Bình Thuận: Dự án chết la liệt, 'cò' vẫn thổi giá bất động sản ầm ầm

24/05/2019 - 08:58

PNO - Từ đầu năm 2019 đến nay, bất động sản tại tỉnh Bình Thuận bất ngờ sốt giá chưa từng thấy. Nhiều dự án hét giá cao gấp hai, ba lần so với trước đây. Thực tế cho thấy, sốt giá là do “cò” làm giá.

Dự án chết la liệt, “cò” vẫn tung hô nóng sốt

Những ai có dịp đến các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Bình Thuận mới thấy rõ thực hư những thông tin đang được giới “cò” đất, sàn giao dịch bất động sản tung hô nóng sốt. 

Chúng tôi vừa đặt chân đến xã Thắng Hải, H.Hàm Tân - nơi có dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt với quy mô khoảng 73ha, do Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Danh Việt làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cách nay gần 12 năm nhưng suốt thời gian qua, hầu như chủ đầu tư không làm gì ngoài việc san lấp mặt bằng. Bên trong dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Từ đây kéo dài đến thị xã La Gi, vài khu đất phân lô bán nền được giới “cò” đất thổi lên thành dự án nhưng rất vắng khách mua. Trong khi đó, một số khu đất khác xây dở dang rồi bỏ hoang. 

Tại H.Hàm Thuận Nam, tình hình càng bi đát hơn. Dọc tuyến đường ven biển kéo dài từ TP.Phan Thiết đến hết mũi Kê Gà, tìm được dự án “sống” còn khó hơn dự án “chết”. Cạnh dự án Khu nghỉ dưỡng Aloha là một dự án chết từ nhiều năm trước vẫn chưa phục hồi. Toàn bộ thông tin quảng cáo, giới thiệu dự án đã bị gỡ xuống. Bên trong dự án, gần 20 resort, biệt thự xây dựng dở dang bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. 

Binh Thuan: Du an chet la liet, 'co' van thoi gia bat dong san am am
Dự án “chết” la liệt trên đường ven biển dẫn về mũi Kê Gà

Cách dự án này khoảng 1km là dự án nghỉ dưỡng Ánh Dương, cách nay khoảng một năm vẫn còn hoạt động thì nay đã trở thành dự án hoang. Hàng loạt resort xây dựng hoành tráng nay trở thành những căn nhà “ma”, hồ bơi trơ đáy, công viên cây xanh xơ xác. Theo anh Đ. (chủ khu nghỉ dưỡng), dự án dừng hoạt động khoảng một năm nay do quá vắng khách, càng hoạt động càng lỗ. Hiện anh đang kêu sang nhượng lại dự án nhưng chưa có người mua. Cạnh dự án này là dự án Resort Đồi Sứ, sau một thời gian hoạt động thì nay hạ tầng hầu như chỉ còn lại... cánh cổng rào. Bên trong, cỏ mọc um tùm. Trên địa bàn TP.Phan Thiết, H.Hàm Thuận Bắc, rất nhiều dự án khác cũng lâm vào thảm trạng tương tự.   

Dù dự án “chết” nối tiếp nhau nhưng đến đâu, chúng tôi cũng nghe giới “cò” đất, sàn giao dịch bất động sản tung hô sốt giá. Tại xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết, một sào đất nông nghiệp trước kia chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng, nay được giới “cò” đất chào giá hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi sào đất mặt tiền đường ĐT715 được các đối tượng môi giới chào bán với giá gần 4 tỷ đồng. Một số dự án khác nằm ở mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, P.Phú Hài, TP.Phan Thiết (do các chủ đầu tư ở TP.HCM thực hiện) cũng thổi giá cao gấp hai, ba lần. Thậm chí, có dự án bán giá lên đến 40 triệu đồng/m2.  

Binh Thuan: Du an chet la liet, 'co' van thoi gia bat dong san am am
Resort Ánh Dương hoang tàn sau một năm bỏ hoang

Còn tại Khu du lịch cộng đồng bãi biển Cam Bình, xã Tân Phước, thị xã La Gi, kết cấu hạ tầng điện, đường khá hoàn thiện, đất mặt tiền đường gần biển được thổi giá cao ngất ngưởng: 400 - 450 triệu đồng/mét tới, chiều sâu 60m. Ngoài ra, ở các khu đất ven bờ biển La Gi, cách các tuyến đường trung tâm thị xã khoảng 1 - 2km, giá đất cũng đang bị đẩy lên từ vài trăm triệu đồng/lô 150m2 từ hơn một năm trước, nay được chào bán với giá hơn 3 tỷ đồng/lô.

Tại H.Phú Quý, một lô đất diện tích 144m2 ven biển Lạch Thế (thôn Đông Hải, xã Long Hải), cách đây hai năm có giá chỉ khoảng 120 triệu đồng/lô thì nay đang được rao bán 1,6 tỷ đồng/lô. Tại khu quy hoạch mới ở xã Tam Thanh, lô đất nền có diện tích 140m2 được hét giá 3,5 - 4 tỷ đồng/lô tùy vào 
tuyến đường.

Chỉ là sốt ảo

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết thông tin “sốt” đất đều xuất phát từ mạng xã hội hoặc từ các “cò” đất, sàn giao dịch bất động sản. “Đất ở đây đúng là có tăng giá hơn trước nhưng không có chuyện tăng gấp đôi, gấp ba như đồn thổi. Chúng tôi không biết vì sao gần đây, xuất hiện rất nhiều “cò” đất từ nơi khác đến và kêu bán giá cao như vậy” - một người dân ở thị xã La Gi nói. Còn chị H. - ở P.Phú Hài, TP.Phan Thiết - cho biết: “Đất ở các dự án hầu như chỉ có người dân ở nơi khác đến mua, chúng tôi ở đây không ai bỏ tiền mua với giá đắt đỏ như vậy”. 

Theo ông Nguyễn Văn Được - Phó chủ tịch UBND P.Phước Lộc, thị xã La Gi - những thông tin “sốt” đất ở La Gi xuất hiện từ khoảng đầu năm 2019 đến nay, sau khi một số sàn giao dịch bất động sản ở TP.HCM đến rao bán, quảng cáo. “Tuy nhiên, tôi khẳng định, đất đai ở đây không hề nóng sốt như các thông tin đồn thổi. Ngay cả đất mặt tiền ở đây cũng chỉ bằng 50% giá dự án rao bán. Hầu như chỉ có người dân ở nơi khác đến mua chứ người dân ở đây không ai bỏ tiền mua với giá cao như vậy” - ông Được nói. 

Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, bất động sản nhiều nơi trong tỉnh đang sốt ảo. Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn khẩn gửi 10 huyện, thị, thành phố, yêu cầu kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất tại địa phương. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không giải quyết hồ sơ đối với các trường hợp tự ý tách thửa đất ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện hợp pháp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không có lý do chính đáng nhằm trục lợi; tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, không để xảy ra “sốt” nóng và bong bóng bất động sản.

Hàng loạt dự án nguy cơ bị thu hồi

Theo theo Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận, hiện tỉnh này còn rất nhiều dự án bất động sản chậm triển khai nhiều năm liền, dù chính quyền địa phương đã liên tục gia hạn đầu tư. 

Điển hình, dự án Khu du lịch sinh thái biển Lạc Việt của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt có diện tích 73 ha được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008. Đến này dự án chưa triển khai thực hiện do vướng đền bù, thiếu vốn. Công ty cam kết trong năm 2019 xây dựng các hạng mục nhà, biệt thự, văn phòng quản lý, khu resort và các công trình phụ trợ; phấn đấu hoàn thành và đi vào hoạt động toàn bộ dự án vào cuối năm 2021 nhưng đến nay vẫn chỉ là một khu đất trống.

Dự án khu du lịch Hương Hải của Công ty TNHH Hương Hải được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 với diện tích 25 ha (đất hộ gia đình, cá nhân 19,3 ha). Dự án chưa triển khai do vướng đền bù. Công ty Hương Hải đã thương lượng đền bù cho 5/11 hộ với diện tích 3,8 ha; 6 hộ còn lại đang thỏa thuận đền bù. Hiện tại chưa có đường vào dự án nên khó khăn cho việc san lấp, xây dựng hạ tầng. 

Dự án khu du lịch sinh thái Hồng Phúc của Công ty cổ phần khách sạn nhà hàng Hồng Phúc được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2010 với diện tích khoảng 20 ha. Công ty đã thương lượng đền bù được 5 hộ với diện tích 3,1 ha; còn 2 hộ dân và 2 công ty (An Thiên Lý, Hải Thuận) chưa thỏa thuận đền bù được. 

Hiện Sở KHĐT đã lập báo cáo các dự án không tích cực triển khai đền bù hoặc không thỏa thuận được, không tích cực phối hợp với địa phương trong việc đền bù, giải tỏa để đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án. 

Hùng Phong 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI