Sau lời khen là một cú móc hàm

27/08/2019 - 09:00

PNO - Những từ “nhưng” nối sau câu khen luôn ẩn chứa một cú đấm móc hàm cho những nỗ lực của người bị nghe. Nó mang tính đòi hỏi đến khắt khe. Và nó là hiện thân của những thứ áp đặt phải hoàn hảo.

Con yêu!

Những ngày đầu bước vào năm học mới năm nay đặc biệt hơn vì con chuyển sang lớp mới. Bữa tối quây quần cả nhà, bố rất vui khi nghe con nói về các bạn ở lớp mới đầy hứng khởi.

Cả tuần trước, con ỉu xìu vì lớp cũ của mình bị nhà trường xé ra để rải đều về các lớp mới. Hơn 30 đứa bạn học cùng hồi lớp Bảy đã bị chia vào gần 20 lớp Tám. Con đã rất thiếu niềm tin vào “lũ bạn mới”. Và mãi cho đến hôm nay, sau hơn một tuần vào học, con đã bắt đầu hứng khởi trở lại. Con kể về những người bạn mới của mình. Chỉ có điều, bố hơi không vui khi trong mỗi nhận xét của con về bạn bè đều có thêm một từ “nhưng”.

Các bạn lớp mới tự tin hơn các bạn lớp cũ của con rất nhiều. Nhưng các bạn ấy có vẻ không chào đón người mới.

Bạn A là bạn xinh nhất lớp. Nhưng bạn A có cái mũi tẹt.

Bạn B lớp mới của con cao cực. Nhưng mỗi tội da đen ơi là đen…

Bố hơi không vui một tẹo vì những từ “nhưng” như vậy. Bố ghét những từ “nhưng” kiểu đó. Vì nó giết chết những thứ tuyệt vời trước đó. 

Bạn rất tốt nhưng...

Con đã làm rất tuyệt nhưng...

Chúng ta đã có thời gian tuyệt vời nhưng...

Sau loi khen la mot cu moc ham

Ảnh minh họa

Những từ “nhưng” nối sau câu khen luôn ẩn chứa một cú đấm móc hàm cho những nỗ lực của người bị nghe. Nó mang tính đòi hỏi đến khắt khe. Và nó là hiện thân của những thứ áp đặt phải hoàn hảo. Nó dội cả một gáo nước lạnh vào những niềm vui mới chớm.

Bố thật không thích những từ “nhưng” đó tẹo nào. Thậm chí, bố còn cho rằng từ “nhưng” kiểu đó mang dáng dấp của sự bạo hành. Kiểu nhân danh yêu thương hoặc tệ hơn là sự phủ quyết tưởng êm ái mà lại hóa ra chọc gậy ngang bánh xe!

Có nhiều người rất thích dùng từ “nhưng” này như một cách thể hiện quyền lực, áp đặt và đòi hỏi. Có nhiều người sử dụng từ “nhưng” như một cách thể hiện sự hiểu biết, khả năng phản biện của mình. Và cũng có nhiều người, vô tình, hay cố tình khen trước chê sau. Kiểu sau miếng mồi ngon là con cá chết vậy!

Con yêu, bố bảo này, chúng ta bớt dùng những từ “nhưng” kiểu đó đi được không? Để mỗi lời tích cực ta gieo ra sẽ được tròn trịa hơn, đầy đủ hơn. Để những lời khen ngợi giữ nguyên được giá trị của nó chứ đừng phải gánh thêm màu chỉ trích, tiêu cực, than phiền. Để công nhận một ai đó như những gì họ xứng đáng có được thay vì công nhận nửa vời, khen nửa giọng như vậy.

Ta có thể không dùng từ “nhưng” cho mỗi câu khen được không con yêu?

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI