Tấm gương lỗi

04/10/2019 - 05:30

PNO - Chị luôn cố gắng che giấu sự bất bình của mình đối với chồng bởi vì chị hiểu hình ảnh người cha mẫu mực quan trọng nhường nào đối với con trai. Nhưng một khi con đã biết thắc mắc…

Con trai hay trêu chọc mẹ. Chị quá biết tính cách này mà lần nào cũng bị mắc mưu. Như khi đón con trước cổng trường ngày thi đại học, chị cũng như bao phụ huynh khác hồi hộp chờ đợi nhìn thấy con của mình tươi tỉnh giơ cao hai ngón tay hình chữ V báo hiệu chiến thắng hay là giọt nước lấp ló mi mắt báo hiệu cơn nức nở vì không làm bài được.

Mặt mũi con trai bí xị đến mức chị không dám hỏi han gì. Thôi thì… Ừ, ngày nào chị cũng chứng kiến con chăm chỉ học hành ngủ gục ngay bàn, cố gắng đến vậy mà không làm bài được thì đành chấp nhận thôi. Chị nuốt nỗi buồn xuống đáy lòng, chuẩn bị cho mình thành điểm tựa cho con khi thất bại.

Thi cử xong thì cứ thư giãn đi con, chị nhẹ nhàng nói, lỡ kết quả không tốt thì mình ôn luyện lại chờ mùa thi sang năm cũng được mà.

Tam guong loi
Ảnh minh họa

Con trai xòe năm ngón tay và thở phù phù, mẹ biết không, lúc giám thị vừa phát đề tự nhiên bàn tay phải của con bị cứng đờ không cầm bút được. Cũng may là con kịp nhớ ra bài tập hít thở chống stress. Con bèn hít thở sâu mấy hơi. Một hồi thì mấy ngón tay mới bình thường trở lại. Vì sợ không kịp giờ con bèn viết một mạch không làm nháp luôn... 

Trái tim chị vọt lên lơ lửng, trời, không làm nháp, cái tính ẩu xị này thì phải la mắng ngay mới được, để lỡ thành thói quen.

Khuôn mặt bí xị chợt cười toét miệng, thử lòng mẹ thôi mà, nãy giờ mẹ nghĩ con không làm bài được hả? 

Chị cốc trán con một cái, thử lòng kiểu này khiến mẹ đau tim quá đó nghen.

Con trai cười giòn tan, chuộc lỗi khiến mẹ đau tim bằng cách cho mẹ nghỉ ngơi nè, không phải bận học hành ngốn ngấu căng thẳng nữa cho nên con sẽ làm hết việc nhà, mẹ chỉ việc chăm sóc bà nội thôi. Khi nào bà nội ngủ thì mẹ cũng được ngủ ngon nha.

***

Con trai vô tư tưởng người già đau ốm cũng ngủ một mạch tới sáng như mình. Con trai đâu biết mỗi đêm chị thức giấc mấy lần vì mẹ chồng mớ ngủ khóc ti tỉ vì sợ hãi gì đó trong cơn mơ. Có đêm chị thức trắng vì bà rền rĩ đau nhức, chị phải xoa bóp và rì rầm trò chuyện cho bà nguôi…

Con trai tuổi học trò không biết, mà nếu con có biết thì chị cũng ưu tiên việc học hành, làm sao đòi hỏi đứa con thức khuya học bài ngủ gục ngay bàn mà còn phải tỉnh giấc giúp mẹ chăm bà nội. Người mà chị đòi hỏi trách nhiệm là chồng, nhưng… 

Chị lu bù công việc nhà, ngoài những điều mà người phụ nữ của gia đình nào cũng phải đương đầu thì chị còn phải lo thêm hai bữa lỡ ban ngày và bữa khuya cho mẹ chồng đau ốm phải chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần. Uống sữa thì nhanh và tiện nhưng vì khiến bà dễ tè dầm nên khi thì chị làm bánh trứng xốp, khi thì nướng con tôm, khi thì hấp khúc cá… tất cả phải xé nhỏ, mềm mịn cho bà dễ nuốt mau tiêu. 

Và vì căn bệnh của bà phải nằm một chỗ nên việc vệ sinh thành ra rất mất công. Còn phải lau dọn sao cho căn phòng của người bệnh luôn được thông thoáng sạch sẽ.

Buổi tối, trong khi chị chỉ muốn đặt lưng xuống giường ngủ một giấc dài tới sáng mà không được thì chồng đêm nào cũng bật ti vi dán mắt theo dõi những trận bóng đá trong nước và thế giới, nếu không bóng đá thì anh xuýt xoa với những bộ phim hình sự trinh thám. Anh nói loại phim này giúp người ta suy luận thông minh hơn.

Tam guong loi
Ảnh minh hoạ


Công bằng mà nói, cũng có khi chồng chịu phụ giúp một tay, vì chị cằn nhằn quá hoặc vì chị im lìm chẳng thèm nói năng gì nữa. Nhưng đó cũng là khi chị nhận ra thà anh đừng làm còn hơn. Vì anh đụng tay tới càng khiến chị thêm mệt. Như khi chị đi chợ mà trời đổ mưa, anh đem áo quần phơi trên dây vào nhà và... bỏ chung vào giỏ đồ dơ! Như khi anh đút cháo cho mẹ thì thế nào cũng “em ơi, sao mẹ không chịu nuốt? Hay hôm nay em nấu không vừa miệng mẹ?”. Câu hỏi lồ lộ nguyên nhân là tại chị nấu không ngon chứ chẳng phải tại anh không chịu kiên nhẫn từng chút, rồi thì bà bị sặc, cháo văng khắp mặt mũi bà và cả trên chăn gối...

Ừ, không thể so bì! Cũng chẳng thể giải thích vì sao chị từ một cô gái vụng về mà từ khi trở thành đàn bà thì chị lần lượt biết làm mọi thứ, cả biết thương mẹ chồng như thương mẹ ruột. Mà tại sao chồng vẫn mãi là chàng trai của thuở chưa cưới? Người thông minh hơn lý lẽ là tháng nào anh cũng nộp tiền lương cho chị đầy đủ, còn đòi hỏi gì nữa? Mất ngủ à? Chị bán hàng online, có thể tranh thủ ngủ lúc này lúc khác kia mà. Hơn nữa, chị là đàn bà, việc nửa đêm thức giấc đã quen từ khi sinh nở. Có những việc không thể so bì giữa đàn ông và đàn bà được. 

Vậy là chồng và rồi là cha nhưng anh vẫn cứ là một chàng trai vô tư hậu đậu. 

***

Chị quen với tình cảnh việc gì mình cũng phải cáng đáng và vì quen rồi nên chị chẳng nghĩ ngợi nhiều nữa. Không thể thay đổi thì đành mặc kệ chồng thôi. Chị lấy con làm vui. Hai đứa con hiền ngoan chăm chỉ học hành khiến chị được an ủi nhiều lắm.

Nhưng từ lúc nhận giấy báo con trai đậu đại học thì sự mặc kệ này thành vấn đề. Bởi chị không thể để chồng đưa con về thành phố nhập học, vì trước tiên phải tìm một chỗ trọ an ninh và chủ nhà tốt bụng. Với tính cách của anh thì sao chị yên lòng được.
Nhưng chị vắng nhà thì lấy ai chăm sóc mẹ chồng?

Chị đợi nghe chồng nói “đã có anh ở nhà lo cho mẹ” nhưng chồng chỉ hỏi “em đi thì mẹ tính làm sao?” rồi hỉ hả điện thoại với bạn bè có con cùng thi đợt này, vui vẻ khoe điểm của con mình cao hơn điểm con của người khác bằng giọng rất tự hào. Vậy thôi.
Chị nuốt tiếng thở dài và lục danh bạ điện thoại tìm số của cô hộ lý quen trong bệnh viện để nhờ tới nhà chăm sóc mẹ chồng vài ngày. Không muốn con trai sắp xa nhà chứng kiến cảnh cha mẹ hục hặc, chị nói với chồng như sự việc đương nhiên là phải vậy “em nhờ người lo cho mẹ rồi, anh không phải xin nghỉ phép đâu”.

Chồng nhướng mắt “người đó có đàng hoàng không? Anh đi làm, giao nhà cửa cho người ta rủi xảy chuyện mất mát gì thì anh không biết đâu nghe”.

Chị lại nuốt xuống để khỏi phải tuôn ra câu gay gắt tràn lên ngang cổ, ừ, anh hãy cứ mãi là người không biết gì hết cho khỏe.

***

Chuyến xe về thành phố dài bảy tiếng đồng hồ. Chị ngủ một giấc, mở mắt thấy đầu mình nằm trên vai con trai. À, con trai đã cao hơn mẹ nhiều rồi. Cảm giác mình dựa vào vai con là một cảm giác khó tả. Bỗng hai mẹ con nhìn nhau, không khí nao nao. Có phải vì sắp phải sống xa nhau?

Mấy hôm nay lo sắp xếp mọi chuyện để đưa con đi, mẹ mệt lắm phải không?

Con trai tuổi mười tám thích trêu chọc mẹ mà nay biết nói năng quan tâm kiểu này khiến chị cảm động quá chừng. Chợt chị nhớ ra lâu lắm rồi lâu lắm rồi không còn nghe chồng hỏi “em mệt lắm không?”.

Con trai cầm tay chị, mẹ à, tại sao mẹ không để ba nghỉ phép ở nhà chăm sóc bà nội mà phải nhờ người khác? Hoặc hợp lý là ba đưa con đi còn mẹ ở nhà với bà nội?
Câu hỏi bất ngờ khiến chị giật mình và làm ra vẻ không chú ý bằng cách cúi xuống lục lọi trong túi xách để tránh cái nhìn như dấu hỏi nghi ngại. Ôi, con trai, hỏi như vậy là con đã cảm nhận điều gì đó không ổn về ba? Hay là...

Chị luôn cố gắng che giấu sự bất bình của mình đối với chồng bởi vì chị hiểu hình ảnh người cha mẫu mực quan trọng nhường nào đối với con trai. Nhưng một khi con đã biết thắc mắc…

Trả lời đúng sự thật cũng có nghĩa là chị nói xấu chồng cho con nghe. Mà hành trang cho sinh viên xa nhà không nên là sự vỡ mộng. 

Nhưng chẳng lẽ cứ bao che về sự mẫu mực của một tấm gương lỗi? 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI