Nọc độc mạng xã hội giết chết một người như thế nào?

19/10/2019 - 18:00

PNO - Thực ra người ấy đã chết trước khi có hành động tự tử. Sự trống rỗng, bơ vơ, bế tắc khiến họ cảm thấy cuộc sống này không còn chỗ cho họ. Và thật may mắn với ai nhận được sự giúp đỡ chân thành, đúng lúc.

Sự ra đi của nữ diễn viên - ca sĩ Sulli ở xứ Hàn xa xôi, nhưng những người hâm mộ ở nhiều nước trên thế giới vẫn chạm được mất mát ấy. Theo kết quả điều tra ban đầu, bằng sợi dây treo cổ, ngôi sao Sulli xinh đẹp, tài năng đã tự rời bỏ thế giới ở tuổi hai mươi lăm. 

Noc doc mang xa hoi giet chet mot nguoi nhu the nao?
Sulli đã chọn cái chết để giải thoát khỏi những thị phi

Tự rời bỏ thế giới, hay chính thế giới vô tâm và không ngừng cay nghiệt đã khước từ Sulli? “Ngu xuẩn”, “vô học”, “thác loạn”, “bệnh hoạn”… những bình luận “khẩu xà” trên mạng xã hội ném về Sulli mong manh suốt thời gian dài, khiến cô không còn sức để mà “kiệt sức” như từng chia sẻ trên sóng truyền hình.

Sulli đã có buổi phát trực tiếp trên trang cá nhân trong nước mắt và chỉ có nước mắt, không một lời nói nào. Và vì thế mà thông điệp nhắn gửi đến thế giới là thăm thẳm, vô cùng tận. 

Nếu vì muốn góp ý xây dựng cho ngôi sao hoàn hảo hơn, lung linh hơn, thì cư dân mạng và khán giả đã không can thiệp vào đời sống riêng tư của họ, và dùng những lời lẽ nặng nề, cay nghiệt đến thế. Hay họ muốn dành cho ngôi sao nhiều nghịch cảnh, thử thách để cô cứng cáp hơn, bởi cô được xem có nhiều may mắn, thuận lợi, sớm đạt đỉnh cao danh vọng? 

Mỗi người có độ chịu đựng khác nhau, không thể đo độ chịu đựng ấy bằng cách ném đá cho đến khi đối tượng gục ngã, mới buông tha cho họ. Chưa kể mỗi người trong từng thời điểm, có những “sụt lún” về tinh thần, khó gượng dậy hoặc đang phải chống chọi với nhiều bệnh lý khó tỏ cùng ai. 

Noc doc mang xa hoi giet chet mot nguoi nhu the nao?
Ảnh minh hoạ

Một bác sĩ nghiên cứu về người tự tử đã nhận định rằng, thực ra người ấy đã chết trước khi có hành động tự tử. Sự trống rỗng, bơ vơ, bế tắc khiến họ cảm thấy cuộc sống này không còn chỗ dành cho họ. Và thật may mắn với ai nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ chân thành, sâu sắc, đúng lúc.

Không hiếm trên các mạng xã hội, người ta tranh nhau nói những câu càng gây đau lòng càng tốt. Một người mẹ khổ sở đăng hình rao tìm con gái (nghi bị một người đàn ông nghiện ma túy dụ dỗ đi theo cùng), bên cạnh những chia sẻ có tính chất đồng cảm, mong người mẹ sớm tìm gặp con, có những cư dân mạng tha hồ “khè nọc độc”:

“Con này mặt đĩ thế, nó không dụ người ta thôi, ai dụ được nó”, “Con này coi mặt giống con nhỏ mới phục vụ tao trong khách sạn”, “Mẹ ngu không biết dạy con, giờ kêu ai?”, “Nó giờ nghiện nặng còn hơn thằng kia, thôi kiếm gì, cứ ngồi chờ người ta gửi về tấm hình”… cùng hàng loạt bình luận hăng máu, tục tĩu không tiện viết ra.

Đâu đó có vài chống đối yếu ớt kiểu “không giúp người ta thì thôi, nói chi lời đau lòng!”. Trên mạng thật giả khó lường, tôi mong cho người mẹ đăng tìm con kia chỉ là một chiêu giả tạo để câu view, chứ nếu là sự thật thì đau lắm! 

Với những vụ việc mới đăng trên phương tiện truyền thông hoặc chia sẻ trên mạng xã hội, công an chưa vào cuộc, tòa án chưa phán quyết, mà cư dân mạng đã đùng đùng dậy sóng muốn dìm chết đối tượng bằng những lời nhục mạ, châm chọc, hoặc chọn sẵn cho họ hình thức… đi chết. Sự nhân ái, bao dung lạc điệu trong tiếng gầm gào đáng sợ đó.

Sao không thử đem chính mình ra để hứng chịu những loạt ném đá ấy, thử hình dung mức độ sát thương và cân nhắc thật kỹ khi nhắm đến người. Những lời “khẩu xà” đó, ngay từ khi chưa phát ngôn, đáng lẽ đã làm người nói “bỏng lưỡi”. 

Noc doc mang xa hoi giet chet mot nguoi nhu the nao?
Ảnh minh họa

Anh Minh Khoa kể một “tai nạn” trong “nghề like dạo” của mình. Một hôm anh đang tất bật đưa con đi học thì vợ réo điện thoại. Anh tắt, vợ vẫn gọi tiếp. Vợ nhắn tin báo khẩn rằng, anh mau vào Facebook để chỉnh sửa một bình luận cho bài viết của chị đồng nghiệp đăng cáo phó của mẹ chị ấy.

Bình luận nguyên văn của anh là “cầu mong bác sớm siêu thoát” và kèm theo biểu tượng… mặt cười toét đến mang tai. Chị đồng nghiệp giận sôi gan khi thấy biểu tượng này. Với bản tính nóng nảy, chị đồng nghiệp chụp hình đưa lên Facebook và hỏi: “Tôi có làm điều gì mà mấy người lại xử ác với tôi như thế, ngay trong lúc này? Mấy người có não không? Mấy người còn là người nữa không?”.

Nghe vợ báo, anh vội tháo dỡ và xin lỗi do mắt kém, anh sơ ý bấm nhầm. Chị đồng nghiệp cũng hối hận với hành động nông nổi của mình đối với anh, gây ra cuộc chiến không đáng có.

“Chỉ là bấm nhầm thôi, tôi cũng đã rất buồn và tiếc khi để tổn thương cho người khác. Sợ lắm những người cố ý chửi rủa, chỉ trích, chê bai, mắng mỏ người khác (quan chức, nhân vật đăng trên báo, người nổi tiếng, người quen biết…) như thể đó là một trò tiêu khiển. “Khẩu xà” riết quen và ngày càng tăng đô. Hậu quả sẽ chia đều cho cả hai: không chỉ hại chết người ta cùng gia đình họ bị liên lụy, mà bản thân mình cũng dính… nọc độc” - anh Khoa lắc đầu ngao ngán. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI