Xót xa thấy cảnh em dâu sống xa hoa, bỏ con đói để lấy tiền sắm đồ

17/11/2017 - 06:00

PNO - Góp ý với em trai, em bảo: “đồ đạc trong nhà đều do vợ mua nợ hoặc trả góp chứ thu nhập không cao”. Ngay cả chiếc điện thoại em dâu đang dùng cũng phải trả góp hàng tháng.

Gia đình tôi có hai chị em, tôi bị phụ tình quá đau đớn nên ở vậy không lấy chồng. Còn em trai lấy vợ rồi ở quê vợ lập nghiệp luôn. Tôi ở với ba mẹ, mọi tình cảm đều dành cho gia đình, đặc biệt là các cháu.Vợ chồng em trai tôi có ba đứa con gái sát tuổi nhau, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Tuy nhiên, cả ba đều thấp bé, nhẹ cân, suy dinh dưỡng so với độ tuổi của mình.

Xot xa thay canh em dau song xa hoa, bo con doi de lay tien sam do
Em dâu rất thích ăn diện. Ảnh minh họa

 Em trai tôi làm thợ xây còn em dâu mở quán làm tóc. Vì ở cách nhau hơn 50km nên thỉnh thoảng vào dịp kỵ giỗ, hai em mới đưa các cháu về quê. Nhìn các cháu ốm yếu, mẹ và tôi rất xót. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ thu nhập của vợ chồng em không đủ nuôi con nên mới ra thế. Nhưng lên nhà em chơi, thấy đồ đạc toàn loại xịn. Em dâu còn hớn hở khoe chồng mới mua tặng chiếc điện thoại mới cáu trị giá gần chục triệu đồng thì tôi suy nghĩ lại.

Lân la hỏi dò xem các cháu ăn uống thế nào mà ốm yếu như thế thì em dâu bảo: “chúng nó lười ăn lắm”. Vậy mà, trong bữa cơm tối hôm đó, tôi có mang lên hai con gà, một ít thịt bò tươi, nấu cơm dọn ra thấy đứa nào cũng ăn liền tù tì mấy bát. Nhìn các cháu ăn, tôi thấy hình như “đói ăn” chứ chẳng phải “lười ăn”. Bởi thế, khi về quê, tôi thỉnh thoảng gửi thức ăn lên cho cháu. Nhưng trong lòng băn khoăn là vợ chồng em trai tôi làm gì mà để con cái ra nông nỗi như thế.

Xot xa thay canh em dau song xa hoa, bo con doi de lay tien sam do
Bữa cơm cho trẻ con thường quá đơn giản

Gần tết năm vừa rồi, đứa cháu thứ ba bị ốm mà mẹ nó đang vào mùa làm ăn nên tôi lên trông nom giúp. Ở với các em hơn nửa tháng, tôi mới nhận ra vấn đề. Em dâu tôi là người rất thích mua sắm, kiếm được bao nhiêu tiền là dồn vào sắm sửa hết. Bởi vậy, trong nhà mới không thiếu thế gì cả nhưng con cái thì bỏ mặc.

Cháu tôi kể, nhà chỉ có một chiếc xe máy, nếu ba đi làm thì mẹ để các em nhịn chứ không nấu cơm vì lý do không có xe để đi chợ. Bữa ăn thường rất đơn giản, thiếu chất vì em dâu tôi làm ở quán, ăn vặt đủ thứ nên ít ăn cơm nhà. Ở chừng vài ngày, tôi nấu đủ món, thấy chúng nó ăn ngấu nghiến mà thương.

Hầu như, các cháu đều không được uống sữa, chỉ toàn ăn cơm với canh rau. Nhìn em dâu trau diện cho bản thân không thiếu thứ gì mà con cái nheo nhóc, tôi thấy bực bội. Góp ý với em trai, em bảo: “đồ đạc trong nhà đều do vợ mua nợ hoặc trả góp chứ thu nhập không cao”. Ngay cả chiếc điện thoại em dâu đang dùng cũng phải trả góp hàng tháng.

Tôi thương cháu, thu vén được đồng nào đều dành dụm mua thức ăn gửi lên. Nhưng cứ như thế, em dâu lại thỏa sức mua sắm. Nhìn tủ áo quần đầy váy áo mới, giày dép đủ loại còn con cái còi cọc, ăn uống không đầy đủ. Nhiều người bảo, tôi dại, không biết lo cho bản thân mà làm chuyện bao đồng. Nhưng tôi không có con, các cháu cũng như núm ruột của mình, làm sao bỏ được.

Xot xa thay canh em dau song xa hoa, bo con doi de lay tien sam do
 

Hoàn cảnh gia đình em trai như thế nhưng mọi người đều nghĩ là giàu có khi nhìn vào cơ ngơi hiện tại. Tôi muốn lên thăm nom cháu thường xuyên nhưng ngại gia đình bên ngoại xì xào là tôi lên bòn rút tiền của. Dẫu biết cuộc sống ai người ấy sống nhưng tôi cứ lo lắng trong lòng nỗi lo về các cháu và cách sống “phù phiếm” của em dâu.

Diệu Lê

                                                                                                             

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI