Liệu pháp tinh thần

23/07/2014 - 11:41

PNO - PNO - Ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, gia đình anh Nguyễn Cảnh, chị Lê Thị Ánh được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ. Họ có một cuộc sống khá đầm ấm, mọi thành viên trong nhà chan hòa, yêu thương nhau.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đồng vợ, đồng chồng

“Làm nông dân mà chỉ bám vào mấy sào ruộng lúa, chắc chắn kinh tế gia đình sẽ khó khăn”. Đó là quan điểm của gia đình anh chị. Xác định phải có nghề tay trái để có thêm tiền nuôi các con ăn học, những ngày nông nhàn, anh Cảnh còn đi kiếm củi, làm thợ xây…. Phần chị Ánh, ngoài ruộng nương, chị còn chăn nuôi lợn nái, gà, vịt.

Lieu phap tinh than

Vợ chồng anh Cảnh, chị Ánh

Công ăn việc làm luôn là câu chuyện thường ngày được vợ chồng bàn bạc chóng vánh, vì “việc nhà nông là phải cụ thể bằng đôi tay, chứ không phải bằng cái miệng”, chị Ánh thẳng thắn. Sau giờ cơm tối, vợ chồng cùng ngồi bên chiếc ti vi xem thời sự, đặc biệt chờ đợi bản tin thời tiết để hoạch định công việc ngày mai, rồi lắng nghe những câu chuyện của các con. Có lẽ vì thấy ba mẹ quá vất vả, nên ba người con trai của anh chị rất chăm chỉ học tập, tranh thủ phụ giúp việc đồng áng cùng ba mẹ. Hai con trai lớn đã trưởng thành, lập gia đình, hiện đang làm việc tại thành phố Hội An. Cậu trai út chưa vợ, là y sĩ tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.

Cứ ngỡ cuộc sống cứ êm đềm trôi qua trong bình yên, nhưng cách đây hơn một năm, anh Cảnh ngã bệnh. Biểu hiện ban đầu là những ngón tay, ngón chân bị tê, liền sau đó anh không thể nói được, tay chân không thể cử động. Hay tin, ba cậu con trai tức tốc trở về, thuê xe đưa ba tới bệnh viện.

“Nắm đấm” của vợ

Trên giường bệnh, hay ngoài hành lang bệnh viện, bất cứ lúc nào vợ chồng anh Cảnh, chị Ánh cũng tay trong tay. Từ ngày bị tai biến, anh Cảnh phải nhờ đến đôi bàn tay “ảo thuật” của vợ. Không chỉ giặt giũ, bón cơm, tắm táp, hay dìu đỡ chồng đi lại, mà đôi tay ấy còn chực… “dọa” đánh chồng những khi anh không chịu ăn, không chịu bước. Khi chị Ánh giơ cao cánh tay, bậm môi anh Cảnh phải há miệng, lê gót. Nhờ thế, da thịt anh ngày càng thắm, bước chân linh hoạt hơn. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ trong ngày, chị Ánh nói trong nước mắt: “Không phải ông ấy sợ tôi mà theo ý vợ. Xưa nay trong những lúc giận dỗi, chúng tôi chưa một lần gọi “tau, mi”, cũng chưa từng biết đến bạo lực với nhau là gì. Có lẽ ông ấy cảm nhận được sự vất vả, tình yêu thương của tôi nên gắng bồi bổ, tập luyện để mau phục hồi, trở về làm trụ cột gia đình”.

Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ anh Cảnh là nông dân, vì anh da trắng, đẹp trai, phong độ, trong khi chị Ánh thì đen đủi, chất phác, quê mùa. “Nhưng ổng thương, ổng quý tôi bởi cái tình cái nghĩa” - chị Ánh cười. Gặp hoạn nạn, anh Cảnh càng thấu hiểu vợ mình hơn. Những lúc anh Cảnh nằm nghỉ trên giường bệnh, chị Ánh nói chuyện với chồng bằng… những nắm đấm yêu, vì anh chỉ lắp bắp, nói không tròn tiếng. Anh Cảnh cũng đáp trả những nắm đấm của vợ bằng những cái vuốt má, và nụ cười tươi rói. Giữa chốn đông người, chị không ngại trao chồng những nụ hôn lên đôi má, đôi tay, đôi mắt. Tôi ghẹo “anh đẹp trai, nên chị vẫn còn mê tít”, chị cười: “là để khích lệ anh ấy. Đó là liệu pháp tinh thần để anh thấy rằng người thân đang rất cần anh. Còn yêu anh, thì yêu đến cả đời rồi”.

Lieu phap tinh than

Vợ chồng anh Cảnh, chị Ánh

Con trai út chị cũng thế, mỗi lần vào viện đều ôm hôn ba rất tự nhiên. Trước nay, người nhà quê ít ai dám bày tỏ tình cảm nơi đông người, nay thấy cách vợ con anh Cảnh thể hiện, ai cũng ngạc nhiên, nhưng tỏ ra thích thú, ngưỡng mộ. Còn chị Ánh thì hồ hởi chia sẻ “mình yêu thương chồng mình, con cái bày tỏ tình cảm với cha mẹ, có chi mà ngại ngần”.

Ở bệnh viện, không ít lần chị Ánh thấp tha thấp thỏm nghĩ tới đàn gà, bầy heo đang chờ chị ở nhà, nhưng chẳng dám chia sẻ với chồng, vì chị sợ anh lo lắng. Chị ra ngoài hành lang gọi điện thoại về gửi gắm hàng xóm. Chị kể, thấy hoàn cảnh anh chị, ai cũng thương, giúp canh chừng nhà cửa, chăm sóc đàn gia súc . Dường như đọc được suy tư của vợ, trước bác sĩ, anh Cảnh làm ra vẻ mình khỏe lại, đòi về nhà tự tập luyện, nhưng thực ra anh còn phải qua một quá trình điều trị vật lý trị liệu đòi hỏi người nhà và bệnh nhân phải hết sức kiên nhẫn. Thế là chị Ánh lại… giơ nắm đấm: “Anh muốn gì? Chừng nào bác sĩ cho về thì mới được về. Từ nay phải tạm thời xác định bệnh viện là nhà. Ở đây, mình vẫn có thể… hôn nhau được kia mà”. Cả phòng điều trị lại được dịp cười rộ, vui lây với sự lạc quan của vợ chồng anh Cảnh, chị Ánh.

Chăm chồng ở bệnh viện, chị luôn dành phần thay các con, rằng “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, chị muốn các con yên tâm, tập trung làm việc, chỉ cần thứ 7, chủ nhật vào viện thăm ba mẹ, hay tạt thăm nhà là được rồi. Ba người con của anh chị cũng rất hiếu thảo, chăm chỉ làm việc kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Chị Ánh kể: “Những cơn mưa dông, kèm theo gió mạnh đã làm sập chuồng heo. Biết thế, ba đứa con kéo nhau về làm lại chuồng heo cho mẹ. Giờ thì tôi đã có chuồng heo kiên cố, chỉ cần anh khỏe lại để trở về bên gia đình”.

ÁI NGHĨA
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI