Cầm duyên

27/04/2019 - 14:00

PNO - Chồng em mất đã hai năm vì tai nạn giao thông, khi con mới sinh được mấy tháng. Tới nay, em vẫn ở với gia đình chồng. Em thấy cuộc sống rất ngột ngạt, muốn thoát ra nhưng không biết làm cách nào?

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em 29 tuổi. Chồng em mất đã hai năm vì tai nạn giao thông, khi con em mới sinh được mấy tháng. Tới nay, em vẫn ở với gia đình chồng. Cha mẹ ruột của em cũng nghèo, lại ở quê xa, không có điều kiện cưu mang mẹ con em, trong khi nhà chồng em chỉ có một con trai, nên việc làm dâu đã được xác định từ khi chưa cưới. Nay con trai em đã hơn hai tuổi, em tính đường cho con đi học để em đi học nghề, xin đi làm, chứ đâu thể ở nhà nội trợ hoài được. 

Cam duyen
 

Em có dò hỏi ý má chồng, chị chồng, thì thấy không ai muốn giúp em cả. Má chồng nói cháu đã mồ côi cha, không chừng mai mốt thằng bé còn mất cả mẹ. Chị chồng thì nặng lời hơn, kể là đi coi bói bà thầy nói tuổi em với chồng không hạp, nên cưới nhau thì rước tai họa, đã nói mà chồng em không nghe. Chị ấy nói cứ như em là thủ phạm giết người vậy đó. Em khóc hoài chị ơi…

Giờ em không biết phải làm sao, ôm con ở nhà lo cơm nước dọn dẹp nhà cửa cũng hết ngày, mà người ta coi thường khi dễ, cho là mình ăn bám, cần một đồng cũng phải ngửa tay xin. Em bước ra chợ, là má nói đi mau về, để con ở nhà khóc không ai coi. Em quen biết ai, cầm cái điện thoại lên là má hỏi bộ bây tính đi theo thằng nào nữa hả?

Em sống như bị giam lỏng, rất bức bối. Ba chồng thì hay nhậu, ổng buồn vì chồng em không còn, ông hay nói tài sản của nhà này không có ý nghĩa gì hết. Trong nhà không khí lúc nào cũng nặng nề ngột ngạt. Em không biết làm sao để nói cho má và chị chồng em thông cảm, em thấy mình khó mà sống tiếp thế này, xin chị cho em lời khuyên.

Như Thảo (TP.HCM)

Em Như Thảo thân mến, 

Một trong những điều khiến gia đình chồng nặng nề với em là vì họ cũng ý thức được rằng không thể ràng buộc em mãi. Chẳng qua vì con em còn nhỏ, đang cần mẹ, nên em chưa đành lòng ra đi. Hạnh Dung nghĩ, lúc này nỗi đau của gia đình cũng đang còn mới, em hiểu điều này để có cách nói chuyện với ba má nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý. 

Trước tiên, em tập dần cho con em bớt bám mẹ. Phải tập cho bé độc lập thì mới có thể tính chuyện gửi con cho bà nội hay gửi trẻ. Bé chừng ba tuổi là phải đến trường học hành, để quen với chúng bạn và giao tiếp xã hội. Trong thời gian đó, em tìm một nghề để học, hay một công việc để làm. Em cứ trình bày với ba má rằng em không thể sống ăn bám suốt đời, em phải học nghề, làm việc, tự kiếm tiền nuôi mình và nuôi con. Đây không phải là chuyện “đi theo thằng nào”, mà em phải tự lập, trưởng thành. Vì trong điều kiện chồng mất, em không thể không phấn đấu bước ra, có việc làm, tự chủ về kinh tế.

Cuộc đời của em còn dài lắm, mình cứ kiên nhẫn, từ từ trình bày với ba má. Không ai buộc được em phải ở trong nhà suốt đời đâu.

Còn người chị chồng, nếu lời nói của chị có ảnh hưởng đến ba má chồng em ít nhiều, mình đành chịu, chứ mình không phải xin phép chị ấy để quyết định cuộc đời mình. Chị ấy có nói gì đi nữa, nếu lời nói làm em buồn khổ, em đừng nghe, cứ dẹp qua một bên. Chuyện đã xảy ra rồi, giờ mình cần thời gian để gượng dậy tiếp tục sống. 

Chúc em thu xếp ổn thỏa việc nhà và tự quyết lấy cuộc đời mình. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về: hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI