Tập ăn cơm cùng nhau

02/05/2019 - 15:28

PNO - Nhà có mấy người mà lâu lắm rồi không có lấy một bữa cơm chung, trừ khi có khách đến chơi nhà.


Nhà tôi có sáu người thuộc ba thế hệ: bố mẹ chồng, vợ chồng tôi và hai con nhỏ đang học cấp I. Ban ngày, để tiện cho công việc vì thời gian nghỉ trưa ít, nhà xa chỗ làm, nên vợ chồng tôi ăn trưa tại cơ quan. Vì vậy, thời gian sinh hoạt chung thường là buổi tối. Nhưng vào giờ đó, nhà lại mỗi người một lịch riêng.

Bố chồng tôi thường chơi thể thao về rất muộn nên ăn sau. Mẹ chồng lại ăn kiêng theo chế độ riêng nên bà hay ăn trước. Hồi mới về làm dâu, tôi cũng thấy không quen với cách sinh hoạt như vậy, nên hay chờ chồng về. Nhưng công việc của chồng tôi thời gian không cố định, đó là chưa kể những ngày vui vẻ bạn bè quên báo về cho vợ. Lâu dần, tôi cũng bỏ thói quen chờ đợi.

Tap an com cung nhau

Nhiều năm như vậy, điều đó trở thành thói quen sinh hoạt hết sức tự nhiên, việc ai người ấy làm, không gợn lên trong tôi suy nghĩ gì nữa. Nhất là khi có con, rồi hai đứa trẻ đến tuổi đi học, tôi càng bận rộn, nên thường là lúc con đi học về, sau khi tắm rửa sẽ được lấy cơm cho ăn trước để còn học bài. Thành thử nhà có mấy người mà lâu lắm rồi không có lấy một bữa cơm chung, trừ khi có khách đến chơi nhà.

Hôm vừa rồi, bé Na được mẹ cho phép đến nhà bạn thân ăn tối. Lúc về, thấy con bé rất vui vẻ. Tối trước khi con đi ngủ, tôi vào phòng kiểm tra hai đứa. Bé Na thấy mẹ vào thì háo hức kể: “Hôm nay, con ăn cơm nhà bạn rất vui, mọi người quây quần bên nhau. Con ước gì nhà mình cũng có những bữa cơm đông đủ cả nhà giống nhà bạn ấy”. Nghe vậy, bé Sún cũng líu lo theo: “Con cũng thích cả nhà ăn cơm chung, giống những hôm về bà ngoại ấy mẹ”. Tôi mỉm cười xoa đầu hai đứa rồi bảo các con đi ngủ sớm.

Tap an com cung nhau

Lúc trở ra, trong lòng tôi xáo trộn nhiều suy nghĩ. Việc ăn cơm chung cùng nhau tưởng chừng đơn giản vậy mà lại trở thành ước mong của lũ trẻ. Tôi đã quen với những bữa cơm một mình đến mức không còn nhận ra đó là sự thiệt thòi cho mình và cho những đứa trẻ đang lớn dần lên trong sự thiếu gắn kết với cha mẹ, ông bà. Tôi quên mất những bữa cơm tuổi thơ mình, những bữa cơm mong chờ người thân về ăn. Cách hồi hộp nấu nướng một món ngon, ngắm nhìn người mình yêu thương ăn uống vui vẻ, chờ đợi háo hức để được nghe những lời khen ngợi, hỏi han những câu chuyện thường ngày.

Bữa cơm không chỉ đơn giản cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, mà còn là nơi chia ngọt sẻ bùi, vun đắp những giá trị tinh thần, gắn kết các thành viên trong gia đình. Tôi sẽ nói chuyện với chồng, mong anh sẽ thấu hiểu và sẽ cùng tôi xây dựng thói quen mới: cả nhà ăn cơm cùng nhau. 

Nhật Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI