Ông đi Tây đã một tháng rồi

19/07/2018 - 09:00

PNO - Lúc bận bịu năm đứa con nhỏ, nghe người ta phong thanh ông có gặp cô bạn học nào ấy trên Sài Gòn, bàn tay bà đã run rẩy chực buông...

Tháng nào trời cũng mưa. Từ rất khuya, bà đã nghe tiếng từng giọt chạm xuống mái tôn nhẹ hẫng. Mưa không lớn nhưng lê thê tựa những người già rỗi chuyện. Ngày nào cũng ngồi với nhau, cũng từng ấy câu chuyện nhưng nếu không gặp thì bứt rứt.

Cái thói quen ở đời đâu phải là thứ dễ bỏ. Nó quyện lẫn thành mùi, thành hương, thành da, thành thịt… như sự sống vậy. Ông với bà đã gần 50 năm quen có nhau rồi còn gì.

Ong di Tay da mot thang roi


Mấy đứa con gái đốc thúc miết, thôi thì, ông nói với bà để ông đi một lần cho biết. Gần đất xa trời, biết bao phen tưởng chạm tay thần chết, giờ sống nay biết nay. Con gái nhiều năm không về, mình rảnh rỗi, đi một chuyến thăm con thăm cháu, cũng là biết Tây biết u, chứ dễ gì đi nổi nữa.

Ừ thì ông cứ đi. Con cái ông bốn, năm đứa xúm xít lo từng viên thuốc, đôi giày, đôi vớ, cái khăn, bà đứng xớ rớ dòm ngó. Đứa út còn đưa ông tờ giấy ghi bằng tiếng Anh dặn dò ở sân bay nếu cần thì đưa cho người ta nhờ giúp đỡ.

Ngày ông đi, bà không tiễn, chỉ nói nhỏ: “Ông đi nhen!”. Nghe nhộn nhạo trong dạ, cái chân đặt trên bậu cửa nhẹ tênh.

Ong di Tay da mot thang roi

Bạn bè hàng xóm có người buồn miệng từng vu vơ hỏi bà “sao bà và ông khác nhau quá vậy?”. Bà chỉ lỏn lẻn cười không trả lời. Đời con người ta, nhìn bên ngoài sao mà tường tận mọi sự được, huống chi có những việc chính người trong cuộc cũng chưa chắc hiểu hết.

Nhiều lần bà hay nói với các con, để chèo chống con thuyền hôn nhân qua chông chênh hãy nghĩ đến cái duyên, cái nợ để hóa giải những lấn cấn lừng khừng, những hoài nghi mông mênh nếu có. Bởi lẽ, không có sự đổ vỡ nào không rát buốt những vết thương, không có sự bắt đầu nào mà không nhọc nhằn vất vả. 

Gần nửa thế kỷ ở cạnh ông, đâu phải không có lúc bà không rã rời mỏi mệt. Ông khác bà quá. Gia đình nội nổi tiếng khá giả nhất vùng, ông được đi học, đàn hay hát giỏi. Cả một đời ông có biết đói lạnh là gì.

Còn bà là chị cả của một bầy em lít nhít cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Một mình gánh vác gia đình, cái tính hay lo, cần kiệm, chịu đựng nó thành máu trong người bà, đụng chan chát với tính hời hợt bốc đồng, hoang phí, ham vui, cả tin của ông.

Nhiều lần, nhất là lúc bế bé út mới tròn tháng trên tay sấp ngửa đến nhà anh em bà con vay mượn chút tiền cứu ông qua khỏi nợ nần do hùn hạp làm ăn bị gạt; lúc bận bịu năm đứa con nhỏ nghe người ta phong thanh ông có gặp cô bạn học nào ấy trên Sài Gòn, bàn tay bà đã run rẩy chực buông.

Ông đi một tháng rồi. Trong ký ức lúc tỏ lúc mờ của bà dường như chưa bao giờ ông bà không ở gần nhau lâu đến vậy. Ly trà sáng tinh sương ngồi uống một mình nghe sao nhàn nhạt. Căn nhà om sòm tiếng ông la mắng con Nị cắn mớ dép cũ hay cái đứa trai trẻ tăng ga vọt qua nhà làm ông giật mình, bây giờ lặng thinh cơ chừng như rộng hơn thì phải.

Lọ mọ vào bếp bắc nồi cơm, nấu tô canh ra ngồi ngẩn ngơ. Hóa ra, ở một mình không hề dễ như mình lầm tưởng. Các con đứa nào cũng có gia đình riêng, có bận tâm riêng. Thế giới của chúng, bà chỉ có thể đứng ngoài nhìn vào đầy yêu thương chứ không thể ngồi cùng được.

Ong di Tay da mot thang roi
Nghe phong thanh ông có gặp cô bạn học nào ấy trên Sài Gòn, bàn tay bà đã run rẩy chực buông. Hình minh họa.

Bần thần trước ngày giỗ ông bà thưa dần con cháu, chỉ có ông khẽ lay nhẹ tay bà. Ngơ ngác trước đám dừa xanh um bị chém ngang ngã gục tức tưởi, cho vòng xoay công viên mọc lên, cũng chỉ có ông khẽ lắc đầu với bà. Thức dậy khi trời hãy còn mờ sương, lên giường khi mới nhá nhem, nghe vài bài đờn ca tài tử cũng chỉ có ông cùng bà. 

Ông đi một tháng rồi! Chắc do khói bốc lên từ tô canh nóng, bà cảm thấy khóe mắt cay cay… 

 Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI