Mẹ chồng tôi chỉ tin thầy bói

21/05/2019 - 08:36

PNO - “Lời nói đọi máu”, khi lý trí bị mê tín che mờ sẽ dễ dẫn tới cách ứng xử đem lại cho người khác sự tổn thương lớn hơn nhiều so với sự cố đã xảy ra. Điều ấy lại cách cái ác không xa.

Tôi thường kể về chuyện mê tín dị đoan như một câu chuyện vui sau khi mọi bực bội đã qua. Thế nhưng, mọi chuyện không phải lúc nào cũng vui hay chỉ đem lại chút ít phiền phức trong cuộc sống hằng ngày mà đôi khi sự mê tín vô tình dẫn người ta đến cận kề cái ác mà không hay biết.

Me chong toi chi tin thay boi
 

Khi còn ở với cha mẹ, cuộc sống gia đình tôi đơn giản từ lễ nghi cưới hỏi, giỗ chạp… Chính vì vậy, sau đám cưới tôi liên tục “choáng váng” vì mẹ chồng mê tín dị đoan một cách mụ mị. Dù không sống chung nhưng mỗi lần mẹ chồng vào thăm con cháu là sinh hoạt của nhà tôi bị đảo lộn.

Vợ chồng tôi đặt cái bếp điện chiều ngang như thông thường thì bà quay dọc vì theo phong thủy, đặt bếp hướng đó chúng tôi làm ăn mới có nhiều tiền. Chiều mẹ, chúng tôi dùng cái bếp tréo ngoe vài ngày cũng chẳng sao, và chuyện làm ăn cũng không “biến động” vì tiền.

Từ ngoài quê, nếu bà nghe vợ chồng tôi cãi nhau thì ngay lập tức đi coi bói. Thầy bói bảo mộ ông nội chồng có một cái cây mọc ngang nên trong nhà hay xào xáo, bà đã vội xin ngày chặt bỏ cây, thầy bảo dán cái bùa trong phòng để trấn, bà cũng xin bùa dán ngay. 

Trước những chuyện như vậy, xảy ra một cách thường xuyên, tôi đều cười. Vì thật sự chúng chỉ gây một ít rắc rối và tôi hoàn toàn có thể giải quyết được. Nhưng có một số chuyện tôi thật sự sốc và kiên quyết làm theo ý mình.

Cách đây 4 năm, tôi mua được căn nhà, mới chuyển đến ở được vài tháng thì cha tôi phải vào Sài Gòn tái khám ung thư. Tôi muốn đưa cha về nhà mình ở cho tiện chăm sóc, thì mẹ chồng gọi điện vào đề nghị tôi phải đưa ông đến chỗ khác ở. Theo bà, người ta kiêng để người bệnh vào nhà mới, sẽ không tốt cho con cháu trong nhà.

Trước phản ứng quá mạnh của tôi, mẹ chồng phải nhượng bộ và chỉ kịp buông một câu: “Ừ, bây muốn làm gì thì làm, mai mốt trong nhà có chuyện gì thì đừng trách mẹ không nhắc nhở”. 

Khi tôi sắp sinh, bác sĩ báo lịch mổ ngày 25 tháng 2, mẹ chồng đi coi bói, thầy phán sinh ngày 24 tháng 2 mới tốt cho đứa bé. Tôi nói với mẹ: “Tương lai thằng bé tốt xấu thế nào con chưa biết, nhưng ngay thời điểm này, sức khỏe của hai mẹ con con mới quan trọng”, rồi quyết định chỉ vào phòng mổ theo lịch của bác sĩ. Thằng bé vừa được sinh ra, bà đưa mật heo bảo cho thằng bé uống để chắc bụng. Đương nhiên, tôi từ chối. Điều này khiến bà vô cùng thất vọng. 

Tôi có thể chiều mẹ chồng rất nhiều chuyện phi lý từ sự mê tín của bà, nhưng luôn cứng rắn với những thứ liên quan đến tình cảm, đạo lý và sức khỏe của mọi người trong gia đình. Nếu tôi không quyết liệt trong quyết định đưa cha về căn nhà mới mua, hẳn sau khi ông mất, tôi sẽ ân hận suốt đời. Nếu tôi thỏa hiệp “bắt con” ra sớm một ngày, hay cho con uống mật heo sống, chẳng may có chuyện gì xảy ra cho hai mẹ con tôi thì biết trách ai bây giờ?

Những người sống “âm lịch” như mẹ chồng tôi không phải ít. Một người phụ nữ xóm tôi đã khóc vật vã trong cơn hấp hối của mẹ chị. Trước đó, thầy bói đã cho chị biết bà mất ngày nào sẽ tốt cho các con nên trong cơn vật vã ấy, chị lẩm bẩm: “Má ráng một ngày nữa nha má. Má chết hôm nay là tụi con làm ăn tàn mạt hết má ơi”. Mẹ chị không cầm cự nổi đến ngày hôm sau và chuyện kinh doanh của gia đình chị vẫn tốt đẹp.

Em họ tôi lấy chồng ở một tỉnh miền Trung, ngày vui vội qua vì chồng em mất sau đám cưới hai ngày. Theo tục lệ ở đó, ba ngày sau khi rước dâu, vợ chồng mới cưới không được ra khỏi nhà, thế nhưng vợ chồng em họ tôi đã đi biển chơi và anh chồng bị sóng cuốn.

Đó là một tai nạn không ai mong muốn, em họ tôi chưa hết cơn sốc mất chồng, đã bị họ hàng nhà chồng “tiếp thêm nhiều nhát dao” bằng những kết luận: tại cô đòi đi biển chơi, tại thầy bói coi hai tuổi này cưới nhau sẽ có đứa chết mà vẫn cưới…

Mới mặc áo cưới bỗng chốc mặc áo tang, vừa làm cô dâu lại làm chủ tang với bao nhiêu lễ nghi lạ lẫm, một mình em ở một tỉnh xa, giữa những người họ hàng còn chưa kịp làm quen và thích ứng, với sự công kích không hề nhẹ của bà con bên chồng, em tôi gần như gục ngã. Gia đình tôi phải mất rất nhiều thời gian động viên tâm lý, em mới phần nào bình tâm trở lại. 

Sống ở thời hiện đại nhưng nhiều người từ chối lối sống văn minh. Thay vì giải thích sự việc trên nền tảng khoa học thì con người lại chạy theo sự mê tín. Ai cũng muốn có cuộc sống bình yên, công việc thuận lợi nên chúng ta thường cầu nguyện để đạt được, điều ấy hoàn toàn chính đáng.

Thế nhưng một khi mong muốn nhiều quá - muốn có đủ thứ và sợ mất nhiều thứ - thì người ta dễ trở nên tham lam, ích kỷ. Và khi có sự cố xảy ra, họ sẽ quáng quàng tìm cách đổ lỗi vì không biết kiêng cữ, không… nghe lời thầy.

“Lời nói đọi máu”, lời ông bà nói không sai, nhưng khi lý trí bị mê tín che mờ sẽ dễ dẫn tới cách ứng xử đem lại cho người khác sự tổn thương lớn hơn nhiều so với sự cố đã xảy ra. Điều ấy lại cách cái ác không xa. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI