Ở thành phố giống như bị giam lỏng

27/05/2019 - 06:00

PNO - Hàng xóm ở quê gọi vào, trò chuyện xong, bà nhớ quê thẫn thờ rồi bỏ cơm. Con trai vội chặn ngay số điện thoại họ. Tim bà bị bóp nghẹt lần nữa.

Bà thấy mình lạc lõng, ngột ngạt khi sống ở thành phố. Gì đâu mà, suốt ngày cửa đóng then cài. Thỉnh thoảng, bà muốn đội nón lang thang, hưởng chút gió trời, thì các con sợ mẹ lạc đường, nên bà muốn đi cũng đành chịu.

“Mẹ muốn đi đâu thì lên xe con chở. Honda cũng được, hay đi ô tô, tùy mẹ”. Bà chỉ muốn đi bộ, dùng đôi chân để chủ động dừng ngắm những nơi bà muốn. Ở thành phố, bà thấy sao bà giống người bị… giam lỏng quá. Bà đòi về quê.

Con trai không chịu. Nó bảo thành phố tiện nghi hơn. Nhà ở gần bệnh viện lớn, mẹ có gì trở tay dễ dàng, chớ như ở quê, nhà miệt trung du, cái bệnh viện huyện chưa làm nó tin tưởng.  

O thanh pho giong nhu bi giam long
Bà thấy như bị giam lỏng. Ảnh minh họa

Bà thì, già rồi chết có sao đâu, đâu nhất thiết phải chọn sống gần bệnh viện? Ở mà giam lỏng thì còn hơn tệ hơn cái chết. Bà suốt ngày cứ tơ tưởng về quê hương. Con trai bực quá, đòi bán nhà để mẹ từ bỏ suy nghĩ về quê sống tuổi già.

Bà “đứng hình” khi nghe quyết định của con trai. Bà nói kiểu gì, nó cũng không thay đổi. Hôm con trai bay về quê làm thủ tục bán nhà, bà như đứt từng khúc ruột. Ngôi nhà 40 năm gắn bó, nói bán sao nghe như trở bàn tay vậy? Mà nó thị giàu, bán đổ bán tháo, bán sạch sành sanh những vật dụng mà bà trân giữ từ ngày mới về nhà chồng, cách đây 40 năm.

Nó bảo rút mấy chân nhang vào thờ tự, vì ở đâu cũng có thể thờ cúng ông bà. Nó biết bà lấn cấn chuyện giỗ quẩy, thờ cúng, nên còn lần lữa không chịu rời quê. Bây giờ, “cõng” nhang khói theo cùng, hẳn bà yên tâm vui sống với con cháu quãng đời còn lại.

Con trai muốn bà an yên tuổi già nơi thành phố hiện đại và tiện nghi. Nhưng, điều đó có vẻ hợp với bọn trẻ hơn. Hiện đại và tiện nghi, với bà để làm gì nữa? Bà chỉ muốn mỗi ngày được đi trên con đường làng rợp bóng mát, hằn dấu chân của những người dân làng mình. Bà muốn được chạm vào những ngóc ngách trong nhà, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm.

Nhà đã bán. Than thở cũng chẳng ý nghĩa gì, mắc công bị con cái cho là già trở tính trở nết, sung sướng không chịu, cứ đòi về quê lam lũ. Mà bà còn khỏe, ở quê một mình nhưng chưa từng làm phiền hàng xóm, cháu con. Phải chi nó đợi bà nhắm mắt xuôi tay thì bán hay làm gì tùy thích.

O thanh pho giong nhu bi giam long
Con trai ích kỷ chặn điện thoại hàng xóm gọi cho mẹ. Ảnh minh họa

Bây giờ, bà tập cách chấp nhận mình không còn nhà ở quê nữa. Muốn về quê thì chỉ có thể tá túc bà con xóm giềng. Mà chắc gì con trai đã cho bà về. “Ở ngoải còn gì để má về?”, nói kiểu cạn tình cạn nghĩa thế, bà đành chịu.

Vài người hàng xóm nghĩa tình, thỉnh thoảng gọi vào thăm bà, thì y như rằng, bữa đó bà bỏ cơm. Con trai chặn luôn điện thoại của người ta, vì nghĩ họ làm mẹ buồn. Thật ra, hàng xóm láng giềng, chính là nguồn động lực sau cùng của đời bà. Bỏ một bữa cơm vì nhớ quê nhà, có gì sai đâu? Chặn điện thoại của họ, xem như bót nghẹt tim bà lần nữa! Con trai, tại sao ích kỷ với mẹ thế?

                                                                                              ​Ái Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI