Bà con... xa lạ

07/01/2019 - 12:00

PNO - Có nhiều người bà con mà rất… xa lạ - mỗi lần gặp đám giỗ là một lần giới thiệu, rồi lại quên. Mẹ la, nói riết rồi chúng em không còn biết ai làm mất truyền thống, để mẹ bị bà con trách.

Thưa chị Hạnh Dung,

Mẹ em rất hay la mắng tụi em, vì rủ đi thăm bà con hoặc đi dự giỗ chạp gì là tụi em đều tìm cách tránh. Mẹ bảo, thế hệ chúng em có nhiều cái dở, làm mất hết bà con họ hàng, trong khi bạn bè ới cái là vui vẻ đi. Mẹ nói riết rồi chúng em không còn biết ai làm mất truyền thống, để mẹ bị bà con trách.

Ba con... xa la
Ảnh minh họa

Chúng em thì nghĩ, có nhiều người bà con mà rất… xa lạ - mỗi lần gặp đám giỗ là một lần giới thiệu, rồi lại quên, vì có bao giờ gặp đâu, do đi làm ăn và sinh sống xa nhau quá. Làm sao cho mẹ hiểu bây giờ hả chị?

Hoàng Mai Hường (TP.HCM)

Em Mai Hường mến,

Về lý lẽ cuộc sống hiện đại, ai cũng biết rồi, nên em đừng cãi lý. Ai cũng biết câu “bán bà con xa mua láng giềng gần”. Bây giờ người ta quen với cuộc sống… ly tán - đi bất cứ đâu để lo cho tương lai con cái và gia đình, phát triển sự nghiệp. Họ phải chấp nhận bỏ lại họ hàng, có khi phải lìa xa cha mẹ, để rồi có những người quen và bạn bè mới.

Nhưng gia đình em vẫn có điều kiện để gặp gỡ bà con qua các dịp lễ tết, giỗ chạp thì nên đến với nhau, mang cho nhau niềm vui, tình thương; an ủi, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là đời sống tinh thần, truyền thống gia tộc rất có ý nghĩa.

Em cứ thử tưởng tượng một người bạn nào đó của em, sống một mình, có đủ đầy vật chất, bạn bè cơ quan, nhưng xa hết họ hàng; nhất định trong sâu thẳm người đó vẫn đau đáu nỗi xa quê. Trong cuộc sống hiện đại, ở đô thị, ta rất dễ thấy chuyện này. Ngày tết, cha mẹ đi chúc tết, chỉ có cô con gái được cử ở nhà… tiếp khách họ hàng. Đó là việc cô ấy sợ nhất. Những lời thăm hỏi khá “công thức” - sức khỏe, làm ăn, gia đình, thậm chí hỏi khó kiểu như bao giờ lấy chồng… Người Việt ở xa xứ còn kể những chuyện đại loại như họ thích chọn nơi nào sống có ít… người Việt. Lý do nhiều lắm, nhưng chủ yếu để tránh những thói xấu, không phù hợp với đời sống hiện đại như ghen ghét, nhòm ngó nhau. Rõ ràng có lý, mà nghe vẫn rất buồn. Vì sao tính cộng đồng của người Việt lại yếu đi như vậy?

Kể những chuyện ấy để em thấy, tính cộng đồng là môi trường văn hóa của con người và họ hàng, đồng hương, gia tộc vẫn có giá trị của nó. Sài Gòn là vùng đất của người nhập cư từ xa xưa, nên con người rộng mở, nhưng vẫn có nhiều tổ chức, hội đoàn đồng hương. Đó chính là sức mạnh của truyền thống đoàn kết.

Trở lại chuyện của em. Mẹ là thế hệ trước, đã hiểu cuộc sống hiện đại, thói quen và các mối quan hệ của con. Chính mẹ cũng có những mối quan hệ mới, nhưng vẫn giữ tình họ hàng ruột thịt như nét đẹp truyền thống. Có họ hàng thân thuộc vẫn hơn, em ạ; để mình đừng xa rời cội rễ, để vẫn giữ được thâm tình. Cảm giác đó nhiều lúc quan trọng hơn nhiều cuộc vui hay hiện đại.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI