Sát thương bằng lời

18/11/2019 - 05:20

PNO - Ông bà xưa có câu 'Lời nói, đọi máu'. Sự ví von nghe có vẻ rất nặng nề, nhưng lại vô cùng đúng với thực tế.

Ngoài xã hội, có trăm ngàn câu chuyện minh chứng cho cái sự chỉ vì một lời nói mà con người ta trở nên hận thù, chém giết lẫn nhau. Cũng vì những hậu quả vô cùng nặng nề như thế mà khi ra đường, ai nấy đều cố thận trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, để tránh làm tổn thương và bị làm tổn thương. 

Sat thuong bàng lòi
 

Nhưng hình như có rất nhiều người không bao giờ nghĩ rằng, điều giữ gìn đó cũng phải có và thậm chí cần có nhiều hơn trong gia đình, với người thân yêu của mình. Không dám xúc phạm, mỉa mai, dằn xóc người ngoài, nhưng họ thản nhiên, vô tư trút những cảm xúc tiêu cực lên người thân.

Vì tình thương yêu, vì sự chấp nhận, vì muốn êm ấm, đa phần những người thân ấy sẽ im lặng chịu đựng. Và quả cầu tuyết tổn thương, đau đớn, tức giận cứ từ từ lăn, lớn dần mà người ta không hề biết, cho đến khi nó lao xuống đè sập mái nhà của bạn...

Khi bạn nói một lời đau là bạn giết một tế bào yêu thương trong người thân.

Có một câu chuyện của một người bạn cứ ám ảnh tôi hoài một cách khó giải thích. Khi kể cho tôi nghe, chị vẫn đang sống cùng chồng. Anh là một doanh nhân khá thành đạt, lịch lãm, điển trai.

Nhìn bên ngoài họ có vẻ là một gia đình hạnh phúc, vì anh chăm chút, yêu thương chị. Đặc biệt chị lại từng có gia đình, có một đứa con riêng. Thế nhưng anh bất chấp điều đó, bất chấp sự phản đối của gia đình, cưới chị và đưa cả con trai chị về chung sống, chăm sóc như chính con trai mình.

Chị kể, có lần, khi cả hai đang ở trong phòng ngủ cùng nhau và họ đang trò chuyện rất vui vẻ về gia đình hai bên thì chợt anh nói một câu hết sức đơn giản, khiến chị điếng hồn. Chị chỉ im lặng. “Nhưng khi đó, chị cảm thấy rất rõ ràng là cái linh hồn của chị đang đứng dậy khỏi thân xác, đi ra ban-công và gieo mình từ tầng 4 xuống đất”. 

Sat thuong bàng lòi
Ảnh minh họa

Cái cách mà chị miêu tả sự tổn thương của mình nghe thật khủng khiếp, nó mang ý nghĩa của một sự chết đi, mất đi hẳn một điều gì đó từng rất tốt đẹp giữa hai người. Khi đó, tôi cứ nghĩ rằng chị quá nhạy cảm, rằng chị phóng đại mọi chuyện trong một lúc cảm xúc không thăng bằng mà thôi. Và hình như mọi việc có vẻ như thế thật, khi cuộc hôn nhân của hai người kéo dài được đến 9 năm, dưới một hình thức mà người bên ngoài ai cũng ngưỡng mộ. Họ ly hôn vào năm thứ 10. 

Điều quan trọng là cho đến tận khi ly hôn, anh vẫn không hiểu vì sao chị lại chấp nhất một lời nói đùa của mình đến như thế. Còn chị thì luôn khẳng định với mọi người rằng, chị đã chịu đựng cuộc hôn nhân đó từ năm thứ hai trở đi, sau cái câu anh nói trên giường với chị, rằng anh phát xấu hổ khi bà con dòng họ cười anh là kẻ: “Mua trâu, được nghé. Nhưng thôi, con trâu này cũng được nên ráng chịu đựng con nghé kia”.

“Anh ấy thể hiện rất rõ sự ban ơn, kẻ cả. Đã không công bằng, không thoải mái thì sống với nhau làm gì. Kể từ đó, tôi luôn để ý quan sát, đề phòng anh trong mọi cư xử với tôi và nhất là với con tôi”, chị tâm sự.

Vì sao người ta không thể tránh làm tổn thương nhau? Chị bạn tôi có phải là người quá nhạy cảm hay không? Chắc là không, bởi tôi đã từng gặp không ít người rơi vào những uẩn ức giống chị trong đời sống gia đình.

Thanh Thư là một cô gái khá xinh đẹp và lớn lên trong một gia đình có điều kiện khá tốt. Có nhiều người theo đuổi, nhưng chẳng hiểu vì sao cô lại yêu một chàng họa sĩ lớn hơn cô đến 15 tuổi và nghèo. Bạn bè hay trêu chọc sao Thư không tỉnh táo như cô gái trong bài hát Triệu đóa hoa hồng. Tuy nhiên, về sống với nhau một thời gian, Thư mới nhận ra chồng mình không đủ mạnh mẽ và bản lĩnh để lo cho gia đình.

Tình cảm ngày càng nhạt thì những gì trước kia là ưu điểm của anh giờ lại trở thành cái gai trong mắt mà điển hình là sự gầy guộc, mái tóc nghệ sĩ, những ngón tay dài yếu ớt của anh. Thế là cô cứ xoáy vào đó để trách móc, chê bai kiểu như: “Sao anh ăn bao nhiêu cũng không mập vậy? Mập lên mới phong độ chứ”.

Gần như 2, 3 ngày, cô lại mang điều đó ra để nói. Có lần cùng anh đi đâu đó, một người nhìn không rõ hỏi cô: “Hai cha con đi đâu đấy?”. Cô phá lên cười như điên và luôn mồm kể cho mọi người nghe câu chuyện này để chứng minh rằng anh già, xấu, hom hem quá so với cô.

Sat thuong bàng lòi
Ảnh minh họa

Người chồng càng bị chỉ trích càng stress, càng không thể cố ăn, cố tập tành cho mập, đẹp ra như vợ mình muốn. Anh uống rượu để ngủ, để quên và để đủ can đảm tách khỏi vợ khi cô có lần nói: “Trời ơi, ôm anh giống ôm bộ xương, chẳng có chút cảm hứng nào nữa”.

Kể từ sau câu nói đó, vợ chồng họ đã ngủ riêng, người chồng ôm mền gối ra ngoài phòng khách. Thanh Thư lúc đó biết rằng mình đã quá lời, nhưng không kịp nữa. Một thời gian sau, anh gặp một người phụ nữ không chê anh gầy yếu già cũ, họ đến với nhau cho đến khi Thanh Thư phát hiện và ly hôn.

Mỗi người có một điểm yếu nào đó trong tâm lý của mình. Người thì về tiền bạc, người về gia đình họ hàng, người thì vị trí xã hội, người thì ngoại hình… Chẳng ai giống ai trong cuộc đời này.

Các nhà tâm lý đã đưa ra nhiều bảng liệt kê các câu nói kiểu như: “nếu không vì các con, tôi đã ly hôn với anh lâu rồi”, “sao gia đình anh mọi người giống nhau ghê vậy”, “anh chẳng bằng được những người cũ của em”… Và không thể phủ nhận rằng đó là những câu hết sức quen thuộc mà chúng ta thường nghe ở các gia đình hoặc ngay chính trong gia đình mình.

Điều đáng ngạc nhiên là vì sao những câu nói ấy lại lặp đi lặp lại ở nhiều người? Phải chăng con người kém hiểu biết đến như vậy? Phải chăng điều hết sức quan trọng đầu tiên cần có ở đây là người bạn đời phải tinh tế, nhạy cảm để có thể nhận ra vấn đề của người mình chung sống?

Đúng! Thế nhưng còn nguyên nhân thứ hai nữa, tệ hại hơn, chính là cảm giác thỏa mãn của nhiều người khi được trút sự bực bội, bất mãn của mình lên người khác, nhất là khi người đó có thể chịu đựng mình, thậm chí là biết người đó đau. 

Mỹ Hòa lấy chồng là một bác sĩ trẻ. Chỉ sau khi cưới nhau, cô biết nguyên nhân ly hôn của cha mẹ chồng là do cha anh ngoại tình, cha mẹ cô rất không hài lòng về điều đó. Cô và cả cha mẹ mình cho đó là sự giấu giếm, dối trá của chồng. 

Hận anh về điều đó, suốt 3 năm chung sống, cô luôn bóng gió, xiên xéo hay thậm chí nói thẳng với chồng rằng “cha nào con nấy”. Biết mình có lỗi, anh luôn cố gắng chịu đựng và làm cho vợ dịu đi những khi cô bực bội, nhưng điều đó không làm giảm đi những sự tức tối, coi thường của cô với chồng và gia đình.

Cô dần dần cho rằng mình có quyền được nhắc đi nhắc lại, làm cho chồng đau, để anh thấm cảm giác bị tổn thương của cô, để anh phải trả giá. Và ly hôn, điều mà đến giờ Mỹ Hòa vẫn ân hận, cuối cùng chính là cách để cả hai người họ không trở nên hận thù nhau thật sự.

Thanh Hà

Bạo hành bằng lời nói khiến bạn trai tự tử

Cô gái Hàn Quốc Inyoung You (21 tuổi) đã bị buộc tội ngộ sát sau khi gửi hàng ngàn tin nhắn hối thúc anh Alexander Urtula (22 tuổi) - bạn trai của cô - tự tử, khiến người này đã tự sát ngày 20/5/2019, chỉ vài giờ trước khi diễn ra lễ tốt nghiệp.

Theo lời một luật sư, sau khi mở rộng điều tra, cảnh sát xác định You đã hành hạ bạn trai bằng lời nói, cô lập Urtula khỏi bạn bè cùng gia đình của anh này, khiến Alexander Urtula phải chịu đựng về thể xác và tinh thần trong suốt 18 tháng họ quen nhau. “Việc hành hạ trở nên thường xuyên, nặng nề và tàn nhẫn hơn trong những ngày cuối trước cái chết của Urtula”, vị luật sư cho biết thêm.

Được biết chỉ trong vòng hai tháng trước cái chết của Alexander Urtula, You đã gửi cho bạn trai 47.000 tin nhắn, trong đó có nhiều câu có nội dung như “tự sát đi” hay “chết đi”…

Trước đó, Michelle Carter, một phụ nữ ở Massachusetts (Mỹ), cũng bị kết án vì hối thúc bạn trai tự sát vào tháng 7/2014.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI