Chung cư xuống cấp, dân không thấy phí bảo trì

31/12/2016 - 06:30

PNO - Từ đầu năm 2015 đến nay, chung cư đã thành lập ban quan trị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ đó đến nay chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị chung cư. 

Hàng trăm hộ dân ở chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM) đang sống trong tình trạng căn hộ xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó phí bảo trì 2% của chung cư lên đến hàng tỷ đồng đang bị chủ đầu tư là công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.5 chiếm giữ, không bàn giao.

Trì hoãn bàn giao phí bảo trì

Ngày 27/12, báo Phụ Nữ nhận được phản ánh của ban quản trị (BQT) chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh (P.9, Q.5) bức xúc về việc chủ đầu tư của chung cư này là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5 chiếm giữ phí bảo trì 2%.

Bà Trần Thị Hường, Trưởng BQT chung cư cho biết, chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2012 với 272 căn hộ, hiện tại có 267 hộ dân sinh sống. Từ đầu năm 2015 đến nay, chung cư đã thành lập BQT theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ đó đến nay chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho BQT chung cư.

Bà Hường cho hay: “Theo như tôi biết, phí bảo trì 2% của chung cư lên đến hơn 7 tỷ đồng. Khi có BQT, chúng tôi đã đặt vấn đề với chủ đầu tư là phải bàn giao lại số tiền đó cho BQT để duy trì hoạt động bảo trì. Tuy nhiên, sau đó tôi mới biết chủ đầu tư đã chiếm dụng, không lập tài khoản ngân hàng quản lý 2% kinh phí bảo trì như quy định. Vụ việc này khiến nhiều cư dân rất bức xúc”.

Chung cu xuong cap, dan khong thay phi bao tri
Chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được bảo trì

Cũng theo bà Hường, sau nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì nhưng không có kết quả, ngày 25/8, BQT đã có cuộc họp với chủ đầu tư. Tại cuộc họp này đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5 xác nhận, chủ đầu tư không lập tài khoản ngân hàng quản lý 2% kinh phí bảo trì theo quy định và hiện tại không có khả năng chi trả phí bảo trì.

“Chung cư đã hoạt động hơn bốn năm nay, nhiều hạng mục như hệ thống điện, phòng cháy, căn hộ… đã xuống cấp, ảnh hưởng tới đời sống người dân, nhưng chủ đầu tư trả lời không có khả năng chi trả như vậy là không hợp lý”, một cư dân bức xúc.

Sau nhiều lần trì hoãn, mới đây, chủ đầu tư tạm chuyển 500 triệu đồng cho BQT chung cư. Tuy nhiên, khi chuyển tiền, chủ đầu tư không có bất cứ thông báo gì cho BQT nên không ai dám dùng số tiền đó. Cư dân còn rất bất bình việc chủ đầu tư không hoàn thiện mặt bằng tầng trệt lô A. Khi xây dựng, chủ đầu tư cam kết tầng trệt lô A sẽ được sử dụng làm khu sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã “ăn bớt” phần này.

Chị Thanh, 38 tuổi, sống tại chung cư này cho biết: “Khi chúng tôi mua căn hộ, chủ đầu tư nói tầng trệt lô A là chỗ để cư dân sinh hoạt và giải trí… Tuy nhiên, suốt bốn năm nay khu vực này bị bỏ trống như nhà hoang. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng”.

Sáng 28/12, có mặt tại chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi nhận thấy khá nhiều khu vực trong chung cư này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều căn hộ phần trần nhà đã bị thủng, nứt và thấm nước. Nhiều nơi hệ thống điện xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống PCCC cũng đã cũ nhưng chưa được nâng cấp.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên, cư dân tại đây cho biết: “Tháng trước mưa nhiều, nước mưa thấm vào cả hệ thống điện ở hành lang, xảy ra chập điện, phát nổ. May mắn là sự cố chỉ gây mất điện chứ không có thiệt hại nghiêm trọng… Hiện tại nhiều vị trí xuống cấp ở chung cư chỉ được sửa chữa chắp vá hoặc bỏ mặc do không có kinh phí”.

Vi phạm hợp đồng

Chiều 28/12, phóng viên liên hệ với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5. Tại đây, đại diện công ty gửi cho phóng viên một văn bản trả lời báo chí về việc chi trả kinh phí bảo trì 2% cho BQT chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh.

Trong văn bản, ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5 thông báo, hiện chung cư có 58% chủ căn hộ đã nộp 5% giá trị hợp đồng để được cấp sổ hồng. Số còn lại chưa có nhu cầu, hoàn cảnh khó khăn và nhiều lý do khác nên chưa nộp số tiền 5% này cho chủ đầu tư. Do đó, việc trích kinh phí cho công tác bảo trì chung cư theo quy định gặp nhiều khó khăn.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5 cho biết, để có cơ sở cho việc trích chuyển kinh phí bảo trì 2% cho BQT chung cư, công ty đang tiến hành kiểm toán, quyết toán và sẽ hoàn tất trong năm 2017: “Vừa qua chúng tôi cũng đã trích 500 triệu đồng gửi cho BQT chung cư. Trong năm 2017, sau khi hoàn thành công tác kiểm toán, quyết toán và được sự thống nhất giữa hai bên, chúng tôi sẽ hoàn tất việc trích nộp 2% kinh phí cho BQT chung cư”.

Chung cu xuong cap, dan khong thay phi bao tri
Tầng trệt lô A của chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh sau bốn năm đi vào hoạt động vẫn chưa xây dựng xong

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, căn cứ theo điều 108 và 109 của Luật Nhà ở năm 2014, việc chủ đầu tư trì hoãn, không chi trả kinh phí bảo trì 2% cho BQT chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh là vi phạm pháp luật. Theo Luật Nhà ở, trong thời hạn bảy ngày, kể từ khi thu kinh phí của người mua, thuê căn hộ hoặc diện tích khác trong chung cư, chủ đầu tư phải có trách nhiệm gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng để quản lý kinh phí. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày BQT chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì 2% bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho BQT để quản lý, sử dụng.

“Việc chủ đầu tư cam kết là trong năm 2017 khi hoàn thành công tác kiểm toán mới chi trả kinh phí bảo trì 2% cho BQT là trái quy định của pháp luật và Luật Nhà ở. Đáng lẽ chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì 2% và lãi suất tiền gửi cho BQT từ khi BQT chung cư được cơ quan có thẩm quyền công nhận vào năm 2015”, luật sư Hùng phân tích. Cũng theo luật sư Hùng, chủ đầu tư không những vi phạm Luật Nhà ở mà còn vi phạm hợp đồng mua bán với các chủ sở hữu chung cư.

Luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM): Cần có quyết định cưỡng chế, thu hồi kinh phí bảo trì chung cư

Theo quy định, khi cư dân ký hợp đồng mua căn hộ sẽ phải nộp 2% phí bảo trì căn hộ. Chủ đầu tư là đơn vị thu và tạm giữ phí này từ thời điểm ký hợp đồng mua bán với khách hàng đến khi thành lập BQT chung cư thì bàn giao lại cho BQT. Như vậy, việc chủ đầu tư viện lý do còn nhiều chủ căn hộ chưa nộp 5% giá trị hợp đồng để làm sổ hồng nên gây khó khăn cho việc bàn giao phí bảo trì là không hợp lý. Bởi phí bảo trì là tiền của cư dân để dành sửa chữa nhà của mình khi chung cư hết thời hạn bảo hành và xuống cấp. Phí này không liên quan đến giá bán căn hộ, chủ đầu tư dự án không được phép sử dụng.

Ngoài ra, Nghị định 99 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2015) quy định, trường hợp chủ đầu tư “chây ì” bàn giao phí bảo trì cho cư dân thì UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định cưỡng chế buộc chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì. Thời gian thực hiện quyết định cưỡng chế là 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

Tuy nhiên, bất cập hiện nay là cơ quan quản lý chưa quyết liệt trong việc thực hiện quy định trên, dẫn đến tình trạng “lờn thuốc”, nhiều chủ đầu tư vô tư xài hết tiền bảo trì của cư dân dẫn đến nhiều chung cư xuống cấp nhưng không có phí bảo trì. Trong trường hợp này, người dân đã phản ánh gần hai năm trời nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục “câu giờ”, không bàn giao là kéo dài quá lâu. Theo tôi, Sở Xây dựng TP.HCM cần nghiêm túc làm việc với chủ đầu tư và ban hành quyết định cưỡng chế để cư dân lấy tiền bảo hành chung cư.

Phan Trí (ghi)

Lâm Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI