Ba năm vợ không thèm đặt chân vào nhà chồng chỉ vì một câu nói của mẹ chồng

15/06/2018 - 09:00

PNO - Vợ tôi nhiều ưu điểm: xinh đẹp, nấu ăn ngon, chiều chồng thương con. Nhưng có một khúc mắc quá lớn mà chúng tôi đã vấp phải ngay từ đầu: vợ quá ác cảm với việc bố mẹ tôi nghèo.

Đã rất nhiều đêm tôi mất ngủ khi nghĩ về mối quan hệ của vợ và gia đình mình. Nhưng càng nghĩ, tôi càng bế tắc. Bản thân tôi biết rõ mình quá nhu nhược nhưng lại không dám kiên quyết hơn với vợ bởi lẽ con trai tôi còn quá nhỏ, tôi rất sợ phải xa con nếu vợ chồng ly hôn. Vợ tôi nhiều ưu điểm: xinh đẹp, nấu ăn ngon, chiều chồng thương con. Nhưng có một khúc mắc quá lớn mà chúng tôi đã vấp phải ngay từ đầu: vợ quá ác cảm với việc bố mẹ tôi nghèo. Đến giờ, điều đó đang trở thành liều thuốc độc giết dần giết mòn mối quan hệ của chúng tôi. 

Chúng tôi yêu nhau gần một năm thì cưới. Em sinh ra ở Hà Nội, tôi ở tỉnh, cách nhà em hơn 100km. Trong thời gian yêu, em chỉ về nhà tôi chơi một lần, không ở lại qua đêm. Sau hôm đó em có hỏi tôi rằng sau này tôi có muốn về quê sống hay không? Tôi trả lời không, bởi lẽ công việc của tôi chỉ có ở thành phố (tôi là dân lập trình), hơn nữa tôi cũng thích nhịp sống sôi động ở thành thị. Nghe vậy, em có vẻ yên tâm hơn. Tôi cũng không chú ý gì đến thái độ của em khi đó bởi đàn ông thường không bận tâm nhiều đến những chuyện như vậy. 

Ba nam vo khong them dat chan vao nha chong chi vi mot cau noi cua me chong
Nhà tôi ở quê chưa xây lại, nhà kiểu cũ không có phòng riêng khép kín khiến vợ tôi khó chịu (ảnh minh họa).

Nhưng hôm đám hỏi, em tỏ rõ thái độ khó chịu khi phải ngủ lại nhà tôi đêm đó. Lý do bởi nhà tôi xây kiểu cũ, không có phòng riêng khép kín nên chúng tôi được bố trí một chiếc giường ở vị trí kín đáo nhất nhà, sau tấm màn ri đô dày. Mẹ và em gái tôi có sắm sửa chăn ga gối đệm mới tinh, nhưng em rất không hài lòng với việc không có phòng riêng. Em thì thầm đòi về lại thành phố dù đã khuya, tôi phải năn nỉ hết lời em mới chịu ngủ lại. 

Lên thành phố, em dằn dỗi, nói bạn bè em khi cưới hỏi được ở phòng tân xa hoa, còn em phải nằm trên cái giường “thông thống giữa nhà”. Tôi nhẹ giọng an ủi, nói vợ chồng yêu và lấy nhau cốt ở cái tình và sự hòa hợp chứ đâu phải vì mấy thứ đó. Hơn nữa, với khả năng của tôi, tôi chắc chắn sẽ làm mọi thứ để cuộc sống tương lai của em và các con được sung sướng. Tôi phải an ủi rất nhiều em mới nguôi ngoai. Về phần mình, tôi tự nhủ, em là tiểu thư thành thị, quen cuộc sống thoải mái nên khó thích nghi với cuộc sống ở quê cũng là điều nên thông cảm.

Ba nam vo khong them dat chan vao nha chong chi vi mot cau noi cua me chong
Sau đám cưới, vợ tôi tỏ rõ thái độ xem thường nhà chồng khi bố mẹ và họ hàng nhà tôi cho tiền chỉ bằng 1/3 nhà vợ (ảnh minh họa).

Sau đám cưới, tổng cộng tiền vàng nhà gái cho vợ chồng tôi được 120 triệu, bên nhà trai kém hơn nhiều. Bố mẹ tôi cho 20 triệu, cô bác họ hàng cho người chỉ vàng, người 1,2 triệu, tổng được gần 40 triệu. Vợ tôi tỏ thái độ ra mặt. Em bảo tôi: “Bố mẹ anh có mỗi đứa con trai mà sao con cưới vợ cho có thế? Chẳng đủ bù tiền chụp ảnh cưới với in thiệp mời”. Tôi hơi buồn, nhưng cũng chỉ nhẹ nhàng giải thích là bố mẹ tôi buôn bán nhỏ, không có nhiều tiền, hơn nữa ông bà đang dành dụm xây lại ngôi nhà để con cái có chỗ ở khang trang hơn. Nghe thấy thế, em giãy nảy, bảo không bao giờ về quê sống, tôi có về thì về một mình. 

Tôi giữ đúng lời hứa với vợ, không chỉ ở lại thành phố mà còn mua được nhà chung cư 80m2 sau hơn một năm ở thuê. Lương tôi cao gần gấp ba vợ, do có khả năng nên tôi còn nhận thêm nhiều việc bên ngoài, nhờ đó tổng thu nhập mỗi tháng cũng khá. Tôi chia thu nhập của mình ra làm ba phần, hai phần trả góp mua căn hộ, một phần nộp cho vợ để lo chi tiêu. Tiền tôi đưa em cũng đủ cho sinh hoạt của hai vợ chồng. Tiền lương của em, tôi bảo em cứ giữ để mua sắm, vì tôi biết em rất thích làm đẹp và mua đồ mới. Thỉnh thoảng, tôi nhắc em mua quà biếu bố mẹ hai bên. Nhưng khi mua quà cho bố mẹ đẻ, em chăm chút kỹ lưỡng còn mua cho bố mẹ tôi thì hời hợt, qua loa. Tôi nhắc em chọn đồ kỹ một chút thì em bảo: “Bố mẹ ở quê, xài đồ không câu nệ đến thế đâu anh”. Tôi nghe cũng thoáng chạnh lòng. 

Em cũng tỏ rõ sự “thiên vị” khi luôn hào hứng với việc về thăm bố mẹ mình trong khi tìm mọi cớ thoái thác về thăm nhà chồng, dù trước khi cưới chúng tôi đã thống nhất cứ giữa tháng về thăm nhà vợ, cuối tháng về thăm nhà chồng. Nhiều lần, em bảo ốm, tôi đành báo bố mẹ không về được. Nhưng em chỉ nằm một lúc lại bật dậy tươi tỉnh bảo khỏe rồi, sau đó rủ tôi đi xem phim. Từ khi sinh con, em càng có cớ thoái thác việc về quê chồng với lý do con nhỏ quá, sợ đi đường xa ốm đau. Nhưng bố mẹ tôi lên thăm con thăm cháu để em khỏi phải đi xa, em cũng chỉ đối đãi qua loa miễn cưỡng.

Ba nam vo khong them dat chan vao nha chong chi vi mot cau noi cua me chong
Vợ tôi luôn viện cớ con còn nhỏ để tránh phải về nhà chồng (ảnh minh họa).

Đỉnh điểm của sự khó chịu trong lòng vợ tôi là vào ngày giỗ bà nội tôi, khi cả nhà đang tập trung ăn uống. Mẹ tôi vui miệng kể chuyện em gái tôi mới được nhà chồng cho căn nhà ở thị trấn, cho thuê mặt tiền cũng thêm được đồng ra đồng vào. Vợ tôi lúc ấy buột miệng nói ngay: "Cô Hằng nhà mình đi làm dâu sướng thật, chẳng như con". Mọi người sững lại sau câu nói đó. 

Mẹ tôi có lẽ quá bất bình nên đã đáp lại một câu: "Con khổ chỗ nào? Chẳng phải thằng Hùng là cái máy rút tiền của con rồi hay sao?". Tôi không kể lể với gia đình mình chuyện chi tiêu của hai vợ chồng, nhưng vì vợ thường xuyên đăng facebook chuyện mới mua váy vóc, mỹ phẩm tiền triệu trở lên, rồi có lần còn trả lời bình luận của bạn rằng "Chồng làm ra tiền nên mua sắm không phải nghĩ mày ơi", nên em gái tôi đọc được chắc kể lại với mẹ. 

Thú thật tôi không đồng tình với câu nói của vợ nhưng mẹ tôi đáp lại như vậy cũng hơi quá đáng. Vợ tôi nghe thấy thế thì "xù lông" lên như thể bao uất ức giờ mới được dịp giải toả. Em vừa khóc vừa nói đại ý là mình làm ra tiền chẳng kém gì chồng, vậy mà bị mọi người đổ tiếng xấu. Tôi lên tiếng bênh vợ thì bị bố quát rồi đuổi đi. Vợ tôi như chỉ chờ có thế, thu dọn đồ đạc bế con đi ngay. Tôi biết lúc ấy bỏ đi là sai, nhưng con còn nhỏ quá, đường lại xa nên không nỡ để vợ đi một mình. Tôi đành xin lỗi mọi người rồi đuổi theo vợ.

Ba nam vo khong them dat chan vao nha chong chi vi mot cau noi cua me chong
Bố mẹ tôi lên chơi với cháu ít ngày, vợ cũng chẳng thể vì tôi mà đối xử mặn mà, nồng hậu khiến ông bà rất buồn (ảnh minh họa).

Sau lần ấy, vợ tôi thề không bao giờ về nhà chồng nữa, và em làm thật. Em đay nghiến tôi rằng bố mẹ tôi vừa nghèo vừa không biết điều, khi tôi tức giận nói em thì em giở "chiêu" đòi ly hôn. Nhiều lần ông bà nhớ cháu quá, tôi cũng chỉ biết im lặng, ráng chờ tới khi con cai sữa thì đưa con về thăm ông bà nội mà chẳng có mẹ nó đi cùng. Đến giờ đã ba năm trôi qua, mọi chuyện vẫn không thay đổi. Tôi dọa nếu em cứ như vậy tôi cũng sẽ không về nhà bố mẹ vợ nữa, em thản nhiên bảo: “Tùy anh!”. 

Từ đó tới nay, họ hàng ở quê hễ thấy mặt tôi là xúm lại chỉ trích tôi không biết "dạy" vợ, để mặc vợ trèo lên đầu lên cổ. Những lúc ấy, tôi chỉ biết lựa lời nói đỡ cho vợ để mọi người đỡ ác cảm với em. Nhưng thực lòng chính tôi cũng không hiểu vợ còn đòi hỏi gì? Bố mẹ chồng nghèo, không có của cải để cho con nhưng tôi đã cố gắng để em được sống thoải mái, chính em cũng thấy rõ điều đó. Em mua sắm chẳng cần suy nghĩ, nhà cửa không phải lo, thích đi đâu chơi là tôi thu xếp để đưa đi, năm nào cũng có một chuyến du lịch nước ngoài.

Bản thân em thừa nhận yêu tôi, cần tôi, tôi cũng luôn cố gắng gần gũi với nhà vợ để em làm điều tương tự với nhà mình, nhưng sao em không thể vì chồng mà dịu xuống một chút, vẫn khăng khăng giữ mãi mối ác cảm với việc bố mẹ tôi nghèo? Phải chăng mọi chuyện bế tắc như vậy cũng vì tôi quá nhu nhược và chiều vợ?

N.S. (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI