Em chồng gây sự khi tôi cho con bán trà sữa online

02/07/2019 - 12:04

PNO - Cô ấy trách tôi đang“bóc lột” sức lao động của con, làm xấu mặt gia đình. Con cái nhà nền nếp, khá giả, việc gì phải “bêu” mặt ra kiếm từng đồng cắc của thiên hạ.

Sáng sớm, tôi đã nhận được một loạt tin nhắn từ cô em chồng. Cô ào ào trách tôi ham tiền, không biết giữ thể diện gia đình mà cho con đi “buôn thúng bán bưng”. Cuối cùng, em chồng chốt lại: “Chị vừa phải thôi, đừng để anh tôi mang tiếng không lo được cho con”.

Em chong gay su khi toi cho con ban tra sua online
Khi không có shipper, con gái không ngại việc chạy xe giao hàng. Hình minh họa

Tôi không trả lời, cũng cố dặn lòng đừng quan tâm bởi vì đã quá quen với cách nio1 năng xóc óc của em chồng. Chuyện tiền nong này bắt đầu từ việc, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, con gái út xin bán trà sữa online trong thời gian đợi kết quả.

Từ hè năm lớp 10, con đã tập tành bán các món ăn tự làm qua Facebook và khá thành công. Tôi thấy việc này không ảnh hưởng gì mà còn tập cho con sự tự lập, năng động nên đồng ý.

Rút kinh nghiệm mấy lần trước, con đã cố tình chặn Facebook của cô để không “lộ” chuyện buôn bán. Nhưng cách đây vài ngày, ở thành phố có tổ chức hội chợ triển lãm. Con muốn thử kinh doanh tại quầy xem thế nào nên nhờ tôi liên hệ để thuê một sạp hàng.

Tôi nhờ người quen sắp xếp cho con cùng hai đứa bạn mở hàng bán trà sữa và mấy món ăn vặt cho khách tham quan. Tình cờ em chồng đi chơi nhìn thấy cháu bán mới về nhắn tin mắng vốn tôi như thế.

Đây chẳng phải lần đầu tiên, em chồng phản ứng gắt khi tôi tập cho con kiếm tiền sớm. Nhưng tôi nghĩ, nên tập cho con kiếm tiền bằng công sức lao động của cháu, chẳng có gì phải xấu hổ cả.

Nhà tôi có hai con gái, tôi cũng không hề khó khăn tiền bạc, chỉ là tôi muốn con hiểu được giá trị lao động, giá trị của đồng tiền tự kiếm được và trân trọng nó. Con gái lớn của tôi đang học đại học năm thứ ba và rất tự lập.

Hàng tháng, con chỉ nhận một ít tiền trợ cấp của ba mẹ còn lại tự xoay xở bằng tiền bán hàng và làm thêm. Con đã kiếm được tiền ngay từ khi học lớp 9 bằng cách làm thiệp “handmade” bán cho các bạn và giao cho một số shop đồ lưu niệm.

Về sau, con kinh doanh thêm áo quần và đồ uống tự làm, bán qua mạng vào mùa hè. Số tiền kiếm được đủ để con sắm sửa áo quần, sách vở. Nhưng không ít lần, em chồng trách móc tôi chuyện này.

Mỗi lần thấy cháu đăng bài bán hàng trên Facebook, em thường vào bình luận những câu khó nghe. Em cho rằng, ông bà nội đều là lãnh đạo về hưu, cha làm trưởng phòng một công ty lớn mà con cái mới tí tuổi đầu đã phải bươn chải kiếm tiền, chẳng ra thể thống gì.

Em trách tôi ham tiền, “bóc lột” sức lao động của con, làm xấu mặt gia đình. Một gia đình nền nếp, khá giả, không khi nào bắt con “bêu” mặt ra đường để kiếm từng đồng bạc lẻ của thiên hạ.

Em chong gay su khi toi cho con ban tra sua online
Ngoài việc kiếm tiền, các con tôi còn học được rất nhiều kĩ năng sống. Ảnh minh họa

Tôi nghĩ, nếu sau này, con học xong đại học chưa xin được việc làm con vẫn có thể sống được. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy mình cần cho con lăn xả vào cuộc sống mới trưởng thành. Như tôi, học hết trường này đến lớp khác, nhưng đến khi ra trường, vẫn ngửa tay xin tiền ba mẹ đi mua hồ sơ xin việc. Đi làm chật vật với đồng lương cơ bản trong khi bạn bè đã tích lũy được vốn liếng nhờ mạnh dạn ra đời kiếm tiền.

Rất may, chồng tôi không phản đối chuyện này, anh chỉ nhắc tôi giám sát và các con phải đảm bảo việc học. Con gái kiếm được bao nhiêu lãi đều nhờ mẹ cất hộ, chỉ giữ lại tiền mua nguyên liệu.

Hiện tại, tôi đã mở tài khoản tiết kiệm cho con. Không chỉ có vốn liếng kha khá, con gái còn tự tin, nhanh nhẹn trong giao tiếp, biết cách xử lý tình huống với khách hàng, tính toán và chi tiêu hợp lý. Đó rõ ràng là thành công, cớ sao cô em chồng cứ đâm thọc tôi hoài?

                                                                                                   Thu Hoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI