, thì ổn chứ sao, công việc vẫn đều đặn, chồng con ngoan ngoãn, bố mẹ chồng không đến nỗi khó tính, nhưng chỉ có chị mới biết mình không ổn chút nào.

Cứ nghĩ chị Thùy có cuộc sống êm ả lắm như những gì chị kể, cho đến khi một người bạn đến thăm bạn cũ, người này lại ở sát nhà chị Thùy, đám chị em chấy rận mới ngã ngửa. Thương chị thì ít, giận chị thì nhiều, nếu không có chuyến thăm ngẫu hứng của cô bạn kia, thì chị còn giấu giếm đến bao giờ.

Anh chồng chị Thùy hiền, hiền từ bé, dạng con ngoan trò giỏi gọi dạ bảo vâng, thấy anh vào đại học rồi còn không biết làm cách nào múc nước giếng, cứ quăng quật cái gầu, cuối cùng tuột tay làm rơi xuống giếng, chị tự dưng thấy thương. Là trai cả, sau có tới năm cô em gái nên anh có phải đụng chân đụng tay làm gì.

Ngày ấy nếu chị hỏi thêm để biết rằng các cô em gái anh chỉ học hết cấp ba là nghỉ ở nhà vì cha mẹ anh cho rằng con gái không cần học nhiều, ở nhà kiếm việc làm, lận lưng ít vốn rồi lấy chồng, sẵn có của bên người thì nhà chồng nào dám coi thường. Liệu chị còn dám đến với anh?

Mot ban tay co don
Ảnh minh họa

Từ tội nghiệp, chị chuyển sang thương lúc nào không biết, trước đó anh cứ phải đến nhà bà cô cách trường ba cây số để tắm rửa và nhờ cô giặt giũ cho. Nhà cô chật nên anh đành ở ký túc, bố anh đã lệnh cho em gái phải chăm sóc cho anh trai. Hôm chị gặp anh là lúc mẹ anh ốm, cả nhà người cô về quê vội không kịp gửi chìa khóa lại nên anh mới phải ra giếng đánh vật với cái gầu.

Chị nghĩ, lấy người yêu mình và hiền lành, thế là đủ. Cưới nhau về rồi chị mới biết ngoài vợ, anh còn nghe lời khá nhiều người khác, từ cha mẹ, cô dì chú bác đến năm cô em gái. Bản tính hiền lành chịu khó, chị vừa làm việc trên huyện vừa cáng đáng mấy sào ruộng, có ngày tối mịt còn lội bùn, lúc đứng được thẳng người thì lưng hông đau nhừ, về đến nhà thì mọi người đã ăn cơm trước từ lúc nào, trong mấy cái nồi còn phần chị ít nước canh và vài khúc cá nát cùng đống chén bát. 

Đến con trai mình, chị cũng không được tự ý dạy dỗ vì thằng bé là đích tôn, là cục vàng của dòng họ. Thằng bé được chuyền tay cưng chiều nên mới năm tuổi đã biết dùng điện thoại xem phim bất cứ lúc nào nó thích, người này không cho thì nó đi mượn người khác. Chị góp ý với mọi người thì bị gạt phắt, ông nội thằng bé còn nói mát: “Chị sợ hỏng điện thoại chị thì mai chúng tôi mua cho nó con khác, thử xem cả làng có đứa trẻ nào biết dùng điện thoại như nó, còn hát theo nữa!”.

Chị nhỏ giọng nói chuyện với chồng, nhờ anh nói chuyện với mọi người đừng chiều con quá thì anh thở dài, chị sực nhớ, đến đời mình, anh còn chẳng được quyết thì sao dám quan tâm đến con. 

Mot ban tay co don
Ảnh minh họa

Cho đến ngày chị nhận ra con trai mình đã hình với bóng với cái điện thoại, đi vệ sinh nó cũng mang theo, đi ngủ thì chỉ khi xem chán mỏi mắt mới lăn ra ngủ dù nói một câu nó còn ngắc ngứ không biết tìm từ để nói, đôi khi còn hét lên hung dữ khi thấy mọi người không hiểu được ý mình. 

Sau lần bị mắng ngược, chị không dám lên tiếng, chồng chị sau khi nói với mọi người thì quay lại với... kế hoạch: Hai vợ chồng đẻ thêm đứa nữa cho có việc để làm, rảnh quá nên giám sát thằng bé cả ngày. Tất nhiên là chị không chịu, có một đứa mà chị còn không được chăm sóc, thêm đứa nữa làm gì. 

Vì chị dám cãi lại nên anh cũng lạnh nhạt mặc kệ, tối mang gối ra phòng khách ngủ như để "dằn mặt".

Với bạn bè, chị vẫn nói mình ổn, thì ổn chứ sao, công việc vẫn đều đặn, chồng con ngoan ngoãn, bố mẹ chồng không đến nỗi khó tính, nhưng chỉ có chị mới biết mình không ổn chút nào.

Một cuộc gặp khẩn cấp giữa những người bạn, nhưng chiều muộn ai nấy ra về trong chán chường vì chị khư khư giữ lập trường "cho con có gia đình trọn vẹn", "anh ấy ghẻ lạnh nhưng không đánh đập như gã hàng xóm", "một mình chị làm sao nuôi nổi con, nó đang được ăn sung mặc sướng"... Bạn bè ngao ngán, chị bị hội chứng Stockholm mất rồi. Chị lên mạng tra hội chứng ấy là gì, và ngẩn người.

Chị nghe rất nhiều lời khuyên: nếu muốn buông bỏ, hãy nghĩ đến lý do mình bắt đầu. Và chị lại thương anh, lại thôi.

Nay nghe bạn bè, mà đa phần là người trẻ tuổi hơn góp ý, chị thấy mình sai rồi. Cuộc đời người đàn bà cần một mái nhà, một bờ vai đàn ông và vòng ôm của những đứa trẻ.

Mot ban tay co don
Ảnh minh họa

Nhưng chị có gì? Suốt những năm tháng ấy chị đã chăm chỉ, không ngừng nghỉ nhưng cuối cùng có gì trong tay? Chuyện vợ chồng, chị đã cố hết sức hàn gắn nhưng chỉ với một bàn tay, có cố thế nào cũng không thể tạo nên tiếng vang.

Chị biết, con đường trước mắt còn rất nhiều chông gai, nhưng chị sẽ đi. Sinh ra trong gia đình lao động nghèo, từ bé đã biết lo lắng cho các em, chưa bao giờ chị lo cho mình, cho đến tận bây giờ. Vì chị cần lo cho con trai mình trước.

Hải Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI