Chồng yêu quý, em nguyện làm vợ anh không chỉ kiếp này

01/02/2018 - 06:00

PNO - Bảy năm trôi qua là cả một hành trình dài nhiều cam go, lắm thăng trầm và không thiếu cả những ngày u ám, nhưng nếu cho em được chọn lại, chắc chắn em vẫn sẽ gật đầu khi anh hỏi: 'Làm vợ anh nhé?'

Sáng nay, em xé tờ lịch trên tường, chợt giật mình vì thấy Tết đã về đến ngay ngoài ngõ. Và cũng tờ lịch ấy nhắc em nhớ, ngày này bảy năm về trước, chúng mình đang hồi hộp chuẩn bị cho sự kiện lớn lao nhất trong cuộc đời của hai đứa: ngày chính thức thành đôi.

Bảy năm trôi qua là cả một hành trình dài nhiều cam go, lắm thăng trầm và không thiếu cả những ngày u ám, nhưng nếu cho em được chọn lại, chắc chắn em vẫn sẽ gật đầu khi anh hỏi: “Làm vợ anh nhé?”. Bởi vì sau mọi bão giông, em nhận ra chỉ cần có anh bên cạnh, con đường nào em cũng dám đi qua, bóng đêm nào em cũng dám đương đầu. Bởi vì hơn mọi thứ, anh đã yêu em bằng một tình yêu vô điều kiện.

Em không thể quên ngày đầu tiên em về ra mắt bố mẹ anh. Bố mẹ vẫn chuyện trò, hỏi han, nhưng em đọc được trong cuộc nói chuyện ấy sự gượng gạo thấy rõ. Rồi mấy ngày sau, bố anh gọi cho em, khẳng định rằng sẽ không chấp nhận nếu em định về nhà anh làm dâu. Khi em hỏi lý do, bố anh bảo, chẳng có lý do gì cả, chỉ là chúng tôi không thích. Em khóc suốt đêm, nhất định không chịu gặp và nghe điện thoại của anh. Ròng rã một tháng trời anh bền bỉ tìm gặp em chỉ để hứa sẽ thuyết phục được bố mẹ. Cuối cùng, anh bảo, nếu bố mẹ vẫn không đồng ý, anh sẽ tự mình cưới em mà không cần gia đình chấp thuận. 

Chong yeu quy, em nguyen lam vo anh khong chi kiep nay
Ngày này bảy năm về trước, chúng ta đã về chung một nhà trước sự chứng kiến của người thân, bạn bè. Bảy năm sau ngày ấy, em chưa một lần hối hận vì lấy anh (Ảnh nhân vật cung cấp).

Anh đã giữ đúng lời hứa của mình. Bố mẹ anh không thích em vì chê em không xinh bằng bạn gái cũ của anh, nhưng không thể làm anh lung lay ý định lấy em làm vợ. Cuối cùng, chúng ta cưới nhau sau một năm rưỡi hẹn hò. 

Em về làm dâu được hai tháng, dì anh bảo nhỏ: “Này, cố mà đẻ cho được con trai, không là thằng H. phải đi kiếm con trai bên ngoài đấy!”. Em chết điếng, chẳng nói được câu nào. Tối đó thấy em cứ ủ dột, anh hỏi chuyện. Rồi mấy hôm sau trong bữa cơm có đông đủ cả nhà, anh làm như tình cờ bảo bố mẹ, “Không biết tại sao con chỉ thích con gái thôi. Sau này con sẽ bảo vợ con đẻ càng nhiều con gái càng tốt”. Bố mẹ anh tỏ ý không vừa lòng. Mẹ anh hỏi ngược lại, “Vậy lấy ai thờ cúng bố mẹ, thờ cúng ông bà tổ tiên?”. Anh đáp chậm rãi, “con nghĩ quan trọng là đối xử với nhau lúc còn sống ở trên đời. Nếu cháu gái mà hiếu thảo, thương yêu ông bà, biết quan tâm chăm sóc ông bà, thì có tốt hơn cháu trai mà quậy phá, ích kỷ, hư hỏng hay không? Còn thờ cúng thì con trai hay con gái đều thờ cúng được”. Em nghe mà thấy lòng ấm áp vô cùng.

Chong yeu quy, em nguyen lam vo anh khong chi kiep nay
Ở bên anh em luôn cảm nhận được sự bình yên, ấm áp, vui vẻ và ngọt ngào. Anh chưa bao giờ khiến em cảm thấy cô đơn hay lạc lõng dù đi làm dâu xa nhà mấy trăm cây số (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cái Tết thứ hai ở nhà anh, em bàn với anh xin phép bố mẹ để hai vợ chồng được về bên ngoại ăn Tết mấy ngày, từ sáng sớm mùng 2. Vì bố mẹ em chỉ có mình em, em đi lấy chồng nhà cửa quạnh quẽ, nên em muốn dịp này được về ba, bốn ngày cho bố mẹ đỡ tủi thân. Nhà anh dù sao cũng còn anh trai, chị gái và các cháu quây quần. Mẹ anh nghe anh trình bày xong, buông một câu nặng nề: “Thôi, vợ con bảo sao thì con cứ làm vậy. Xưa nghe lời bố mẹ, giờ nghe lời vợ là đúng rồi”. Em nín thở, ráng kiềm giọt nước mắt sắp rơi xuống.

Anh khẽ nhìn em, rồi vẫn phong thái từ tốn nhẹ nhàng, anh lại gần mẹ, ôm vai mẹ thủ thỉ: “Không phải con nghe lời vợ, mà con thấy đó là điều nên làm mẹ ạ. Ngày xưa mẹ đi làm dâu cũng mong ngóng, nhớ thương ông bà ngoại vì ông bà ở xa, con nhớ hồi con nhỏ xíu nhiều lần thấy mẹ ngồi trong bếp đun nước rồi lau nước mắt. Bố cũng tâm lý, lâu lâu lại bảo mẹ về thăm ông bà, những lúc ấy mẹ chẳng vui đến mấy ngày đó thôi. Vợ con giờ cũng đi làm dâu, nhà cô ấy lại neo người, làm sao trong lòng không thấy buồn thương hả mẹ”. Mẹ nghe xong, ánh mắt cũng dịu đi đôi phần… 

Ngày em sinh cu Sóc, bác sỹ nói con đang nằm ngôi thuận bất ngờ trở ngôi ngang không thể sinh thường, yêu cầu anh ký giấy đồng ý cho em sinh mổ. Mấy người nhà ở giường bên cho rằng em sợ sinh thường nên nhờ bác sỹ mổ cho đỡ đau. Một người khuyên anh nên “bắt” bác sỹ để em sinh thường cho con khỏe. Anh nhất quyết ký giấy chấp nhận cho vợ sinh mổ, câu anh nói lúc ấy em nhớ mãi: “Cô à, vợ con chịu mệt, chịu đau suốt chín tháng qua là đủ lắm rồi, con chỉ mong sao cô ấy không phải vất vả thêm một phút, một giây nào nữa”. Câu nói ấy của anh, em sẽ nhớ suốt đời.

Chong yeu quy, em nguyen lam vo anh khong chi kiep nay
Hãy cứ nắm chặt tay em như ngày đầu tiên, anh nhé! (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bảy năm bên nhau, hầu như không tuần nào em không bệnh vặt. Chưa một lần anh nặng nhẹ hay chê em yếu ớt. Cứ đi làm về là anh hỏi “vợ ơi, em đâu rồi?”, biết em ốm anh sẽ vội vàng hỏi em đau em mệt ở đâu, rồi bóp tay chân, đi mua cháo cho em. Đêm nào con dậy quấy khóc anh cũng bật dậy ngay phụ em trông con hoặc bế con cho em ngủ. Ra ngoài đường, anh chưa bao giờ buông tay em mà luôn nắm chặt tay, ở trong nhà em làm gì anh cũng đòi cùng làm “cho vui”, đi ngủ anh luôn chúc em ngủ ngon, không ngày nào quên. 

Hôm nay, nhìn lại những tấm ảnh cưới mộc mạc của chúng mình, em vẫn thấy lòng rung động hệt như thời khắc thiêng liêng của bảy năm về trước. Em tự nhủ lòng, nếu có kiếp sau, vẫn mong được cùng anh đi tiếp trên đường đời dài rộng. 

H. Phượng (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI