Trước khi có chiếc điện thoại này, ba tốt hơn bây giờ nhiều

31/07/2018 - 19:30

PNO - Thiết bị di động gây ra hậu quả những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình mình và những đứa trẻ ấy có dấu hiệu dễ nóng giận, khóc lóc, hiếu động bất thường...

Technoference là thuật ngữ mới toanh vừa được cập nhật. Đây là từ viết tắt của cụm từ interference of technology với ý nghĩa là sự gián đoạn do công nghệ gây ra.

Khái niệm này không phải do một nhà ngôn ngữ nào đưa ra mà do chính nhà tâm lý học người Mỹ Brandon McDaniel công bố sau quá trình làm việc và chứng kiến quá nhiều câu chuyện buồn do “technoference” mang đến.

Truoc khi co chiec dien thoai nay, ba tot hon bay gio nhieu
"Ba ơi, chơi với con một tí đi"

Qua các cuộc khảo sát, Brandon McDaniel kết luận rằng, những tương tác bị gián đoạn giữa cha mẹ và con cái ở các gia đình hầu hết do thiết bị di động gây ra. Hậu quả là những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình mình và những đứa trẻ ấy có dấu hiệu dễ nóng giận, khóc lóc, hiếu động bất thường. 

Tính khí thất thường ấy của đứa trẻ sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của cha mẹ và chính những phụ huynh thay vì đối diện giải quyết vấn đề thì lại tìm kiếm sự bình yên với thiết bị di động, càng khiến tình hình thêm phức tạp. Theo nhà tâm lý học Brandon McDaniel, điều mà phụ huynh cần làm là phải “cai nghiện”, không chăm chú vào màn hình một cách vô độ, thiếu kiểm soát. 

Một đứa trẻ được chuyển đến gặp chuyên gia Brandon McDaniel vì em bất cần, thích thể hiện. Em tập tành hút thuốc và tiêu tiền vô độ, sắm những món hàng thật đắt tiền. Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao cậu bé này thích gây sự chú ý như thế, Brandon McDaniel mới hiểu là do em thiếu sự quan tâm của mẹ.

Mẹ em là một tiếp viên hàng không, cách mà cô giao tiếp, hỏi han con phần lớn qua thiết bị di động. Mỗi lúc xuống ca ở nhà, người mẹ này cũng chẳng “có mặt” bên cạnh con. Cô chỉ chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại. 

Trong bài viết đăng trên Daily Mail, tác giả Katharine Hill đã kể câu chuyện điển hình về bé trai bảy tuổi nài nỉ người cha chơi đá bóng cùng. Người cha cứ lần lữa: “Đợi ba một phút nhé con”, sau đó anh quay ra gõ vội vài dòng tin nhắn.

Truoc khi co chiec dien thoai nay, ba tot hon bay gio nhieu
Ước gì ba như ngày xưa. Hình minh họa.

Vài phút trôi qua kèm theo là những câu trả lời cho qua: “một phút nữa thôi”, “nhanh lắm, vài phút nữa ba chơi với con”. Đến khi cậu bé tiu nghỉu, vẻ mặt thất vọng chẳng buồn hối thúc thì người cha vẫn còn mải miết nhắn tin. Cậu bé đi ngang cha và nói: “Trước khi có chiếc điện thoại này, ba tốt hơn bây giờ nhiều!”. 

Các nghiên cứu chỉ ra, trẻ từ 11-14 tháng thường xuyên nhận được tương tác từ người lớn ở bên cạnh thông qua ánh mắt âu yếm, câu nói phản hồi sẽ có thể phát triển khả năng ngôn ngữ nhanh gấp đôi mức bình thường.

Với những trẻ bị từ chối về mặt cảm xúc, không được bố mẹ quan tâm phản ứng sẽ gặp cản trở đối với quá trình phát triển của não. Khi người lớn nhìn trẻ mỉm cười và trẻ cười lại, trong não trẻ cũng như não người lớn đều tiết ra chất hóa học giúp cả hai cảm nhận hạnh phúc. Nuôi dưỡng mối quan hệ có phản hồi qua lại về mặt cảm xúc giúp trẻ phát triển trí thông minh và sự nhạy cảm. 

Thiên Như (theo Times Live, Cafemom

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI