Mẹ tôi đáng thương hay đáng trách khi làm người thứ ba?

02/08/2019 - 11:30

PNO - Mẹ tôi đã trở thành người thứ ba trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ đã phải cay đắng chấp nhận sự dè bỉu của họ hàng, làng xóm để duy trì sự sống cho ba...

Gia đình tôi đã rời khỏi căn nhà ở thành phố Cần Thơ gần năm năm, nhưng mỗi lần vô tình gặp lại những người hàng xóm cũ, chị em tôi đều phải tìm cách né tránh. Chúng tôi sợ phải đối diện với ánh mắt thương hại hay những câu hỏi thăm đầy ẩn ý của họ. Bởi câu chuyện của gia đình tôi một thời từng làm xôn xao xóm nhỏ. 

Ba tôi mắc bệnh hiểm nghèo lúc tôi mới học lớp 9 còn em gái học lớp 3. Từ trụ cột gia đình, ba chỉ nằm thoi thóp trên giường, bao nhiêu gánh nặng dồn xuống đôi vai bé nhỏ của mẹ.  

Me toi dang thuong hay dang trach khi lam nguoi thu ba?
Mẹ tôi chấp nhận làm người thứ ba để có tiền lo chữa bệnh cho chồng và nuôi con. Ảnh minh họa 

Những năm đó, mẹ rất tuyệt vọng khi bệnh tình của ba ngày càng nặng mà không còn tiền chạy chữa. Mẹ bỏ công việc của một giáo viên mầm non để ở nhà mở tiệm tạp hóa buôn bán qua ngày vì đồng lương ít ỏi không đủ sống và mẹ muốn có thời gian chăm sóc chồng. 

Mẹ phải vay mượn khắp nơi để lo tiền chữa bệnh cho ba vừa nuôi chúng tôi ăn học. Đến khi kinh tế gia đình kiệt quệ, cũng hết chỗ vay mượn, mẹ rơi vào đường cùng. Lúc đó, có một người đàn ông thường bỏ mối hàng để ý mẹ.

Nghe đâu, vợ ông ta bị đột quỵ, cũng nằm liệt giường mấy năm nên thiếu thốn tình cảm. Biết hoàn cảnh gia đình tôi bi đát, ông ta ngỏ ý giúp, nhưng đổi lại mẹ phải "dễ thương" với ông ta.

Tôi đã thấy mẹ khóc như mưa bên cạnh ba và nói: “Em sẽ làm tất cả để anh ở bên mẹ con em càng lâu càng tốt”.

Khi đó tôi hiểu, bệnh tình của ba không thể chữa trị khỏi mà chỉ có thể kéo dài, phải có tiền để tiêm thuốc đều đặn. Thế rồi, người đàn ông đó qua lại nhà tôi nhiều hơn, thỉnh thoảng mẹ đi ra ngoài một vài tiếng rồi về. 

Cửa hàng tạp hóa của mẹ được mở rộng, bán nhiều hàng hơn và thu nhập tăng lên đáng kể. Chị em tôi được ăn ngon, có tiền mua quần áo mới và đi học thêm như các bạn. Tình hình bệnh của ba cũng cải thiện rõ rệt nhờ thuốc thang và ăn uống đầy đủ.

Nhưng đổi lại, chúng tôi phải sống trong sự mỉa mai khinh bỉ của bà con làng xóm. Bởi có lần, con ông ấy tìm đến tận nhà tôi để đánh ghen khiến mẹ vô cùng nhục nhã. Họ gọi mẹ bằng những từ rất khó nghe như “con giáp thứ 13”, “cướp chồng người” “làm gái”...Nhưng bỏ qua tất cả, mẹ gồng mình lên chống chọi để lo cho chồng con.

Nhờ được chăm sóc tốt, bệnh tình của ba kéo dài thêm được ba năm, lâu hơn dự đoán của bác sĩ. Trước khi mất, ba dặn dò chúng tôi: “Các con phải tôn trọng mẹ, dù có chuyện gì xảy ra cũng không được trách móc mẹ. Mẹ rất đáng thương”.

Me toi dang thuong hay dang trach khi lam nguoi thu ba?
Đối với tôi, mẹ vẫn đáng thương hơn là đáng trách. Ảnh minh hoạ

Nhưng rồi, gia đình nhà nội không chịu hiểu, ba mất rồi không ai bênh vực mẹ. Ông bà nội nhất quyết không cho mẹ để tang ba vì tội tằng tịu với người khác trong khi chồng lâm bệnh nặng. Trong khi, từ ngày ba đau ốm, nhà nội không hỗ trợ tiền bạc hay lui tới chăm sóc. 

Mẹ tôi cay đắng chấp nhận sự dè bỉu của họ hàng, làng xóm. Sau khi ba mất, mẹ ở vậy buôn bán nuôi con một thời gian. Nhưng mẹ sợ chị em tôi không chịu nổi điều tiếng nên đã bán nhà cũ, chuyển về quê ngoại ở Bạc Liêu sinh sống. Từ đó mẹ cũng cắt đứt liên lạc hoàn toàn với người đàn ông kia. 

Ba đã đi xa gần 10 năm, tôi đã trưởng thành và có gia đình riêng. Mẹ sống cùng em gái trong nỗi cô đơn vò võ của tuổi già cùng những điều tiếng không thể xoá nhoà từ thời trẻ. Về sau, em gái tôi lên Cần Thơ học đại học và có quen một người gần nhà cũ. Cũng vì chuyện của mẹ mà em gái tôi bị nhà trai phản đối nên em luôn oán ghét mẹ. Còn tôi, lời ba dặn vẫn còn văng vẳng bên tai, dù có chuyện gì xảy ra mẹ vẫn đáng thương hơn là đáng trách?

                                                                                                        Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI