Gái ngoan có thì

11/01/2015 - 06:39

PNO - PNCN - Hằng ném túi xách lên bàn với câu tuyên bố làm người yếu bóng vía phải xanh mặt: “Từ nay, ai bàn với tui chuyện chồng con nữa là tui chém chết đó nghen!”. Cả phòng giấu tiếng cười mà không giấu được tiếng lòng thương xót...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đầu giờ chiều, trời bên ngoài nóng như chảo rang, lại cúp điện. Mấy chị em trong phòng xoay ra bàn về cuộc hẹn của Hằng lúc 11 giờ trưa mà Hằng đã hân hoan thông báo “bảo đảm hẹn tuần trước, tuần sau đính hôn, tháng sau đám cưới”.

Gai ngoan co thi

Hằng ba mươi bốn tuổi rồi. Bạn bè trang lứa đã có con lên lớp 3. Đứa nào trễ hơn, con cũng đã đi lớp Lá. Thế mà Hằng vẫn là gái ngoan với thời gian biểu sáng đi làm, trưa cơm văn phòng, chiều về nấu nướng với mẹ, tối đi chơi cũng không quá 21 giờ. Lương bổng đưa mẹ một nửa, vừa được tiếng “phụ mẹ” vừa không mất tiền nhà, tiền ăn.

Hằng không xấu gái, nết cũng khá duyên, lại thêm quan niệm về tình yêu rất “cổ lỗ” nên sẽ may mắn cho anh nào vớ bẫm được một em trinh trắng toàn tập như Hằng làm vợ. Thời học cấp III, nhiều bạn bè trang lứa đã có người đưa kẻ đón, riêng Hằng vẫn không thèm ngó đến một anh chàng nào. Kẻ nào “bặm gan” đợi ở cổng trường chìa một lá thư hay cành hoa là xem như bị cô phó bí thư Đoàn trường “lên lớp” rát mặt. Nào là cơm cha, áo mẹ, công thầy… không lo học hành, toàn lo gì đâu. Nhăng nhít yêu đương để điểm kém, phẩy thiếu thì buộc cha mẹ méo mặt đi xin điểm à?

Mấy năm đại học, Hằng chỉ biết “săn” học bổng, hoạt động phong trào sôi nổi. Chuyện trai gái xem như miễn nhiễm, dù đôi khi lòng cũng rung rinh trước một hai anh chàng “cao hơn mình một cái đầu”. Nhưng Hằng cứ dặn mình, dặn “người ấy”, ráng học xong rồi hẵng tính. Tính cái gì khi mà một ly chè cũng chưa chịu đi ăn chung, một buổi xem phim vẫn không dám gật đầu?

Ra trường đi làm. Vèo mấy cơn gió là bước vào tuổi “băm”. “Băm một nhát” Hằng chưa suy suyển. “Băm hai nhát” bắt đầu trầm ngâm, bảo rằng đàn bà con gái phải là gái ngoan mới “có giá” trong mắt chồng; nhưng… chắc cũng nên ngoan vừa vừa thôi, cái thì con gái có hạn. Mấy cô bạn trong phòng nói, ai biết thế nào là vừa, thế nào nhiều. Bọn này yêu là yêu hết mình. Muốn cưới là cưới ngay. Rồi sinh con liền cho “nhẹ nợ”. Cứ “quăng” đó cho ông bà hai bên coi ngó, vợ chồng cứ như son, học hành, thăng tiến cũng hạnh phúc như thường. Đời người ngắn lắm, so đo làm gì. Hằng gật gù.

“Băm ba nhát” thì Hằng lân la hỏi mấy chị em trong phòng về kiểu quần này áo nọ xem có hợp với mình không. Lâu lâu mời cả phòng đi ăn quán, nhưng bất chợt dặn thêm “ai có anh em cứ mời theo thoải mái nghen”.

Hằng bảo, có tuổi rồi, càng phải kỹ càng trong quan hệ nam nữ, không thôi người ta lại cười cho vì “gái ế gặp trai thô”. Vậy gặp mấy tên “thô” rồi? Có chứ! Thằng cha mới gặp qua đám cưới thằng em họ hồi đầu năm, quen tuần trước, tuần giữa điện thoại, mời đi ăn. Tuần thứ ba rủ đi chơi biển, bảo “Tụi mình lớn cả rồi, sớm muộn gì không làm chuyện đó!”. Nổi xung, Hằng cài số "dze" ngay. Mấy tháng sau quen một tên khác, hắn khai liền là đã “thôi” một đời vợ khi chưa kịp có con. Chưa có con càng tốt, chứ Hằng chưa làm vợ đã làm mẹ kế thì… oải lắm.

Một đời vợ rồi, chắc hắn sẽ rành tâm lý phụ nữ lắm đây. Hằng cứ tưởng tượng ra, buổi hẹn tối hôm ấy ở nhà hàng X. chắc sẽ có nến thơm lung linh, nhạc du dương, anh ấy bóc từng con sò cho Hằng, còn rượu sâm-panh thì ùng oàng nổ. Ai ngờ… là cái quán trước nhà hàng thôi. Nhốn nháo con người, ngập ngụa giấy ăn. Hằng chưa đụng đũa thì hắn đã húp soàm soạp. Còn bảo: “Ăn lẹ đi em. Ăn hết, không bổ bề ngang cũng bổ bề dài, đừng bỏ thừa phí lắm. Ăn rồi về sân nhà anh uống cà phê, khỏi mất công đi quán tốn tiền”.

“Băm bốn nhát” Hằng trở về trạng thái “tỉnh như không” của chuyện “ế”, còn bảo lấy chồng làm chi cho mệt. Tại sao phải lấy chồng khi mà ai cũng biết hôn nhân là địa ngục. Thế gian này mấy người đàn bà có chồng mà có công danh sự nghiệp vẻ vang? Hằng quyết để duyên tự đến, không nhốn nháo chờ đợi, không loanh quanh đi tìm.

Vậy mà tháng trước, trong một buổi giao lưu công đoàn, Hằng quen một người. Hôm sau vào cơ quan, Hằng mạnh dạn tuyên bố gái ngoan cũng có thì thôi, bây giờ không ngoan nữa, để truy tìm hạnh phúc tình yêu. Bạn bè ai cũng mong Hằng sớm khoác áo cô dâu để không còn trạng thái “mất cân bằng âm dương” nữa. Buổi hẹn của Hằng trưa nay, từ sáng, bè bạn đã tư vấn cho đủ kiểu áo, tóc, giày, nón… cả màu mắt, màu son môi… với hy vọng tràn trề.

***

Hằng ném túi xách lên bàn với câu tuyên bố làm người yếu bóng vía phải xanh mặt: “Từ nay, ai bàn với tui chuyện chồng con nữa là tui chém chết đó nghen!”.

Cả phòng ngỡ ngàng. Hằng ồ ồ vừa khóc vừa kể: Hắn lịch sự, ga-lăng lắm. Lần đi ăn đầu tiên đã tặng mình một bó hoa hồng chín mươi chín hoa cùng chiếc nhẫn đá thật đẹp. Công việc ổn định, lại có nhà riêng. Thôi một đời vợ, đứa con gái ở với mẹ. Hàng tháng hắn chu cấp một triệu đồng. Mình suýt nghẹt thở vì gặp được người hợp ý. Hai đứa bàn tới chuyện cưới, hắn bảo mình muốn như thế nào hắn chiều như thế ấy. Nhà hàng mấy “sao”, áo cưới mấy bộ, trang sức cô dâu mấy “cây”… hắn đều đồng ý hết.

Nhưng hắn “xin” mình một điều nho nhỏ.

Vì chúng mình đều phải đi làm suốt tuần, còn một ngày nghỉ, mình phải cho hắn về “bên kia” thăm nom chơi đùa với con bé. Mình bảo, thì đón con bé sang. Hắn nói, mẹ nó vẫn chưa lấy chồng, rước nó về bên đây, nó thấy cảnh hạnh phúc của vợ chồng mình, nó tủi. Tuy ly hôn nhưng hắn không muốn con bé có cảm giác thiếu vắng cha mẹ. Mình đồng ý, nhưng bảo hắn, vậy thì thi thoảng hãy thăm nom. Hắn nói, nhà cách nhau không đầy 5km, kẻ làm cha phải ăn nói với con thế nào khi mấy tháng mới đến thăm?

Vả lại, hắn phải ly hôn vợ cũ vì cô ấy bị tai biến sản khoa, không sinh con được nữa, mà cả họ nhà hắn, chỉ có hắn “độc đinh”. Hắn mong mình thật vui vẻ trong ngày cưới để sớm sinh con trai cho nhà hắn được nhờ. Vậy ra mình là cái máy đẻ cho họ nhà hắn à? Từ nay mình thề “ở giá” luôn! Ai bàn với mình chuyện chồng con là… mình chém đó!

Cả phòng giấu tiếng cười mà không giấu được tiếng lòng thương xót cho Hằng. Ôi, thương quá gái ngoan…

THÙY PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI