Biến dự án bảo vệ rừng thành dự án phá rừng, xây bất động sản

30/09/2019 - 11:20

PNO - Hơn 280ha rừng được cấp cho doanh nghiệp với mục đích trồng và bảo vệ rừng đã bị biến thành dự án bất động sản phân lô bán nền. Chuyện thật như đùa xảy ra ở H.Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Xẻ thịt đất rừng bán như rau 

Tiểu khu 409 thuộc địa bàn xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm được ví như lá phổi xanh của tỉnh Lâm Đồng đang ngày càng bị bê tông hóa, nên được đưa vào diện cần được bảo tồn. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, khu vực này lại được biết đến với dự án nổi tiếng Farmstay Lâm Đồng. Quan sát từ xa, tiểu khu như một thị trấn đang trong quá trình đầu tư với những cánh rừng xanh bị thay thế bằng những bungalow; các ngọn đồi bị san ủi, xẻ ngang dọc để mở đường lên dự án. 

Biết tôi muốn tìm mua đất dự án, một thanh niên tên T. - tự xưng là nhân viên bán hàng dự án Farmstay Lâm Đồng - quảng cáo: “Đây là dự án bất động sản nóng nhất ở Lâm Đồng hiện nay với giá rẻ và vị trí đẹp. Anh mua, bảo đảm sẽ có lời”. 

Bien du an bao ve rung thanh du an pha rung, xay bat dong san
Các ngọn đồi được san ủi để mở đường lên dự án.

Tôi chưa kịp gật đầu, T. liền kéo tay tôi đi xem dự án. Theo T., dự án mở bán cách nay khoảng hai tháng; lúc đó, mỗi tuần có khoảng 200-300 khách từ TP.HCM và các tỉnh lận cận đến tìm mua. “Dự án đã bán được gần 200 lô đất, hiện chỉ còn khoảng 20 lô. Giá bán mỗi lô 5.000m2 chỉ có 370 triệu đồng, tính ra chỉ 74.000 đồng/m2. Anh mua đi, chậm là không còn đâu” - T. thuyết phục tôi.  

“Nhưng mua đất xong có được cấp sổ đỏ không?” - tôi thắc mắc. T. nói: “Anh mua lúc này thì tạm thời đứng chung sổ đỏ với chủ đầu tư dưới hình thức hợp tác đầu tư. Nhưng chủ đầu tư đang trong quá trình xin phép chuyển đổi thành khu du lịch sinh thái. Lúc đó, mọi người đều được cấp giấy chủ quyền đầy đủ. Anh yên tâm”. 

Bien du an bao ve rung thanh du an pha rung, xay bat dong san
Các bungalow đua nhau chiếm đất rừng để xây dựng.

Thấy tôi vẫn chưa yên tâm, T. liền dẫn tôi đến một căn nhà nhỏ cách đó khoảng 500m, được gọi là ban quản lý dự án. Một người đàn ông trong nhà bước ra, tự giới thiệu phụ trách quản lý ở đây. Người này cho biết, dự án đang bán đợt một với tổng diện tích khoảng 60ha. Ông này tiếp tục dẫn chúng tôi đi xem một số khu vườn đã bán, rộng khoảng 5.000m2, xung quanh có hàng rào, bên trong trồng nhiều loại cây ăn trái. 

Bien du an bao ve rung thanh du an pha rung, xay bat dong san
Khách hàng kéo đến dự án để mua đất.

“Khách chốt tiền với công ty xong, chúng tôi sẽ rào lại, giao đất. Khách tự trồng cây gì mình thích hoặc cứ bỏ tiền ra, công ty sẽ trồng giúp. Đây là cơ hội để khách đầu tư chờ tăng giá theo cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi ngang khu vực này. Lúc đó, khách hàng sẽ chốt lời tiền tỷ” - ông này quảng cáo.

Chúng tôi tiếp tục sang các khu đồi khác. Theo một số nhân viên ở đây, dự án chia làm bảy phân khu chức năng. Trong thời gian tới, sẽ có một phân khu được chủ đầu tư chọn xây dựng thành khu nghỉ dưỡng cao cấp.     

Doanh nghiệp tự ý bán đất rừng, chính quyền ở đâu? 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực mà dự án Farmstay Lâm Đồng đang rao bán là đất rừng. Ngày 8/5/2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đại Hải với tổng diện tích đất 282ha để quản lý, bảo vệ rừng, trồng thử nghiệm cây cao su, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc... Trong đó, có 56,73ha phải giữ rừng nguyên sinh, không được phép cải tạo dưới bất kỳ hình thức nào; 170,96ha là đất rừng nghèo kiệt, được trồng rừng keo lai; 2,45ha trồng cây cao su; 6,45ha trồng cỏ để nuôi khoảng 90 con bò. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án là 14,3 tỷ đồng, thời hạn thực hiện là 50 năm. 

Bien du an bao ve rung thanh du an pha rung, xay bat dong san
Một trong số các văn bản có dấu hiệu cho thấy Công ty cổ phần Đại Hải Farmstay chính là đơn vị đang xẻ thịt đất rừng để bán.

Chủ đầu tư thực hiện dự án này được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp cho 7 năm tiếp theo đối với các hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng; miễn thuế 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo đối với hoạt động trồng thử nghiệm cây cao su và sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn được miễn thuế đất trong toàn bộ thời gian thuê đất đối với diện tích đất trồng, chăm sóc rừng; miễn thuế đất trong 11 năm đối với đất sử dụng vào nông nghiệp, chăn nuôi... Như vậy, với hàng loạt ưu đãi trên, chủ đầu tư đã lời to khi dự án được hóa kiếp từ đất rừng sang đất kinh doanh bất động sản. 

Vì sao dự án tàn phá rừng giữa ban ngày mà các cơ quan chức năng không biết? Đại diện UBND xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm cho rằng, hiện trên địa bàn xã không có bất kỳ dự án nào tên Farmstay Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện có một số bungalow của Công ty Đại Hải xây trái phép trên đất lâm nghiệp, UBND H.Bảo Lâm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử phạt. Đây cũng là địa điểm mà các công ty bất động sản đang rao bán dự án. Theo quy định, dự án này không được phân lô bán nền. Những ai mua đất ở khu vực này phải tự chịu rủi ro vì theo quy định, đây là đất rừng, không được bán. Do các công ty tự dẫn khách chào bán hoặc bán trên mạng nên chính quyền xã không ngăn chặn được. 

Một lãnh đạo UBND H.Bảo Lâm nói: “Vụ việc này huyện đã biết và vừa kiểm tra sơ bộ, cho thấy dự án có dấu hiệu đã bị chủ đầu tư sang nhượng cho chủ khác. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra toàn diện dự án. Nếu chủ đầu tư làm sai, sẽ kiến nghị thu hồi dự án”.  

Doanh nghiệp bất động sản từ TP.HCM lên Lâm Đồng phá rừng?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án được giao cho Công ty TNHH Đại Hải làm chủ đầu tư. Nhưng theo một số văn bản, Công ty cổ phần Đại Hải Farmstay là đơn vị đứng ra bán đất rừng trái phép. Theo điều tra của chúng tôi, Công ty cổ phần Đại Hải Farmstay có trụ sở tại số 34 Ngô Quang Huy, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, do ông Bùi Quang Hải làm giám đốc. 

Ông Hải đồng thời cũng là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Viking Group (tên cũ là Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản VK) có cùng trụ sở với Công ty cổ phần Đại Hải Farmstay. Đây là tập đoàn đang đầu tư phát triển nhiều dự án bất động sản quy mô lớn ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Phan Trí    

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI