Vợ chồng lục đục tháng cô hồn

29/08/2018 - 06:37

PNO - Chồng tôi bảo, vậy cúng cho ai, cúng cô hồn chết, hay cô hồn sống? Tôi thì bảo, cúng mà đóng cửa, thì ai mà… dự? Riêng cái chuyện cúng đóng cửa hay không đóng cửa, mà vợ chồng tôi lục đục...

Cứ tháng Bảy về, tôi lo nơm nớp chuyện ông xã tổ chức lễ cúng cô hồn. Ngày còn ở quê, vợ chồng tôi chưa một lần tổ chức cúng kiếng, chỉ đến khi vào thành phố, nghe người ta nói cúng cô hồn để cầu mong mọi sự tốt lành, này nọ, chồng tôi bảo có lý. Thế là cúng.

Tôi còn nhớ, người hàng xóm cạnh nhà tôi bảo, tháng cô hồn, chỉ cần cúng mười hai chén cháo trắng, cho nhẹ nhàng, thanh tao là được. Những năm đầu, chồng tôi cúng toàn cháo trắng. Cho đến khi người hàng xóm bán nhà, người khác về mua ở. Thấy người ta cúng cóc, ổi, mía, một ít bánh, và ít tiền lẻ, chồng tôi bảo, cúng thế này có lý hơn.

Vo chong luc duc thang co hon
Vợ chồng tôi từng có mâm cúng cô hồn đơn giản. Hình minh họa

Có đến năm năm trời chồng theo lễ vật cúng kiếng ấy. Sau này, thấy người ta cúng heo quay, xôi, gà, chồng về bàn với tôi là mình phải cúng thêm gà, mới đủ lễ. Tôi nghĩ, có kiêng có lành. Lễ cúng kể ra cũng đơn giản. Cúng để cảm thấy nhẹ trong tâm, để an tâm sinh sống, mỗi năm một lần cúng, có vất vả gì đâu!

Thế nhưng, anh lại tiếp tục thay “kịch bản” cúng. Lần này, anh không cúng tiền lẻ, anh bảo cúng tờ mười ngàn đồng trở lên, mới… linh nghiệm. Nhớ hai năm về trước, anh bày bàn cúng giữa hiên. Trẻ con tụ đầy ngõ, có cả những thanh niên mới lớn, xăm trổ đầy người.

Có đứa nhìn quanh thấy toàn mớ tiền một, hai ngàn đồng, nó chạy tới hất mâm cúng nhà tôi rơi xuống đất, rồi bỏ chạy. Chồng tôi toan chạy theo mắng nó một trận, nhưng tôi ngăn lại, tôi bảo để ngày mai sẽ sửa soạn mâm lễ khác.

Năm ngoái, rút kinh nghiệm đám “cô hồn sống”, chồng tôi bày mâm cúng, gồm một con gà luộc, cóc, ổi, mía, bánh ngọt, đậu phộng, hai trăm ngàn đồng (loại mệnh giá mười ngàn), nhưng anh đóng cửa mà cúng.

Quan điểm của chồng tôi là, phải để nhang tàn nửa cây, thì mới cho tụi nhỏ giật. Nhưng không ít người bảo, cúng mà bọn trẻ chực chờ giật trên tay, mới gọi là hên, là may mắn. Đã cúng, là chấp nhận cho tụi nó giật trước, chẳng cần phải thắp hương.

Vo chong luc duc thang co hon
Cảnh đợi chờ giật cô hồn tháng Bảy. Hình minh họa

Chồng tôi bảo, vậy cúng cho ai, cúng cô hồn chết, hay cô hồn sống? Tôi thì bảo, cúng mà đóng cửa, thì ai mà… dự? Riêng cái chuyện cúng đóng cửa hay không đóng cửa, mà vợ chồng tôi bất đồng. Tôi còn không muốn cúng cô hồn, nghĩ cha mẹ mình xưa không cúng, cũng có sao đâu?

Chồng bảo tôi lạc hậu, bảo thủ, ích kỷ. Rằng, sống ở đâu, phải theo lề thói nơi đó. Cúng kiếng cho tâm an, anh bảo tôi không nên bàn ra.

Nhân chuyện cúng cô hồn, tôi kể anh nghe chuyện “Đi giật cô hồn, còn đâm con chủ nhà đứt khí quản”. Và không ít chuyện đánh nhau, chém nhau, cũng từ giật cô hồn.

Tôi bàn với chồng, năm nay nhà mình sẽ cúng đơn giản: cháo trắng, vài loại trái cây, một ít bánh, tuyệt đối không cúng gà, tiền, khi cúng mở toang cửa. Thì chồng bảo, cúng “nghèo” thế, ai giật? Mà không có người giật, cúng cũng như không.

Vo chong luc duc thang co hon
Vợ chồng cãi nhau tháng cô hồn. Hình minh họa

Tôi bảo, cúng, người chết có hưởng được đâu? Chồng hỏi lại “Bà lấy gì đảm bảo là người chết không hưởng được?”. Chồng đã nói thế, tôi cũng hết ý kiến. Chuyện tâm linh, cãi nhau thì cãi đến… hết đời. Thôi thì, cứ để anh ấy muốn làm gì thì làm.

Nhưng trong lòng tôi chỉ thắc mắc một điều: người ta đi giật cô hồn, chủ yếu giật tiền và lễ vật cúng có giá trị, chứ mấy loại trái cây… giản dị như cốc ổi mía, có mấy ai giật, sao chồng tôi không biết điều đó?

Còn mười ngày nữa hết tháng cô hồn, tôi không sốt sắng nhắc nhở chồng cúng kiếng như mọi năm. Nhớ hay không kệ chồng. Cúng hay không, tùy quyền quan niệm của anh ấy.

 Mi Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI