Vòng tay xa lạ ấm êm

20/06/2019 - 05:30

PNO - Dì gọi vào an ủi Nga: “Con đừng nghĩ quẩn, con về quê đi, dì chăm con, không sao đâu con”. Lời dì nhẹ bâng mà Nga thấy trĩu nặng tình thương, thứ tình thương không xuất phát từ trách nhiệm, mà từ trái tim...

Hôm nay là ngày cha và dì đón em bé chào đời. Được tin, Nga vội vàng chạy vào bệnh viện xem em ra sao. Ngoài cửa phòng, nào mẹ, anh trai, chị gái của dì, và cha nữa, đều hồi hộp chờ đợi. Dì đã lớn tuổi, nên việc sinh em bé khó khăn vô cùng. Và em bé cũng là thành viên nhỏ tuổi duy nhất của nhà ngoại.

Mọi người vui mừng vì Nga đến. Họ dành cho Nga chiếc thẻ ưu tiên để được vào thăm em. Ai ai cũng quý Nga, không xem Nga là con riêng của cha, và đối xử với Nga như người thân ruột thịt của họ.

Nga lăng xăng tới lui trong bệnh viện, thay phiên chăm em, xin sữa cho em để dì có thời gian nghỉ ngơi. Dì còn yếu, sữa ít, em đói nên cứ khóc hoài. Nga chạy quanh khu khoa sản sinh mổ, rồi tới khu sinh thường, để mang về cho em ít sữa mẹ. Dì cảm động trước tình cảm của Nga.

Vong tay xa la am em
Ảnh minh họa

Trong khi đó, Nga cũng không hiểu mình đang làm cái quái gì nữa. “Tại sao đôi chân nó cứ phải chạy lung tung để làm mấy cái việc này?”, “Ủa dì ấy có phải mẹ mình đâu?”. Trong đầu Nga văng vẳng hằm bà lằng suy nghĩ vớ vẩn. Nhưng lý trí không thắng nổi con tim, Nga đã thua cuộc trước trái tim yếu đuối này.

Tình cảm Nga dành cho dì và em khiến dì động lòng. Dì quan tâm Nga rất nhiều, nhất là mấy chuyện con gái. Mẹ mất sớm, chẳng ai dạy Nga những thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi, dì là người chỉ dẫn cặn kẽ cho Nga những điều đó. Nhiều lần Nga bị bệnh phụ khoa, dì tất tả hỏi thăm và kiếm thuốc về nấu cho Nga uống, rồi còn chở Nga ra tận bệnh viện tỉnh để khám.

Nhiều khi dì cũng cố gợi mở để Nga gọi dì là mẹ, nhưng không được. Như hôm trước, dì nói với cha: “Thôi anh ở nhà với con bé út nghen, hai mẹ con em về ngoại xíu”. Nga nghe nhưng làm ngơ. Nga cảm mến dì, vì có dì thì cha khỏe hơn, có người chăm sóc cơm nước, gia đình cũng bớt hiu quạnh. Nhưng Nga cố chấp và không muốn ai thay mẹ cả, nên vẫn giữ cách xưng hô như ban đầu. Dì cũng biết vậy, và không bao giờ vì cách xưng hô mà dì đối xử tệ với Nga. 

Vong tay xa la am em
Ảnh minh họa

Rồi Nga rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Cứ ngày cách ngày, dì lại gọi vào hỏi thăm, dặn dò Nga đủ thứ. Dì lo Nga lạc lõng trên vùng đất lạ, sợ bị cám dỗ. Mà đúng là dì lo không thừa. Nga mới vào thành phố, chân ướt chân ráo, nghe bạn bè xí nghiệp xì xầm anh này anh kia. Nga tò mò, tìm hiểu, thả thính. Và, Nga đã xiêu lòng một anh làm cùng tổ.

Dì biết chuyện Nga từ mấy đứa cùng quê gọi về mách lẻo, dì ngăn liền. “Con có biết anh ta là ai, ở đâu, gia đình thế nào...?”, dì làm cho một mạch. Nga điếng người, thấm dần mấy lời dì nói. Nga sợ, không dám kể với dì, chuyện Nga và anh ta đã quá thân thiết với nhau. Nhớ hôm Nga đi chơi với anh ta tận 12g khuya, hai đứa kéo nhau ăn quán ốc ven đường, vui quá trớn, Nga uống nhiều bia. Không biết chuyện gì xảy ra trong đêm, chỉ biết, sáng dậy Nga không còn mảnh vải che thân. Anh ta sợ quá, trốn biệt, nghỉ làm ở công ty. Nga sợ hãi, hoang mang với cái chứng nôn ói, chán ăn, bụng mỗi lúc một to. Mọi người trong xưởng bàn ra tán vào, Nga xấu hổ xin nghỉ việc.

Dì lo lắng, sợ Nga làm chuyện dại dột, còn cha thì nóng giận quát tháo. Dì bảo: “Thôi anh bình tĩnh được không, con giờ sống chết thế nào còn không biết, anh ở đó mà chửi mắng con”. Dì gọi vào an ủi Nga: “Con đừng nghĩ quẩn, con về quê đi, dì chăm con, không sao đâu con”. Lời dì nhẹ bâng mà Nga thấy trĩu nặng tình thương, thứ tình thương không xuất phát từ trách nhiệm, mà từ trái tim.

Nga khóc hạnh phúc trong vòng tay và hơi ấm của dì - người đàn bà xa lạ... 

Chúc Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI