Khi sàn giao dịch bất động sản bất chấp đạo đức kinh doanh

02/12/2017 - 11:16

PNO - Bên cạnh các sàn giao dịch bất động sản làm ăn đàng hoàng, thị trường bất động sản đang chứng kiến tình trạng đạo đức kinh doanh xuống cấp trầm trọng của một số sàn kinh doanh bất động sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã...

Bán hàng hay chiêu dụ khách hàng?

Vụ việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (CT Alibaba) rao bán, thu tiền khách hàng trên một khu đất trống ở huyện Củ Chi, TP.HCM chưa được duyệt quy hoạch, chưa giải phóng mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt công ty không phải là chủ đầu tư đã làm chấn động thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua. Theo kết quả điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an), có đến 493 khách hàng đã tham gia giao dịch với công ty này tại khu đất trên. Vì sao khách hàng có thể xuống tiền với một dự án “4 không” như vậy? 

Tìm hiểu những “chiêu” thức bán hàng của đơn vị này, chúng tôi không khỏi giật mình. Dù khu đất chưa có gì nhưng trên internet vẫn ngập tràn thông tin một dự án được đặt tên “Khu đô thị Alibaba Tây Bắc TP.HCM”, kèm theo đó là các bản vẽ phân lô hàng trăm nền đất; bản vẽ mô phỏng khu đô thị trong tương lai với hàng loạt tòa nhà chọc trời, biệt thự, công viên, hồ bơi; những con đường trong “mơ” rộng hàng chục mét được vô tư vẽ chạy ngang, dọc trong khu đô thị, kết nối với các quận trung tâm thành phố.

Khi san giao dich bat dong san bat chap dao duc kinh doanh
Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đang có dấu hiệu bán trái phép hàng loạt dự án

Bệnh viện Xuyên Á, khu công nghiệp Tân Phú Trung, khu đô thị Safari của Tập đoàn VinGroup... cách khu đất hàng chục cây số cũng bị “lôi” về sát khu đô thị. Và cuối cùng đó là sự lập lờ pháp lý: dự án đã được phê duyệt quy hoạch năm 2009; đã có đồ án phân khu 1/2000 năm 2013; sổ đỏ thổ cư - minh bạch rõ ràng. 

Ngày 26/11, CT Alibaba tổ chức lễ mở bán các dự án tại một trung tâm hội nghị trên đường Nguyễn Kiệm, Q. Gò Vấp. Bị các phóng viên chất vấn, ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Hội đồng Quản trị CT Alibaba thừa nhận mình không phải chủ đầu tư dự án này. Lập tức một khách hàng đứng lên bức xúc: “Tại sao anh không phải chủ đầu tư dự án mà vẫn huy động vốn của tôi?”. Điều này cho thấy phải chăng công ty có dấu hiệu không trung thực khi bán hàng?

Khi san giao dich bat dong san bat chap dao duc kinh doanh
Nhân viên Công ty địa ốc Alibaba dẫn khách đi xem dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng theo điều tra của chúng tôi đây chỉ là đất... nông nghiệp

Trong đơn gửi đến Báo Phụ Nữ, anh Kiều Thanh Thụy (số 436A/79, đường Ba Tháng Hai, P.12, Q.10, TP.HCM) mua hai nền dự án Long Phước 1 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) từ CT Alibaba phản ánh, anh mua nền dự án của CT Alibaba vào tháng 2/2017. Lý do anh mua do được công ty cho biết, sau bốn tháng sẽ giao nền, sau tám tháng sẽ giao giấy chủ quyền. Nếu giao nền trễ công ty sẽ bị phạt 12%/năm trên số tiền đã thanh toán; giao giấy chủ quyền trễ sẽ bị phạt 150% lãi suất tiền gửi ngắn hạn trên số tiền khách hàng đã góp; khách hàng đóng 95% giá trị nền đất còn được hưởng ưu đãi một cây vàng... Nhưng đến nay dù đã trễ khá lâu anh vẫn chưa nhận được đồng lãi suất nào, đòi tiền cũng không được. 

Ngày 29/11, tại buổi hội thảo “Đạo đức kinh doanh và khởi nghiệp BĐS”, chị Lâm Thị Nguyệt (mua nền đất từ Công ty BĐS Việt Hưng Phát) đã bật khóc giữa hội nghị: “Cách nay khoảng bảy tháng, nghe một nhân viên sale của Công ty Việt Hưng Phát giới thiệu dự án Diamond City ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) có đầy đủ pháp lý, dự án đầy tiềm năng, tôi bỏ tiền mua. Nhưng khi mua xong thì tôi “chết đứng” khi biết dự án chưa làm gì cả. Ngay cả giải phóng mặt bằng cũng chưa”. Chị đã đóng 75% giá trị hợp đồng. Giờ đất không có mà tiền cũng không đòi được. 

Báo động ý thức làm giàu lệch lạc 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiêu thức chung của các sàn giao dịch BĐS làm ăn bất chính hiện nay là bằng mọi cách chiêu dụ khách hàng đến dự án. Dùng chiêu thức đám đông “cò mồi” khiến khách hàng không kịp tìm hiểu pháp lý dự án. Khi khách hàng đã xuống tiền thông qua hợp đồng giữ chỗ (khách không mua sẽ trả lại tiền) nhân viên sale sẽ tìm cách nhanh chóng chuyển hợp đồng giữ chỗ sang hợp đồng đặt cọc (không mua sẽ mất tiền).

Khi khách hàng kịp nhận ra sự thật pháp lý của dự án thì “gạo đã nấu thành cơm”. Khách hàng không còn cách nào khác “phóng lao phải theo lao” và hậu quả ngày càng lún sâu, nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”. 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, có sáu thủ đoạn lừa đảo thường xuyên của các công ty BĐS làm ăn bất chính hay ứng dụng hiện nay: đổi tên dự án A thành dự án B; đổi tên chủ đầu tư nhằm che giấu lý lịch không tốt của chủ đầu tư để dễ lừa khách hàng; tự tiện vẽ thêm tiện ích, thay đổi quy hoạch để chiêu dụ khách hàng; nâng khống giá bán để hưởng chênh lệch; cài khách hàng bằng “chim mồi” để khách hàng tin tưởng xuống tiền; cài khách hàng bằng kỹ xảo soạn hợp đồng để khi bị khách phát hiện, khởi kiện không thể thắng họ. 

Theo ông Châu, thị trường đang xuất hiện một bộ phân các bạn trẻ trong quá trình lập nghiệp có những hành vi kinh doanh lệch lạc, gây bất ổn thị trường. Thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự vô cùng nguy hiểm.

Theo Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện nay việc kinh doanh BĐS được điều chỉnh bởi rất nhiều bộ luật như: Luật Kinh doanh BĐS, Luật Cạnh tranh, Luật Hình sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng... Trong đó luật cấm các dự án không được bán khi không đủ điều kiện về hạ tầng, vốn; yêu cầu chủ đầu tư công khai đầy đủ thông tin về sản phẩm; cấm các hình thức gian lận, lừa dối trong kinh doanh; không được sử dụng tiền huy động để làm việc khác; không được xây dựng trên đất không phải đất ở...

Do đó những đơn vị làm không đúng, không trúng, có dấu hiệu phạm tội, các cơ quan có thẩm quyền cần có trách nhiệm làm sáng tỏ, không để một số “con sâu làm rầu nồi canh”.  

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia BĐS nhận định, hiện nay đang có sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phần giới trẻ về phương cách làm giàu. Đó là làm giàu bằng mọi cách. Họ chỉ đặt mục tiêu làm sao một năm có thể kiếm được bao nhiêu tiền mà không cần biết việc mình làm có đúng quy định không, có gây tổn hại cho người khác, tổn hại cho xã hội không. 

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Đại học Fulbright nhận định, những đơn vị môi giới lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi. Vì 10 đồng của mình mà gây tổn thất 100 đồng cho xã hội, đó không phải là điều doanh nhân hướng đến. Ở môi trường kinh doanh không lấy sự chính trực làm nền tảng thì khó tồn tại. Nhưng ở giảng đường hầu như sinh viên không được học về điều này. Đây là điều thiếu sót trong giáo dục hiện nay. 

Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI