Nét duyên quê giữa phố thị

01/08/2018 - 08:02

PNO - Với sự nở rộ của phong cách nội thất mộc mạc (rustic) từ Âu sang Á, những viên gạch đất tưởng chừng thô kệch, quê mùa chợt chuyển mình thành “nàng thơ” duyên dáng trong những căn hộ chốn thành thị.

Vốn là loại vật liệu sử dụng chính cho kiến trúc thô của công trình, nhưng những năm gần đây, gạch đất nung được sử dụng trong kiến trúc mặt tiền nhà hoặc trang trí nội thất. Với giá thành rẻ, tính đại trà cùng khả năng biến tấu đa dạng, gạch đất nung nghiễm nhiên nhận được nhiều ưu ái.

Gạch đất nung có nhiều loại, nhưng chỉ có bốn loại được sử dụng phổ biến trong trang trí công trình nhà hiện đại, gồm: gạch đặc, gạch thông tâm hai lỗ, gạch rỗng bốn lỗ và gạch rỗng sáu lỗ. Nếu như gạch đặc được dùng trong những hạng mục yêu cầu cao về khả năng chịu lực và chống thấm thì các loại gạch có lỗ lại được ứng dụng trong xây tường hay trang trí.

Nhờ sắc đỏ cam, đỏ hồng đặc trưng, gạch đất nung tạo sự ấm cúng cho không gian sống, đặc biệt khi kết hợp cùng ánh sáng tự nhiên hoặc đèn ánh vàng. Với những ai ưa chuộng phong cách kiến trúc hiện đại lấy cảm hứng từ các nhà máy công nghiệp thì gạch đất nung là lựa chọn không thể thiếu, đi cùng với nội thất đen, nhiều khung cửa sổ rộng mở và vài chậu cây xanh. 

 Những tưởng gạch đất nung thô kệch sẽ khó kết hợp cùng nội thất hiện đại, nhưng thực tế, tường gạch đất nung cùng nội thất đơn sắc sẽ là sự “hài hòa trong đối lập” cho những ai đang muốn áp dụng phong cách rustic và tối giản cho không gian sống.

Trên hết, gạch đất nung sẵn sàng “tuyên chiến” cùng thời gian khi càng tồn tại lâu, chất liệu này càng mang trên mình vẻ đẹp tự nhiên, hấp dẫn mà không một vật liệu nào có thể bì kịp. Hơn nữa, sử dụng gạch đất nung cũng là cách gia chủ tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí xây dựng khi tận dụng số gạch dư từ kiến trúc thô để tạo điểm nhấn cho căn nhà. 

Tuy vậy, gạch đất nung vẫn tồn tại một số nhược điểm mà người dùng cần cân nhắc. Ngoài quá trình sản xuất gây tốn kém tài nguyên và ảnh hưởng xấu đến môi trường, khả năng cách nhiệt, cách âm của gạch đất nung khá kém, dễ thấm nước, ẩm mốc. Vì vậy, gạch đất nung chỉ được khuyến khích sử dụng như một điểm nhấn trong nhà, ở những nơi khô ráo, đón ánh sáng tự nhiên, chẳng hạn như một bức tường, một mảng nhỏ trang trí nơi nhà bếp… để giảm thiểu tác động đến môi trường và đảm bảo độ bền, tuổi thọ cho nhà ở.

Có nhiều cách ứng dụng “nàng thơ thô mộc” này vào không gian sống, nhưng ba phương án dưới đây được đánh giá là đơn giản và phù hợp với khí hậu, văn hóa và kiến trúc nhà Việt.

1. Sử dụng như vách ngăn không gian

Một bức vách ngăn có kết cấu từ những viên gạch nung hoa văn vừa mang đến ánh sáng tự nhiên vừa phải cho không gian bên trong, vừa gợi chút hoài cổ của kiến trúc nhà miền Nam thời Pháp thuộc.

 Nếu những gì bạn cần là không gian sống gần gũi, bình dị thì nên kết hợp gạch đất nung với chất liệu gỗ. Và nếu cần một không gian bùng nổ, vui tươi, hãy kết hợp tường gạch đất nung với nội thất có màu sắc nổi bật.

Net duyen que giua pho thi
 

2. Điểm nhấn cho phong cách rustic

Khi xu hướng nhà mộc mạc (rustic house) lên ngôi thì cũng là lúc gạch đất nung được sử dụng rộng rãi hơn là chất liệu cho công trình thô. Bạn có thể phết vữa lên tường gạch nung, sau đó khéo léo đập vỡ một vài mảng để lộ ra lớp gạch nung thô ráp bên trong.

Net duyen que giua pho thi
 

3. Biến tấu với gạch sơn trắng hoặc xám

Thích phong cách tối giản nhưng vẫn muốn “phối” một chút thô mộc của gạch đất nung? Đây không hề là một bài toán nan giải khi bạn biến tấu tường gạch với màu sơn trắng hoặc xám - hai màu chủ đạo thường thấy trong phong cách tối giản. Một bức tường gạch trắng hoặc xám sẽ ngay lập tức mang lại sự sang trọng cùng chút lạnh lùng rất châu Âu vào ngôi nhà của bạn. 

Net duyen que giua pho thi
 

Phương Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI