Không đăng ký kết hôn, có phải ly hôn không?

03/03/2019 - 10:30

PNO - Chúng tôi chung sống 4 năm mà không đăng ký kết hôn, đã có hai con chung, một cháu 3 tuổi và một cháu 2 tuổi. Giờ tôi muốn chấm dứt quan hệ này thì có cần ly hôn không?

Hỏi: Tôi và anh A. sống chung với nhau được 4 năm và không đăng ký kết hôn. Chúng tôi có hai con chung, một cháu 3 tuổi và một cháu 2 tuổi. Nay anh A. không còn thương yêu tôi nữa, anh thường xuyên nhậu nhẹt, cờ bạc và có người phụ nữ khác.  Bây giờ tôi muốn ly hôn với anh A. thì có được không? Tôi có thể yêu cầu anh A. cấp dưỡng cho con tôi không?

 Nguyễn Thanh Thu (Đồng Nai)

Khong dang ky ket hon, co phai ly hon khong?
Ảnh minh họa

Trả lời:

Chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của chị như sau:

Như trình bày của chị, anh chị đã sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng”. Như vậy, giữa anh chị không tồn tại quan hệ hôn nhân, do đó không cần làm thủ tục ly hôn, giữa anh chị không có các quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng theo quy định của pháp luật.  

Về quyền và nghĩa vụ đối với con chung, điều 15 có quy định: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”. 

Khong dang ky ket hon, co phai ly hon khong?
Ảnh minh họa

Như vậy, anh chị vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên. Ngoài ra, điều 82 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Trong trường hợp này, nếu chị là người trực tiếp nuôi con thì anh vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Mức cấp dưỡng như thế nào do anh chị thỏa thuận, căn cứ theo các yếu tố được quy định tại điều 116 của Luật Hôn nhân và Gia đình: “Mức cấp dưỡng […] căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”.

Luật sư Trần Đăng Sĩ (Đoàn Luật sư  TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI