Ghét chị chồng, em chồng là tự hại mình

17/02/2017 - 10:55

PNO - Tết vừa rồi em cũng không về bên nhà chồng, dù biết chị em chồng mắng chửi em rất nặng nề.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 28 tuổi, lập gia đình hơn hai năm, có một con trai. Lúc mới cưới vợ chồng em ở nhà chồng. Ba mẹ chồng em không khó tính, chẳng hề la rầy gì, nhưng bà chị và đứa em út của chồng thì rất kinh khủng. Chị chồng em có thói quen đụng chuyện gì cũng nói, lại nói rất to, cứ về đến nhà là oang oang, chê bai đủ kiểu như sao nhà dơ, bếp có mùi, sao nấu món này, sao không nấu món kia... Ban đầu em còn giải thích, sau thì mặc kệ, không thèm nói đi nói lại nữa, nên bà ấy bảo em là “thứ khinh người”, “ăn mất lưỡi”.

Đứa em chồng thì hư hỏng, tiền bạc của em cất đâu nó cũng ăn cắp, em phát hiện, lên tiếng thì nó chối bay, còn gây gổ to chuyện. Em đã mất tiền, còn bị la tiền bạc sao không cất cẩn thận, để mất rồi làm ồn nhà ồn cửa. Em chịu đựng cảnh đó hơn một năm rưỡi, than thở với chồng thì anh có lúc thông cảm, có lúc lại về hùa với gia đình, nói em phải coi lại cách ăn ở (!).

Ghet chi chong, em chong la tu hai minh
 

Năm nay, không thể chịu đựng được nữa, sau một trận cãi vã lớn tiếng, em nói chồng xin ba má cho ra riêng. Nhà thuê tuy chật chội, tiện nghi kém hơn nhà chồng, nhưng em thấy tự do thoải mái hẳn, vợ chồng không phải căng mình đối phó. Tết vừa rồi em cũng không về bên nhà chồng, dù biết chị em chồng mắng chửi em rất nặng nề. Em hiểu mình làm vậy cũng có chỗ không phải, nhưng chỉ nghĩ tới việc bước chân vào nhà ấy là em đã thấy ứ nghẹn đến cổ. Qua lại lỡ phát sinh gây cãi thì thà không gặp còn hơn...

Thúy Liễu

Gò vấp TPHCM

Em Thúy Liễu thân mến,

Gia đình nào cũng có những chuyện tốt và chưa tốt, chẳng có gia đình nào hoàn hảo cả đâu. Vì thế, mấy chữ “nhập gia tùy tục” bao hàm cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực, không phải “tục” nào cũng tốt, mình phải biết “tùy” cho phù hợp. Thói quen nói tiếng lớn của chị chồng, thói quen tắt mắt của em chồng… là những chuyện đã có từ trước, không phải đến khi em về mới có. Em có thể đánh giá những thói quen đó là xấu, khó chịu với nó; nhưng muốn thay đổi là vô cùng khó, bản thân em không thể làm được. Vậy nên, cái “tùy” ở đây là nhận biết, chấp nhận các thói quen xấu đó, tìm cách giữ mình cho yên ổn, không vướng mắc vào những thị phi.

Nay vợ chồng em đã ra riêng, không còn phải đối mặt với những chuyện bực mình ấy nữa. Nếu thấy đó là một quyết định đúng, em phải giữ sự đúng đắn đó sao cho người khác không có cớ gièm pha, dè bỉu. Muốn vậy, em phải giữ lễ với cha mẹ chồng, nhà chồng, thăm nom đầy đủ. Chính em cũng thấy ông bà hiền lành, không la mắng, thì nên căn cứ vào đó mà ứng xử.

Gia đình em về thăm ba mẹ là chính, có gặp các anh chị em chồng thì cũng chỉ cần thăm hỏi đôi ba câu cho đúng phép tắc là được. Nếu em bỏ luôn không về, chồng và con em sẽ bị chia cắt tình thân với cha mẹ, ông bà, biến việc ra riêng của vợ chồng em từ ý nghĩa tích cực hóa ra tiêu cực. Đồng thời, em nên hiểu đời người có lúc này lúc khác, sẽ có lúc các em cần đến gia đình, cần đến cha mẹ, chẳng thể nào tránh né được cả đời.

Khi đã ghét thứ này, sẽ dễ ghét lây thứ khác. Em bực bội với chị em chồng mà không về thăm cha mẹ chồng là đã để cái “ghét” lây lan; giờ mình phải khắc phục bằng cách chủ động làm cho cái “yêu” phải được lan tỏa, từ yêu chồng, thương con, đến kính trọng, chăm lo cho cha mẹ chồng. Con em cũng sẽ học theo cách sống đó mà sau này cư xử với vợ chồng em. Em có nghĩ, những gì em đang làm lúc này là “bất công” với cha mẹ chồng? 

Chị Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI