Từ công nhân vợ chồng tôi thành giám đốc

23/09/2015 - 07:50

PNO - Vợ chồng tôi có xuất phát điểm thấp, học vấn không cao, trưởng thành thì người đi làm thuê, người làm công nhân nhưng siêng năng, chịu khó học hỏi...

Tu cong nhan vo chong toi thanh giam doc
Chị Tuyền, vợ anh Lương Hậu Chí (thứ hai từ trái sang) cùng nhân viên công ty tại một hội chợ triển lãm

Vợ chồng tôi có xuất phát điểm thấp, học vấn không cao, trưởng thành thì người đi làm thuê, người làm công nhân, lương ba cọc ba đồng nhưng siêng năng, chịu khó học hỏi, chuyện gì thích thì phải cố làm cho bằng được.

Có lẽ nhờ vậy, dù sóng gió cuộc đời vùi lên dập xuống nhưng chúng tôi vẫn đứng dậy được và hiện vợ chồng tôi đã có thể mỉm cười tự tin trong công việc, bởi ngoài nuôi sống gia đình mình, chúng tôi còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 anh chị em ở các tỉnh bằng nghề đóng ballet.

Năm nay tôi 50 tuổi, bắt đầu khởi nghiệp lúc 25 tuổi với nghề phân loại, buộc dây cua cho một chủ vựa ở Q.Thủ Đức. Do thạo nghề, lại siêng năng nên làm được vài tháng ông chủ chuyển tôi sang tổ thu mua cua, sau đó phân làm quản lý tổ và dần quản lý cả vựa cua - coi như là cánh tay đắc lực của ông chủ.

Tôi được chủ phân công theo các chuyến xe về miền Tây, trực tiếp đến các vựa chọn cua và trả tiền. Tiền lương thời điểm đó không cao nhưng nhờ tiền hoa hồng và thưởng doanh số nên thu nhập của tôi lúc đó được xem là khá rủng rỉnh.

Làm hơn một năm, tích lũy được chút đỉnh, tôi thấy nghề này cũng dễ, chỉ cần chịu khó đi lùng cua rồi bán lại là có lời nên xin phép ông chủ ra riêng, thuê một ki-ốt, mở vựa cua trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận.

Lý do khác là trong quá trình về Bến Tre thu mua cua, tôi gặp và yêu Tuyền, một cô gái đang làm công nhân cho công ty thủy sản. Tôi cưới và đón cô ấy lên Sài Gòn, cùng nhau trông coi vựa cua.

Công việc lúc đầu khá suôn sẻ, ngoài thị trường trong nước, chúng tôi còn xuất được nhiều lô hàng sang Hồng Kông, Trung Quốc. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, vào tháng Bảy và tháng Tám âm lịch năm 1994 - mùa Trung thu, chúng tôi đang chuẩn bị “hốt bạc” thì không ngờ bão ập đến, hết lô hàng này đến lô hàng khác ra sân bay là bị ách lại do hãng bay phải hủy chuyến.

Chỉ cần ách lại một ngày là cua chết sạch, giá cua từ 300.000-400.000đ/ kg, chúng tôi bán đổ bán tháo chỉ 7.000đ/kg mà vẫn không có người mua. Vài lô hàng như thế, chúng tôi sạch vốn, vựa cua sụp đổ, trong túi hai vợ chồng chỉ còn hơn ba triệu đồng.

Tôi trả mặt bằng, đi tìm việc và vào làm công nhân cho một công ty d ầu nhớt với mức lương 800.000đ/ tháng; vợ tôi thì đi làm cho một công ty điện tử. Chúng tôi ở trọ trong căn phòng nhỏ xíu, trưa ăn cơm công ty, chiều tằn tiện với hai cái trứng và ít rau luộc.

Năm 1995, bạn của ông chủ vựa cua đột nhiên tìm đến nơi trọ của chúng tôi, gợi ý tôi hỗ trợ ông mở một xưởng gỗ ở Sài Gòn. Họ bỏ vốn, lo đầu ra, tôi chỉ tìm nguồn nguyên liệu và quản lý sản xuất. Vốn thích kinh doanh, tôi gật đầu ngay vì muốn học hỏi thêm cách kinh doanh và hy vọng cuộc sống sẽ sáng sủa hơn.

Nhưng ngày vui chẳng dài, làm được ba năm thì xưởng gỗ phải giải thể vì ế ẩm. Chia tay ông bạn, tôi học được một nghề mới. Nhiều đêm suy nghĩ, tôi thấy thị trường sử dụng đồ gỗ ở Sài Gòn không thiếu, cái khó là nếu sử dụng nguồn gỗ tự nhiên thì rất bấp bênh nên phải thay đổi hướng, sử dụng nguồn nguyên liệu nhân tạo - tức gỗ rừng trồng.

Nghĩ thế, tôi bắt tay vào nghề đóng ballet. Không có đất, xưởng phải thuê, đầu ra cũng không có, vợ chồng tôi phải gõ cửa từng công ty, xí nghiệp nhưng hai năm đầu xưởng gỗ thường xuyên rơi vào tình trạng “ngủ đông”, nhiều lúc vợ chồng chỉ ngồi uống trà coi phim bộ.

May mắn là thời điểm năm 2000 sốt đất, vợ tôi nhanh trí làm thêm nghề môi giới bất động sản, trúng được vài mối. Có chút tiền, chúng tôi xuống Hóc Môn mua miếng đất mở xưởng để giảm chi phí thuê xưởng. Từ những đợt “ngủ đông”, tôi rút ra bài học: nếu không tìm cách hạ giá thành để cạnh tranh thì khó có khách hàng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI