Mẹ chồng sòng phẳng

15/08/2019 - 19:12

PNO - Từ đó, tôi không muốn nhờ vả mẹ chồng điều gì, không chia sẻ tâm sự như trước. Mọi chuyện tôi đều thanh toán sòng phẳng bằng tiền chứ không bằng tình cảm.

Tôi lấy chồng năm 25 tuổi sau khi vượt qua nhiều ngăn cản từ phía gia đình. Ba mẹ phản đối hôn nhân, vì không muốn tôi lấy chồng xa (cách nhà hơn 300 km) và chồng tôi không có nghề nghiệp ổn định. 

Nhưng vì yêu, tôi vẫn bất chấp để có đám cươí. Trước khi về làm dâu, mẹ tôi dặn: “Làm dâu xa xứ, chỉ có nhà chồng làm chỗ dựa, con liệu mà đối đãi cho tử tế”. Bởi vậy, khi về làm dâu, tôi rất chu toàn với việc nhà chồng, cư xử với mẹ chồng bằng tình cảm của một người con gái dành cho mẹ.

Me chong song phang
Tôi đã đối xử với mẹ chồng bằng tình cảm của một người con gái dành cho mẹ. Ảnh minh họa

Có chuyện gì, tôi cũng tâm sự chia sẻ với mẹ chồng. Mỗi khi bà đau ốm, tôi chăm sóc hết lòng. Không biết trong lòng bà nghĩ gì, nhưng tôi thấy mình may mắn vì lúc nào bà cũng nhẹ nhàng ân cần với tôi.

Suốt tám năm làm dâu, giữa mẹ con tôi chưa từng xảy ra mâu thuẫn. Đó là điều tôi cảm thấy được an ủi nhất, cảm gíac như cuộc đời bù lại một cách công bằng, vì chồng tôi là kẻ tệ hại, vô trách nhiệm, vô tâm, ham chơi bời lêu lổng. Không ít lần tôi định ly hôn nhưng chính tình cảm với mẹ chồng đã níu tôi lại với cuộc hôn nhân này.

Mẹ chồng tôi buôn bán làm ăn nên rất sòng phẳng, tôi mua cho bà cái áo, bà cũng tìm cách trả lại cho con tôi hộp sữa. Tiền sinh hoạt hàng tháng, bà chia theo đầu người rồi tính tiền đóng góp.

Nếu tôi kẹt tiền, bà cho tôi vay, sau đó tôi sẽ hoàn trả lại. Nhiều người nghĩ tính toán như thế sẽ mất tình cảm nhưng tôi lại thấy chính điều đó giữ tình cảm được lâu bền vì chẳng ai nợ ai cả.

Mọi chuyện bắt đầu cách đây nửa năm, vết thương cũ ở lưng do vụ tai nạn thời con gái tái phát khiến tôi phải nhập viện. Bác sĩ bảo cần phải phẫu thuật mới khỏi và chi phí khoảng 80 triệu đồng. Bác sĩ cũng tiên lượng khả năng thành công khoảng bảy mươi phần trăm, nếu thất bại tôi sẽ phải ngồi xe lăn.

Chồng ham chơi không lo dành dụm nên chẳng có đồng nào, riêng tôi mới mua xe, chỉ còn được 20 triệu. Tôi tìm về bên ngoại định vay mượn cho đủ 60 triệu còn lại thì mẹ ruột bảo hỏi đằng nội xem thế nào và đưa tôi nửa số tiền.

Tôi cầm về 30 triệu đồng gửi mẹ chồng rồi tiện thể hỏi mượn luôn số tiền còn lại. Mẹ chồng vẫn cất tiền cho tôi nhưng không nói là có cho vay hay không. Đến ngày đi mổ, tôi lấy tiền, bà chỉ đưa đủ 30 triệu tôi gửi chứ không thêm một đồng nào.

Tôi lật đật gọi về cho mẹ ruột mượn thêm để nộp đủ tiền phẫu thuật. Ca mổ diễn ra suôn sẻ, tôi đang nằm ở phòng hồi sức thì chồng tôi thua độ bóng đá, bị xã hội đen đe dọa. Lúc đó, mẹ chồng đưa ngay mấy chục triệu đồng cho con trai trả tiền vay nóng.

Tôi rất buồn, đúng là “ruột ai người ấy xót”, tôi chỉ là người dưng nước lã làm sao đòi hỏi như tình thâm máu thịt. Mấy ngày tôi ở viện, mẹ chồng có vào chăm vài ngày. Hàng xóm thăm hỏi về khả năng hồi phục của tôi, bà cứ nói nửa đùa nửa thật: “Biết thế này, ngày trước không cho cưới”.

Me chong song phang
Đến khi nằm trên giường bệnh, cách cư xử của mẹ chồng khiến tôi thấy nghẹn đắng. Ảnh minh họa

Tôi thấy nghẹn đắng, hiểu vì sao khi hỏi vay tiền bà không nói gì, bởi bác sĩ tiên lượng sau ca mổ sức khỏe của tôi không được như trước, khả năng lao động cũng giảm đi. Như vậy, muốn được lòng mẹ chồng và sống thoải mái phải có kinh tế trong tay và luôn khỏe mạnh. Tôi thấm thía: đến lúc ốm đau bệnh tật mới rõ lòng dạ người như thế nào.

Từ ngày đó đến khi xuất viện về nhà, tôi không muốn nhờ vả mẹ chồng điều gì, không chia sẻ tâm sự như trước. Mọi chuyện tôi đều thanh toán sòng phẳng bằng tiền, chứ không bằng tình cảm. Cũng may, sức khỏe của tôi đã tạm ổn và có thể đi làm lại bình thường. Chỉ biết, tình cảm của tôi dành cho mẹ chồng sẽ không bao giờ có thể trở lại được như trước đây.

   Trúc Mai

                                                                                    

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI