Đàn ông khổ quá - tôi biết chứ!

29/09/2018 - 06:00

PNO - Xung quanh chúng ta, có bao nhiêu nam giới đang sống như một người đàn ông đúng nghĩa, có thể bảo bọc người đàn bà của họ một cách chân chính?

 "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Trụ cột dĩ nhiên sẽ cần mọi phương diện phải "khỏe mạnh", từ công việc, ví tiền, sức khỏe đến phẩm chất... 

Khác với phụ nữ có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ, giải tỏa từ việc tâm sự với bạn bè... hơn phân nửa đàn ông được khảo sát cho biết, họ đã đối mặt với xung đột gia đình và công việc chỉ một mình, trong mọi hình thức trầm cảm. Người đàn ông ý thức “chịu trách nhiệm” bởi cảm xúc của kẻ mạnh trong mọi cuộc khủng hoảng.

Báo Phụ Nữ mở diễn đàn "Áp lực đàn ông phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất ẩn giấu bên trong các quý ông, cũng để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông hơn, sẻ chia hơn với người đàn ông đầy lo toan, trách nhiệm đang ở cạnh mình.

Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gởi về email tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn

Từ đàn ông trên màn ảnh

Trong bộ phim truyền hình Biến chất của Mỹ, nhân vật Walter White có đứa con trai tuổi thiếu niên mắc bệnh bại não, vợ lại đang mang thai. Người đàn ông khốn khổ ấy là giáo viên dạy hóa ở trường cấp III. Cuộc sống khó khăn, ông đi rửa xe ngoài giờ để kiếm thêm tiền cho gia đình. Có hôm xấu trời, Walter White gặp cậu học trò ngỗ nghịch mới bị ông phạt trong lớp mang xe vào rửa, nó hả hê cười vào mặt thầy giáo. Người đàn ông kia nhẫn nhục, lầm lũi cúi mặt… 

Dan ong kho qua - toi biet chu!
 

Vì kinh tế thiếu thốn mà hạnh phúc gia đình cũng nhạt nhòa. Tối nằm ôm vợ, Walter White mãi chẳng có chút ham muốn nào. Cuộc đời sao mà u ám bởi nỗi nhàm chán, hèn yếu tới đáng thương. 

Tất cả bắt đầu thay đổi từ khi Walter White phát hiện ra mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Tưởng như chẳng còn gì để mất, người đàn ông nọ quyết định xé toang lớp áo đạo mạo tầm thường bấy lâu vẫn cố gắng giữ gìn...

Tới phái mạnh ngoài đời thực

Nào phải thực trạng của riêng xã hội Mỹ, nơi nam giới phải đối mặt với nỗi mặc cảm bị xã hội xem thường, lại để vợ con thua kém thiên hạ. Rất nhiều người đàn ông đành từ bỏ sự tử tế lương thiện của mình, để có thể lo cho gia đình đủ đầy hơn. 

Dan ong kho qua - toi biet chu!
Ảnh minh họa

Xung quanh chúng ta, có bao nhiêu nam giới đang sống như một người đàn ông đúng nghĩa, có thể bảo bọc người đàn bà của họ một cách chân chính? Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một gã xăm trổ hầm hố đứng bán cá viên chiên cho bọn trẻ con trước cổng trường, tỉ mẩn từng chút tương ớt tương cà, thi thoảng lại nở nụ cười có phần ngây ngô với chúng? Biết đâu, đấy là người đàn ông từng một thuở ngang dọc “có số có má”, nay đã biết chăm chỉ kiếm cơm mang về nuôi gia đình…

Nghĩ mà xem, sống ở thời nào, làm đàn ông cũng vất vả như nhau. Có chiến tranh, đàn ông ra trận. Thời bình, đàn ông đối mặt với việc học hành lập nghiệp, cố gắng tạo dựng chút của cải lẫn vị trí khi cưới vợ, rồi lo nhà cửa, việc học hành, tương lai cho con cái. Vợ thất nghiệp hay đi làm lương thấp, dễ nhận được câu hỏi: “Sao chồng không lo cho cô ấy chỗ làm tốt hơn?” Vợ vất vả, lãnh ngay thắc mắc: “Lấy chồng mà vẫn phải bươn chải thế này à?”.

Kêu gào bình đẳng giới, nhưng phụ nữ vẫn mang tâm lý muốn ưu tiên từ chỗ ngồi nơi công cộng cho tới các ngày lễ dành riêng cho phái đẹp, rồi tị nạnh việc nặng việc nhẹ. Muốn cưa cẩm hẹn hò, các chị em cũng mặc định là nam giới phải trả tiền. Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à? Ai phải có tiền? Tất nhiên là các anh rồi! Ngay cả khi chia tay cũng đòi hỏi phải “đáng mặt đàn ông”, kiểu như “anh không đòi quà” nữa kìa!

Cuối cùng thì sao, các anh ngoài việc “xây nhà” thì luôn phải đóng vai soái ca chung tình mà vẫn phải giỏi “chuyện ấy” trong mắt chị em, thì mới được. Chả trách trên mạng, có một anh tâm tư tỏ bày rằng: “Kiếp sau mong làm đàn bà, dù tất bật đi làm rồi về nội trợ, mệt mỏi và đau đớn lúc sinh nở, nhưng bù lại, không phải gồng mình lên như thế này. Có thể khóc, cười, tức giận... bất cứ khi nào muốn. Chứ làm đàn ông, phải gánh chịu quá nhiều áp lực nhưng không được than vãn, chẳng có quyền tỏ ra yếu đuối. Khổ lắm chứ chẳng vừa!”.

Và tôi, nhẹ nhõm vì là đàn bà!

Không thể phủ nhận rằng, cùng một hoàn cảnh, nhưng đàn bà dẫu sao vẫn có thể vun vén tốt hơn, cả trong việc tự chăm sóc bản thân lẫn thu xếp cuộc sống của mình. Còn đàn ông, họ vốn không giỏi được như thế. Ví như vợ của Walter White, cùng chồng sống trong cảnh nghèo, nhưng phụ nữ dẫu sao cũng ít bị áp lực hơn, cảm giác thong dong hơn.

Dan ong kho qua - toi biet chu!
Ảnh minh họa

Từng có lần, tôi nghe một cô nàng chê bai chồng mình trong một nhóm riêng, rằng: “Anh ta yếu kém giường chiếu lắm, nhìn vợ chỉ đẻ được hai đứa con gái, không có con trai là hiểu rồi ha!”. Từ lúc nào, người ta đã dần “bán” cái trách nhiệm sinh con một bề, không đẻ nổi con trai cho phái mạnh, chứ không còn do lỗi vợ “chẳng biết đẻ” như quan niệm hà khắc nào giờ?

Tôi chợt nhớ ra, hồi mình còn trẻ đã ao ước được là đàn ông, khi thấy bố mình, anh trai, em trai sao mà sung sướng quá. Chẳng phải làm việc nhà, toàn… ăn trên ngồi trốc, không bị mẹ nhắc nhở “bếp núc kiểu đó coi chừng mai mốt họ đổ lên đầu”. Họ, tức là nhà chồng tương lai đấy. Rồi thì trải qua vài mối tình dâu bể, tới lúc kết hôn, tôi vẫn còn tấm tức vì chồng được đi nhậu sau giờ làm, được tha hồ chửi thề và ăn mặc thoải mái… Mãi tới khi làm mẹ của một thằng nhóc, tôi bỗng giật mình khi hình dung về cuộc đời đầy gánh nặng của con sau này mà hãi. 

Tôi bắt đầu biết thương bọn đàn ông hơn, nhưng vì “tụi nó” vẫn hay làm khổ mình nên đành chọn cách mặc kệ chúng, quy luật chọn lọc và đào thải thôi mà. Trời cho mình cái may mắn làm đàn bà, thì cứ việc ung dung!

Bằng Lăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI