Cao thượng?

03/01/2015 - 18:29

PNO - PNCN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Gia đình nhỏ của em đang trục trặc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đầu tiên là vì mấy chuyện lặt vặt, vợ chồng em gây gổ, má chồng và các anh chị em bên chồng xen vào nên em rất bất mãn. Anh bỏ về bên nhà má ở. Hai đứa con em, một đứa học lớp 1, một đứa lớp 4, một mình em vừa đi làm vừa chăm sóc. Thời gian em ở nhà một mình, có người tới hỏi đòi nợ, em mới phát hiện ra chồng em đã mắc một số nợ lớn. Em quá choáng váng nên gọi điện thoại sang nhà má chồng nói chuyện với anh ấy. Sau đó thì chồng em bỏ nhà đi đâu không biết, điện thoại gọi không trả lời. Vậy là hàng loạt chuyện trách cứ của gia đình chồng đổ xuống đầu em. Em đau đớn mà không thể giải thích được, vì mọi người đều cho rằng tại em quá quắt nên chồng em mới bỏ đi.

Bây giờ em tính việc cần giải quyết là giúp chồng trả nợ. Em định nhắn anh về, em sẽ vay mượn một số tiền giúp anh, rồi sau đó anh làm mà trả dần. Nợ trả xong, chắc vợ chồng em chia tay thôi. Em không còn lòng tin nơi anh vì việc mắc nợ cũng xảy ra hai lần rồi, cộng thêm gia đình anh khi chưa biết thực hư chuyện vợ chồng em mâu thuẫn, ai lỗi ra sao mà cứ quay ra trách mắng đủ kiểu làm em thật sự mệt mỏi. Em nghĩ rồi đây ai đúng ai sai thời gian sẽ trả lời. Em giúp anh trả nợ là vì em nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng bao năm qua, sau đó chỉ có một con đường là chấm dứt hôn nhân thì tốt cho cả hai. Em làm vậy có đúng không chị?

Nguyễn Thị Thu Phương (TP.HCM)

Cao thuọng?

Thu Phương thân mến,

Biết chồng nợ nần, không còn lòng tin nhưng vẫn giúp chồng trả nợ, đến khi xong xuôi hết nợ rồi mới chia tay là một cách ứng xử rất cao thượng. Cách làm này chỉ có một nhược điểm: cao thượng đến phi lý! Người ta chỉ có thể cao thượng như vậy trong… tiểu thuyết thôi - nơi mà thời gian không tính bằng ngày bằng tháng, bằng tuổi thanh xuân, bằng từng phút giây hạnh phúc hay khổ đau của đời người. Còn trong đời sống thực, làm theo kiểu này, trả hết món nợ tiền chắc sẽ sinh ra món nợ đời em ạ.

Em có một anh chồng rất ưa sử dụng chiêu “bỏ nhà đi”: giận vợ thì về sống với má, tới hồi sợ má biết chuyện thì đi sống chỗ khác. Phải nghĩ cách chữa bệnh ưa bỏ nhà của chồng, trước khi tính tới chuyện trả nợ. Đầu tiên, Hạnh Dung nghĩ, chuyện gút mắc giữa em và nhà chồng cần được gỡ. Thôi đừng nhắc tới những chuyện xích mích và can thiệp của gia đình chồng, em cứ tình ngay đem chuyện anh mắc nợ hai lần rồi, giờ đang có khoản nợ lớn… trình bày với ba má và xin ba má giúp đỡ. Đâu có thể một người cứ đi vay nợ, rồi một người cứ trả nợ hoài. Nếu em giải quyết được chuyện với gia đình chồng, thì sau này việc trả nợ cũng rõ ràng hơn. Cần biết rõ tính chất số nợ, rồi mới quyết định cách giải quyết.

Về việc chồng bỏ đi đâu đó, mình có nhiều nguồn thông tin để tìm: cơ quan làm việc, tin nhắn điện thoại, bạn bè. Mình không phải đi tìm chồng để bắt về như tìm một đứa trẻ bỏ nhà đi bụi, mà cần tìm để xem anh ấy có bị tai nạn gì, hiện đang sống với ai, để thông báo cho anh ấy biết sức khỏe con cái, tình hình gia đình. Biết anh ấy đang ở đâu, em sẽ có thêm thông tin để suy xét. Trong trường hợp chồng “hờn dỗi”, em đừng dỗ dành gì, cứ để anh ấy tự suy nghĩ mọi việc mà quay về nhà.

Việc tiếp tục sống chung hay chia tay là trên tình cảm của cả hai, chứ không phải trên sự cao thượng của người này hay món nợ nần của người kia. Việc chính của em là lo kinh tế để nuôi con, phòng thân, chứ không phải ôm thêm cục nợ. Nếu chồng không có tình cảm, trách nhiệm gì với vợ con, không có ý chí thay đổi bản thân, thì có lẽ cũng đành chọn cách chia tay ngay từ đây, để ai lo phần nợ nần của người đó. Thà một lần đau, còn hơn ủ mãi mầm bệnh trong người, héo mòn tuổi thanh xuân để cày trả nợ cho một người chồng vô trách nhiệm.

HẠNH DUNG

 hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI