Quản lý thị trường bất động sản: Công ty 'ma', dự án 'ma' tràn lan, chính quyền ở đâu?

09/11/2018 - 09:31

PNO - Vụ phát hiện gần 20 khu đất ở H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai không thuộc diện đất ở nhưng bị Công ty CP Địa ốc Alibaba vẽ bán cho hàng ngàn khách hàng, cho thấy việc quản lý thị trường bất động sản hiện nay rất... kỳ cục..

Công ty “ma”, dự án “ma” khắp nơi 

Dự án Alibaba Central Park II (ấp 4, xã Phước Bình, H.Long Thành) có tổng diện tích khoảng 5,5ha với khoảng 344 lô đất, được quảng cáo rầm rộ trên mạng www.diaocalibaba.vn nhưng lại được xây dựng trên một phần đất giao thông và đất trồng cây lâu năm. Khu đất này được cấp chủ quyền cho bà Trương Thị Hồng Ngọc (P.Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào năm 2015 chứ không phải đất của Công ty địa ốc Alibaba và chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chưa được cấp phép thành lập khu dân cư. 

Theo UBND xã Phước Bình, việc quảng cáo, rao bán được thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác giữa Công ty cổ phần Địa ốc Tia Chớp do bà Ngọc làm giám đốc và Công ty địa ốc Alibaba. Các đơn vị này đã tự phân lô, làm đường kết nối giao thông để rao bán.  

Quan ly thi truong bat dong san: Cong ty 'ma', du an 'ma' tran lan, chinh quyen o dau?
Biển cảnh báo dự án "ma" gần khu vực dự án của Công ty địa ốc Alibaba

Cách đó không xa, một khu đất quy mô lên đến 20ha với tổng cộng gần 1.259 lô đất được đặt tên dự án Alibaba Central Park và một khu đất có diện tích 5,7ha có tên Alibaba Central Park III cũng vi phạm quy hoạch nghiêm trọng. Hai dự án này được quảng cáo xôm tụ trên internet nhưng qua kiểm tra, UBND xã Phước Bình phát hiện dự án Alibaba Central Park có một phần khu đất thuộc quy hoạch cụm công nghiệp Phước Bình, còn dự án Alibaba Central Park III có một phần khu đất thuộc quy hoạch đất giao thông. 

Việc rao bán hai dự án này được thực hiện trên bản đồ phân lô tự vẽ của Công ty địa ốc Alibaba. Một phần khu đất do một cá nhân đứng chủ quyền, chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và chưa được cấp phép thành lập khu dân cư.

Quan ly thi truong bat dong san: Cong ty 'ma', du an 'ma' tran lan, chinh quyen o dau?
Theo UBND H.Long Thành, Công ty địa ốc Alibaba đang bán trái phép gần 20 dự án BĐS trên địa bàn huyện này

Rất nhiều dự án khác như khu dân cư Alibaba An Phước (xã An Phước, H.Long Thành); Alibaba Long Phước 1, 5, 6, 8, 9, 10, Long Phước Golden Point (xã Long Phước, H.Long Thành)… cũng vi phạm nghiêm trọng việc quy hoạch.

Trước đó, Công ty Alibaba từng bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo bán dự án ảo, huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa đúng với quy hoạch xây dựng... 

Quan ly thi truong bat dong san: Cong ty 'ma', du an 'ma' tran lan, chinh quyen o dau?
Một buổi bán hàng của Công ty địa ốc Alibaba

Tại TP.HCM, dự án Royal Gold Land được quảng cáo, phát tờ rơi rao bán rầm rộ ở P.Đông Hưng, Q.12, TP.HCM nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là một dự án ảo.  

Không chỉ dự án “ma”, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) “ma” cũng nở rộ khắp nơi. Khu phức hợp Sóng Việt ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM vừa được phê duyệt đầu tư thì lập tức thông tin mở bán căn hộ dự án được đăng tải rầm rộ trên internet. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát phải gửi văn bản cầu cứu đến các cơ quan chức năng. 

Quan ly thi truong bat dong san: Cong ty 'ma', du an 'ma' tran lan, chinh quyen o dau?
Một dự án "ma" được vẽ ra rao bán trên địa bàn Q.12, TP.HCM

Tương tự, tại H.Cần Giuộc, tỉnh Long An, dự án khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp Thái Sơn Long Hậu vừa được phê duyệt quy hoạch, lập tức trên mạng, tràn ngập thông tin rao bán. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Thái Sơn Long An phải gửi văn bản cầu cứu đến UBND tỉnh Long An, đề nghị ngăn chặn.     

Mỗi nơi quản lý mỗi kiểu  

Có thể khởi tố nếu làm dự án trái quy hoạch 

Các hành vi bán dự án ảo, tự vẽ đường giao thông, phân lô bán nền trên đất chưa chuyển đổi mục đích, trái quy hoạch... là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Cụ thể, Công ty Alibaba là một pháp nhân; theo quy định, pháp nhân chỉ được phép sử dụng đất vào mục đích làm văn phòng, nhà xưởng hoặc kinh doanh BĐS. Khi sử dụng vào mục đích thương mại, Công ty Alibaba phải tuân theo Luật Kinh doanh BĐS. 

Việc không thực hiện theo quy định này được xem là hành vi sử dụng đất trái pháp luật được quy định tại điều 228 Bộ luật Hình sự về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất”. Vi phạm quy định này có thể bị phạt hành chính từ 50 - 500 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Luật sư Đoàn Việt Thắng, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

Việc Công ty địa ốc Alibaba rao bán các khu đất tại H.Long Thành thực tế đã diễn ra từ 2 - 3 năm nay. Thông tin quảng cáo, rao bán diễn ra rầm rộ trên internet và trực tiếp trên website www.diocalibaba.vn. Như vậy, trong thời gian dài đó, các cơ quan chức năng H.Long Thành và tỉnh Đồng Nai ở đâu, để đến nay mới phát hiện? 

Ông Nguyễn Tấn Hưng - Phó chủ tịch UBND H.Long Thành - cho rằng, trong quá trình mua bán dự án, Công ty địa ốc Alibaba chỉ tổ chức tham quan, giới thiệu vị trí phân lô trên sơ đồ, việc thực hiện ký kết hợp đồng, thỏa thuận đặt cọc diễn ra tại địa điểm khác đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thu thập thông tin. 

Tại TP.HCM, trước tình trạng dự án “ma”, bán hàng ảo, ngoài việc một số quận, huyện đưa ra thông tin cảnh báo, hầu như không có giải pháp nào khác.

Vừa qua, hiếm hoi lắm mới có dự án bị Sở Xây dựng TP.HCM xử phạt do mua bán khi chưa hội đủ điều kiện theo quy định, đó là dự án Tân Bình Apartment (Q.Tân Bình). Tuy nhiên, đây là quyết định xử phạt hành vi bán hàng trái quy định của chủ đầu tư diễn ra từ... 8 năm trước và khách hàng hiện đã ôm “quả đắng”.

Trả lời vấn đề này, Sở Xây dựng TP.HCM luôn cho rằng, chủ đầu tư chỉ nhận đặt chỗ, chưa ký hợp đồng mua bán nên không xử lý được.

Trong khi đó, tại tỉnh Long An, hầu hết các dự án “ma”, dự án buôn bán không đúng quy định được xử lý khá tốt. Khi phát hiện dự án sai phạm, hầu hết các chủ đầu tư đều bị xử phạt, dự án bị đình chỉ xây dựng. Các khu đất phân lô bán nền tùy tiện đặt tên dự án hoặc các dự án đặt tên không đúng giấy phép phê duyệt lập tức bị chấn chỉnh.

Dự án “ma”, dự án “cầm đèn chạy trước ô tô” rao bán rầm rộ trên internet lập tức bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An xử lý, buộc các doanh nghiệp tháo gỡ xuống hoặc ngăn chặn. 

Theo luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, nhưng nếu các cơ quan chức năng có trách nhiệm cao trong việc quản lý thì không phải không xử lý được. Chẳng hạn, tình trạng dự án ảo, dự án huy động vốn trái phép diễn ra rất nhiều, các doanh nghiệp lách luật bằng cách nhận đặt chỗ khiến cơ quan quản lý không xử phạt được, nhưng cơ quan quản lý có thể khóa các quảng cáo trên internet của doanh nghiệp.

Nhiều dự án bất động sản đang kinh doanh theo... Luật Dân sự

Luật Kinh doanh BĐS và Luật Dân sự hiện nay đang có độ vênh, tạo cơ hội cho các chủ đầu tư, đơn vị bán hàng lách luật. Cụ thể, Luật Dân sự quy định hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân cùng góp vốn, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Một số chủ đầu tư BĐS đang lợi dụng quy định này để ký hợp đồng thỏa thuận giữ chỗ, đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư... nhằm tránh thực hiện các quy định của Luật Kinh doanh BĐS, gây thiệt hại cho quyền lợi người mua nhà. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM 

Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI