Vì sao cô dâu Việt bị bạo hành không dám ly hôn, thoát khỏi ổ quỷ?

12/07/2019 - 09:29

PNO - Nhiều năm qua, câu chuyện cô dâu Việt bị bạo hành trên đất khách đã lấy nhiều nước mắt của cộng đồng. Nhưng vì sao họ không dám chọn cho mình một lối thoát để được sống cuộc đời của mình?

Nhìn đứa nhỏ hai tuổi đứng cạnh như xoa dịu người mẹ rã rời sau trận đòn của ông bố Hàn say xỉn, nhiều chị em tự hỏi: “Sao cô ấy không ly hôn, giải thoát mình ra khỏi ổ quỷ, mà lại để chuyện bạo hành kéo dài tới tận năm năm trời?”. 

Giấc mơ báo hiếu và đổi đời 

Nạn nhân vụ bạo lực trên cho biết đã nhiều lần bị chồng đánh, nhưng vì nghĩ tới tương lai của con nên tiếp tục chịu đựng. Lần này, cô lén đặt điện thoại quay lại sự việc để có bằng chứng tố cáo chồng trước tòa. Tuy nhiên, cô không phải là người chia sẻ video lên mạng, và những hình ảnh lan truyền trên mạng nằm ngoài kiểm soát của cô. Cô mong mọi người ngừng chia sẻ đoạn clip đó, vì không muốn gia đình ở Việt Nam biết và đau lòng. 

Vi sao co dau Viet bi bao hanh khong dam ly hon, thoat khoi o quy?
Hình ảnh chồng Hàn đánh vợ Việt gây phẫn nộ 

Chị Hồ Thị Nhung - công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng - cho biết, các cô gái lấy chồng nước ngoài với hy vọng đổi đời thông qua nhiều hình thức xuất cảnh: môi giới hôn nhân, xuất khẩu lao động, bị lừa bán làm vợ những ông chồng đáng tuổi cha tuổi chú, thậm chí có trường hợp đi du lịch rồi ở lại một cách bất hợp pháp… Thực tế, rất nhiều cô gái không gặp may mắn như họ hình dung. Nhiều cô dâu Việt đã lén gọi điện về nhà, vừa khóc vừa kể chuyện bị gia đình chồng lăng mạ, bị đánh đập, phải bỏ trốn ra ngoài để tránh những trận đòn. Vì thương con, lo lắng cho cha mẹ ở quê, và một phần cũng không dám quay về Việt Nam vì mặc cảm, xấu hổ với bà con chòm xóm, nên các cô đành ngậm ngùi chịu đựng sống với đòn roi. 

Đơn cử trường hợp chị Nguyễn Hồng N., quê Sóc Trăng, hồi hương năm 2017. Theo môi giới, chị qua Hàn Quốc khi mới 20 tuổi. Mới sang, chị bị nhà chồng bắt làm đủ việc, từ dọn dẹp nhà cửa cho tới phục vụ quán ăn của nhà chồng, mà không được trả một đồng lương nào. Đã thế người chồng còn say xỉn, đánh đập vợ như cơm bữa. Cứ khi chị về tới nhà là hắn túm tóc đập đầu chị vô tường, không cho lên giường ngủ, chỉ vì tội “không sinh con cho tao”. Tóc chị thường xuyên cắt ngắn hoặc cạo trọc vì ám ảnh những lần túm tóc của hắn. Qua những lần động viên của gia đình, chị quyết định về nước, được Hội Phụ nữ tạo công việc tại quê nhà, nhưng không biết vì lý do gì chị lại bỏ đi. 

Vi sao co dau Viet bi bao hanh khong dam ly hon, thoat khoi o quy?
Đứa con nhỏ đứng bên mẹ như an ủi sau trận đòn

Quyết định xa quê hương báo hiếu cha mẹ, với giấc mơ trở thành Việt kiều để gia đình “mở mày mở mặt”, là suy nghĩ chung của nhiều cô dâu Việt. Cô gái trẻ Trần Th. cũng chọn con đường lấy chồng xa xứ, thậm chí bỏ cả hai năm đại học dang dở. Sang tới nơi, cô mới vỡ lẽ gia đình chồng nghèo đến mức phải vay tiền để cưới cô về. Từ đó, cô bắt đầu cuộc đời làm thuê để kiếm tiền trả nợ cho gia đình chồng. Hạnh phúc và tương lai của cô gái trẻ phút chốc trở nên mờ mịt. 

Ly hôn: bước đường cùng 

Theo thống kê từ một báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, 4/10 người Việt nhập cư theo diện kết hôn đến nước này đã trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình.

Trên thực tế, các cô dâu Việt sống xa xứ cũng chỉ vì mục đích mưu sinh. Có biết bao cô dâu phải chịu sự hành hạ của chồng, nhưng họ nuốt nước mắt và ra sức giấu đi những vết bầm tím trên thân thể, với mong muốn giữ lại mái nhà cho con cái.

Ước mơ đổi đời mất hút, niềm hy vọng báo hiếu cha mẹ cũng không thành, tương lai mịt mù, các cô dâu Việt lại không nhận được những chia sẻ, an ủi và động viên từ người thân, cũng không được chính quyền hỗ trợ.

Nhiều người trong số họ bắt đầu phản kháng. Thông thường họ yêu cầu được đi làm, muốn được đối xử công bằng, vì họ hiểu rằng hôn nhân không tình yêu thì chí ít phải có sự tôn trọng. Nhưng đa số cô dâu Việt không chấp nhận ly hôn. Và họ có nhiều lý do cho sự cam chịu đầy oan nghiệt ấy.

Ở lại: pháp luật quá nhiều điều khoản bất công 

Tại Đài Loan và Hàn Quốc, nơi có nhiều cô dâu Việt Nam sinh sống nhất, những quy định luật pháp về hôn nhân với người nước ngoài của họ có nhiều điều bất công và phân biệt đối xử.

Cụ thể, trong việc phân xử quyền và trách nhiệm nuôi con, thì hầu hết các trường hợp ly hôn, các cô dâu đều bị ép buộc giao con cho nhà chồng. Lý do: họ là những người không có tài chính, nhà cửa, công việc không ổn định, không quốc tịch.

Ðiều 837 Bộ luật Dân sự Hàn Quốc quy định về trách nhiệm nuôi con sau khi ly hôn sẽ căn cứ vào tình hình tài chính của cha mẹ và các điều kiện khác mà quyết định người nuôi con.

Ðiều 1055 Luật Dân sự của Ðài Loan quy định về nghĩa vụ nuôi con chưa thành niên sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế, tình trạng cuộc sống của cha mẹ.

Bên cạnh đó, các cô dâu Việt có thể còn bị trục xuất về nước, khi người bảo lãnh rút lại giấy xác nhận bảo lãnh theo luật quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc. Khi đó, Bộ Tư pháp sẽ thông báo và yêu cầu người nước ngoài sắp xếp rời khỏi Hàn Quốc. Quy định ở Ðài Loan cũng vậy, cô dâu ngay khi ly hôn sẽ bị nhà chồng thông báo cho cảnh sát về việc không còn bảo lãnh, và cảnh sát sẽ bắt giữ, trục xuất cô dâu về Việt Nam. 

Nỗi nhớ con, mất việc làm, không chỗ ở, không nơi nương tựa, không tiền bạc, không một người thân nơi đất lạ quê người, bị cảnh sát và nhà chồng săn tìm, gia đình ở quê thì nợ vây tứ phía... những người phụ nữ này đã bị cuộc đời xô đẩy đến tận cùng. Và không còn con đường nào khác, không ít người phải chấp nhận phạm pháp để ôm con chạy trốn, sống chui ngoài vòng pháp luật. 

Về nước: thủ tục pháp lý phức tạp 

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc đơn phương ly hôn với người nước ngoài rất phức tạp và mất nhiều thời gian do phải tống đạt triệu tập và hỏi ý kiến của người chồng.

Vi sao co dau Viet bi bao hanh khong dam ly hon, thoat khoi o quy?
Tình cảm không còn, mạng sống cũng khó bảo toàn, nhưng ly hôn rồi về đâu?

Nếu muốn được công nhận tại Việt Nam, phải làm thủ tục ghi chú ly hôn, mà một số trường hợp may mắn có giấy tờ ly hôn ở nước ngoài thì khi nộp hồ sơ xin ghi chú lại vướng yêu cầu bổ sung giấy tờ hộ tịch bên chồng. Điều này thật sự khó, ví dụ theo quy định của vùng lãnh thổ Ðài Loan, chỉ người chồng mới được phép trích lục hộ khẩu, cô dâu năn nỉ cỡ nào thì cũng hiếm khi chồng cũ chịu giúp. 

Ngoài ra, các cô dâu Việt khi quay về Việt Nam cần phải đăng ký cư trú lại, muốn nhập hộ khẩu, họ phải có xác nhận tạm trú, phải có xác nhận không tiền án tiền sự suốt thời gian ở nhà chồng, mà muốn vậy phải nhờ chồng cũ xác minh và tất nhiên yêu cầu này thật khó để họ thực hiện.

Các cô dâu không có hộ khẩu nên cũng không làm được chứng minh nhân dân, do đó cơ hội làm lại cuộc đời, có được một công việc nuôi sống bản thân tại chính đất nước của mình cũng khó. Ðó là lý do nhiều cô dâu Việt chấp nhận sống và chịu đựng chứ không muốn ly hôn. 

Nhiều cô dâu Việt sau khi ly hôn thường chọn sống ở những nước khác như Singapore hay Malaysia để tìm cơ hội mưu sinh, để rồi không ít người đã rơi vào địa ngục trần gian ở các nhà chứa, thậm chí bị sát hại thảm thương. 

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), thực trạng cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc đánh đập khá phổ biến. Việc hành hạ, đánh đập, làm nhục vợ là vi phạm pháp luật, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, gần như chưa có vụ nào bị xử lý, do nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do là người vợ không dám tố cáo. 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nêu ý kiến: “Trước mắt cơ quan có chức năng cần thông qua con đường ngoại giao để cảnh báo và tuyên truyền kiến thức pháp luật, cũng như văn hóa người Việt cho cộng đồng Hàn Quốc tại Việt Nam hiểu. Từ đó, nếu các đối tượng không tôn trọng và cố tình vi phạm thì yêu cầu pháp luật xử lý”. 

Ngoài ra, pháp luật tại Việt Nam cũng cần sửa đổi Luật Cư trú theo hướng: khi hộ chiếu các cô dâu còn thời hạn và họ khai báo nơi tạm trú thì phải cấp lại chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải tự xác minh, không bắt buộc đương sự cung cấp các văn bản xác nhận tạm trú theo kiểu đánh đố họ như vậy.

Vi sao co dau Viet bi bao hanh khong dam ly hon, thoat khoi o quy?
Ly hôn không phải điều dễ dàng với cô dâu xa xứ 

Luật và các văn bản dưới luật cũng cần có quy định rõ ràng về việc ly hôn của công dân Việt Nam có yếu tố nước ngoài theo hướng tạo sự thuận lợi. Những trường hợp đơn phương ly hôn dù không có ý kiến của người chồng nước ngoài, thì tòa án cũng phải thụ lý và giải quyết. Trong các trường hợp ghi chú ly hôn, không cần thiết yêu cầu đương sự bổ sung các giấy tờ khác ngoài giấy thuận tình ly hôn hay bản án - quyết định của tòa. 

Đinh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI