Nhóc nhà mình có thể thay đổi thế giới

08/08/2019 - 09:30

PNO - Phụ huynh thường cho rằng trẻ còn tuổi ăn học không thể là tác nhân của bất cứ sự thay đổi nào, nói gì đến thay đổi thế giới. Đứa có thể tự học bài, cắm điện nồi cơm, đạp xe đến trường… đã tốt lắm rồi.

Tuổi nhỏ vẫn là “siêu anh hùng”

Nhưng với tinh thần “Con có thể!”, trẻ tham gia phong trào DFC (phong trào trẻ em lớn nhất thế giới Design for Change) hoàn toàn tự tin về khả năng “kiến tạo để thay đổi” của mình và truyền cảm hứng cho người khác, cho cộng đồng, xã hội.

Tranh tài sôi nổi tại ngày hội Trẻ em DFC Việt Nam cuối tháng 7/2019 do TOMATO Education tổ chức, các em nhỏ đến từ nhóm New Stars, Dalat Kids với dự án mang tên “Bữa trưa văn minh”, “Cùng con tâm sự” được chọn đại diện Việt Nam tham gia ngày hội Trẻ em thế giới tại Ý vào tháng 11 sắp tới. 

Dù không được chọn ra đấu trường thế giới nhưng các dự án về phân loại rác thải, bảo vệ môi trường (nhóm Voi Rừng), tặng sách - cho đi hạnh phúc (nhóm Hạt giống hạnh phúc), dự án chống xâm hại tình dục (nhóm Million) vẫn thể hiện xuất sắc và tạo những hiệu ứng lan tỏa tích cực. Công cụ để xây dựng các dự án là phương pháp tư duy kiến tạo (Design Thinking). Phương pháp tư duy này gồm bốn bước giúp các em giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là Feel - Imagine - Do - Share (đồng cảm - hình dung - thực hiện - chia sẻ). 

Nhoc nha minh co the thay doi the gioi
Nhóm Dalat Kids với vở kịch câm cảm động Cùng con tâm sự - cận cảnh cuộc sống cô độc, thiếu thốn của người già

Ở lứa tuổi vô tư hồn nhiên, liệu trẻ có thể trăn trở, thổn thức, đồng cảm, thể hiện lòng trắc ẩn trước một hiện tượng, một vấn đề xã hội và chọn đấy là đề tài của dự án, cũng là một tâm huyết của mình trong cuộc sống? 

Thực ra, điều bất ổn tiềm ẩn chính là trẻ thấy mọi vấn đề đều… đang ổn: gia đình ổn, lớp học ổn, đường phố ổn, thế giới ổn. Hoặc trẻ cắm mặt vào thiết bị điện tử, không chịu nhìn quanh, bàng quan với tất cả. 

Nếu quan sát và thấu cảm, trẻ sẽ bất bình, bức xúc và muốn chính mình là tác nhân thay đổi. Làm sao để mẹ của mình không bị ho nữa, làm sao để không còn cảnh người ăn xin đầy rẫy đường phố, làm sao để không còn bạo lực, làm sao để người lớn và cả trẻ em hết văng tục, làm sao để không còn cảnh bóng bay rợp sân trường ngày khai giảng (vốn lãng phí và trở thành rác không phân hủy, nguy hại cho môi trường)…?

Đề tài từ “cái đầu nóng”

Hầu hết các bạn nhỏ trong nhóm Dalat Kids đều có ông bà cao tuổi, các bạn thường hỏi han, chuyện trò, quan tâm chăm sóc nên hiểu được phần nào tâm tư, mong muốn của ông bà. Một bức tranh giàu tính nhân văn các em dựng lên để chia sẻ với cộng đồng rằng người già là đối tượng cô đơn và rất dễ tổn thương, nhất là trong thời đại 4.0, con cháu mải làm, mải chơi. Thông điệp gửi đến người trẻ và xã hội là hãy hỗ trợ cho người già làm kinh tế vừa sức, chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến đời sống tinh thần, trân trọng và yêu thương. 

Đau đáu từ những bữa ăn thừa mứa, lãng phí trong khi vẫn còn nhiều người bữa đói bữa no, thậm chí chết vì đói, nhóm New Stars đã thực hiện dự án “Bữa trưa văn minh” để gửi đi thông điệp tiết kiệm và san sẻ. 

Nhoc nha minh co the thay doi the gioi
Các nhóm trẻ hào hứng, tự tin tham gia, tương tác cùng nhau với tinh thần "Con có thể!"

Trong hội trường lớn diễn ra ngày hội DFC Việt Nam, các thành viên nhóm đã khuấy động bầu không khí bằng cách bắt giọng cho tất cả phụ huynh, bạn nhỏ đồng ca bài Đừng để phí thức ăn: “Bạn hãy ăn đi ăn đi ăn đi đừng bỏ phí yeah yeah… Nếu mà không ăn hết suất này thì hãy bớt đi cho ít hơn nào… Mình hãy ăn hết thức ăn đi vì người nghèo đang rất đói. Hãy biết ơn hạt ngọc trời vì đã cho chúng ta những bữa ăn thật là no và thật là ngon”. 

Động lực của sự đổi thay còn đến từ những thông tin nhóm thu thập được là Việt Nam đứng thứ hai về lãng phí thực phẩm, trong cuộc khảo sát năm 2018 được tiến hành tại 8 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Mỗi năm trên thế giới có tới 1,3 tỷ tấn thức ăn thừa bị bỏ đi, trong khi lượng thức ăn này có thể nuôi sống cả ba châu lục như châu Phi, châu Âu và châu Mỹ. 

Các bạn nhỏ thực hiện dự án bằng nhiều hình thức: vẽ tranh cổ động, mở trang fanpage, kênh YouTube, viết thư tay đến các công sở, doanh nghiệp và trực tiếp vận động trong gia đình, trường học, khu phố, siêu thị, đường phố… 

Người hưởng lợi của các dự án đầu tiên là chính các nhà kiến tạo dự án, giúp các bạn xây dựng thói quen tốt: quý trọng thức ăn, yêu kính người lớn tuổi, yêu quý sách, bảo vệ môi trường, có ý thức tự bảo vệ và rèn luyện được nhiều kỹ năng, sống trách nhiệm. Điều tốt đẹp lay động và lan tỏa sang những người thân trong gia đình, cô giáo, bạn bè… 

Và sự lan tỏa này có khi vấp phải thái độ phản đối hoặc thờ ơ thử thách bản lĩnh và lòng kiên nhẫn của người đi vận động. Ví dụ khi nhà trường phát động ngày hội tái chế rác thải, cô giáo lại đi mua ống hút mới để cắt tỉa thành bông hoa hay mua bọc ni-lông mới để thiết kế cho các bạn thi biểu diễn thời trang, “các siêu anh hùng nhí” của mình thỏa hiệp hay mạnh mẽ phản bác và thuyết phục cô giáo đổi cách thức khác cho thực chất, hiệu quả?

Chị Phạm Hoàn Mỹ (phụ huynh của bé tham gia ngày hội DFC năm 2018) cho rằng: “Nhiều phụ huynh nghĩ con mình còn nhỏ, chưa làm được gì hữu ích. Để cho con độc lập không phải dễ vì lắm khi mình không có thời gian để chờ và lực cản lớn nhất là không tin vào khả năng của con. Con tự cầm dao cắt thức ăn phụ huynh đã lo ngại, sợ con gặp nguy hiểm, nói gì đến việc con tự làm dự án vất vả, khó nhọc, phải ra đường tiếp xúc với người lạ. Phong trào DFC không chỉ cho một môi trường để trẻ thay đổi tích cực mà còn tác động đến phụ huynh. Chúng tôi thực sự đã nhận rất nhiều”. 

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương - người sáng lập TOMATO Education, nơi đại diện tại Việt Nam của DFC chia sẻ: “Ngày hội không chỉ là cơ hội để các bạn nhỏ cất lên tiếng nói của bản thân, thể hiện ước mơ, dám mạnh dạn bắt tay thực hiện các dự án thay đổi cộng đồng xung quanh mình mà còn là dịp để phụ huynh lắng nghe những tiếng nói của các con, để hiểu thêm về những ước mơ, những điều các con ấp ủ, từ đó mạnh dạn trao niềm tin và tiếp sức cho các con trên hành trình trở thành những người tự lập, biết chung tay góp sức cho những vấn đề của cộng đồng. Với DFC, chúng tôi tin rằng mọi trẻ em đều có thể làm được với điều kiện người lớn chúng ta dám mạnh dạn trao cho các em niềm tin, sự tôn trọng, sự trợ lực và dẫn dắt cần thiết trong cách giáo dục, cách nuôi dạy của mình”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI