"Hy sinh có làm nên đức hạnh?": Hy sinh phải từ hai phía

22/04/2016 - 07:14

PNO - Đã về sống chung mà mỗi người đều chỉ nghĩ cho mình, sống cho mình, mặc kệ cảm nhận của bạn đời, nên chữ hy sinh không có chỗ để chen vào.

Tôi có người bạn gái rất đẹp và giỏi kiếm tiền nên khá nhiều người đàn ông theo đuổi. Vậy mà khi lấy chồng, chỉ trong vòng bảy năm, bạn tôi cưới hai lần rồi đều ly hôn. Ai cũng cảm thấy tiếc và bùi ngùi ca thán “hồng nhan bạc mệnh”, song là người luôn bên cạnh bạn nên chuyện đổ vỡ hôn nhân đó, tôi rõ hơn ai hết.

Lần kết hôn đầu tiên, bạn tôi gặp người đàn ông hiền lành. Anh yêu vợ, sẵn lòng cùng cô chia sẻ việc nhà, ngặt nỗi, thu nhập của anh thấp hơn vợ nên cô tự cho mình cái quyền lấn lướt chồng. Cô chẳng mấy khi chịu ở nhà, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Cô có bạn bè riêng nên thường xuyên ra ngoài họp mặt, tổ chức ăn uống, khiêu vũ mà không cho chồng đi chung. Lấy lý do là anh ít nói, bạn bè gặp nhau bàn chuyện làm ăn, anh không rành lĩnh vực kinh doanh nên “cứ việc ở nhà”.

Ảnh mang tính minh họa: Internet

Khi anh muốn có con, cô bảo chuyện con cái cô chưa nghĩ đến. Người chồng đã nhiều tuổi nên không muốn trì hoãn việc này, sợ đến khi vợ đồng ý sinh con thì lại rơi vào cảnh cha già con muộn. Vì chuyện con cái mà vợ chồng cãi nhau. Mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng khi bạn tôi không chịu học nấu ăn, mọi việc giao phó cho người giúp việc. Kết quả là ly hôn.

Lập gia đình lần hai, bạn tôi lấy người đàn ông đẹp trai từng gãy đổ hôn nhân, hai vợ chồng có thu nhập ngang nhau. Người đàn ông này tư tưởng khá phóng khoáng nên việc vợ hay vui chơi bên ngoài anh chẳng có ý kiến gì. Khổ nỗi, anh chàng này có máu lãng tử, mê ca hát nên đêm nào cũng có mặt ở những phòng trà tên tuổi.

Cứ đến tối là anh ung dung phóng xe ra khỏi nhà và chỉ đi một mình, không thích vợ theo cùng. Chồng đi thì vợ cũng đi, mạnh ai nấy hưởng thụ theo sở thích của mình, nên gia đình không còn là một tổ ấm. Không tìm được tiếng nói chung, họ đâm ra chán nhau, ly thân rồi ly hôn để trả tự do cho nhau, để mỗi người được thoải mái với cách sống của mình.

Một cuộc sống hôn nhân như vậy làm sao bền vững được? Đã về sống chung rồi mà mỗi người đều chỉ nghĩ cho mình, sống cho mình, mặc kệ cảm nhận của bạn đời, vậy nên chữ hy sinh không có chỗ để chen vào. Nếu những mẫu người tự do như thế may mắn có được cuộc hôn nhân lâu dài, thì tôi dám chắc luôn có một người hy sinh bản thân mình, chấp nhận làm cái bóng cho người kia mặc tình rong chơi...

Người bạn gái đó nhìn cuộc sống gia đình của tôi, đôi lúc cũng tỏ ra hối tiếc và đã có lần nói với tôi: “Phải chi tớ an phận được như cậu thì có lẽ cũng hạnh phúc, nhưng tớ thấy sống như vậy thật tẻ nhạt”. Có lẽ bạn không thể hiểu tâm trạng của tôi. Đâu phải tôi chưa hề thấy cuộc hôn nhân của mình tẻ nhạt. Rất nhiều lần tôi chán ghét cuộc sống lặng lẽ của mình, trong khi chồng ngoài giờ đi làm còn có vô số cuộc vui với bạn bè, không nhậu thì chơi bi da, hội hè, duy nhất ngày Chủ nhật là ở nhà trọn vẹn.

Đương nhiên, tôi phải đau đầu nghĩ cách kéo chồng về với gia đình. Lúc anh ở nhà, tôi nấu những món anh thích rồi mời các em chồng sang chơi, cùng nhau ăn uống, bia bọt, hát karaoke... Trước đó đã nghe tôi tâm sự, nên trong lúc nâng ly vui vẻ, các em trai đã rủ rỉ cùng anh chuyện gia đình, chuyện xã hội, anh em tranh luận sôi nổi. May mắn là các em chồng đều ủng hộ tôi nên sẵn sàng hỗ trợ tôi giúp anh nhận ra giá trị của gia đình.

Chồng tôi thừa nhận sự thiệt thòi của tôi trong hôn nhân, rồi chính anh cũng biết kiềm chế bản thân trước những cám dỗ, dành thời gian cho vợ con ngày một nhiều hơn. Sau gần 20 năm lận đận, giờ tôi đã có được một gia đình tạm gọi là bình yên và đầy ắp tiếng cười. Tôi luôn quan niệm rằng, sự hy sinh của phụ nữ hay đàn ông đều xuất phát từ tình yêu thì mới đem lại hạnh phúc viên mãn và hy sinh khác với chịu đựng, giá trị của hy sinh cũng không thể so sánh với bất cứ điều gì.

Uyên Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI