Người giúp việc tối nào cũng khóc

31/05/2019 - 16:30

PNO - Nghe lời ngon ngọt, mang tiền dành dụm ra chơi hụi, cho vay cho góp gì đó. Ai ngờ bị mất trắng, lại còn mắc nợ. Chị một mình loay hoay không lối thoát nên lên thành phố đi giúp việc.

Chị Tý về nhà tôi khi người giúp việc cũ bỏ về quê mà chẳng báo trước. Tôi xất bất xang bang, đánh liều ra trung tâm giới thiệu việc làm, chấp nhận trả phí môi giới cao để thuê tạm một người đỡ đần.

Tôi gặp chị ngồi với cái giỏ xách nhỏ xíu, cười ngượng nghịu khi tôi hỏi han vài câu. “Chị kẹt tiền nên để chồng con ở quê, lên đây đi làm. Nếu em không chê thì chị sẽ làm tiếp cho em”. Đơn giản thế thôi mà thành có duyên với nhau.

Chị thật và “khờ” quá. Đó là nhận xét của riêng tôi, sau vài lần trò chuyện và để ý cử chỉ của chị. Hơn mười năm có người giúp việc trong nhà đủ để tôi tin mình phán đoán đúng. 

Học hết lớp Bảy, chị từ Bắc vào Sài Gòn, gặp chồng ở đây, lấy nhau xong thì về miền Tây làm dâu. Anh hiền nhưng hay nhậu, ham bạn bè, kinh tế gia đình mặc vợ gánh vác. Sáng, chị bán hủ tíu trước nhà, chiều cắt cỏ nuôi mấy con bò. Tất tả cơm nước, đưa đón con, quên cả bản thân nhưng ít ai ghi nhận. Nhà còn cha mẹ chồng, thêm gia đình em chồng sống gần đó, rất hay “góp ý”.

Năm rồi, chị nghe lời ngon ngọt, mang tiền dành dụm ra chơi hụi, cho vay cho góp gì đó, chỉ mong kiếm thêm mấy đồng đắp đổi nuôi con. Ai ngờ bị mất trắng, lại còn mắc nợ. Chị một mình loay hoay không lối thoát nên lên thành phố đi giúp việc.

Nguoi giup viec toi nao cung khoc
Ảnh minh hoạ

Chị đúng mẫu giúp việc nhà mà bao gia đình ao ước, siêng năng, không nề hà gì. Ai làm gì chị cũng giành lấy, nhanh nhẹn, gọn gàng. Thời bây giờ, hiếm có ai lăn xả làm việc mà chẳng cần đợi nhắc như vậy. Tôi nói gì, dặn gì, chị cũng “dạ”. Sửa chị vài lần không được, tôi đành miễn cưỡng để người lớn hơn mình một giáp giao tiếp kiểu vậy.

Nhìn chị, tôi tự dưng nhớ những người từng giúp việc nhà mình. Họ chỉ sợ thiệt thòi, vất vả. Họ chê bai từng món ăn, so đo từng chút một, hở ra là cắm cúi vào cái điện thoại.

Còn chị, điện thoại phổ thông cũng không biết xài. Ăn uống giữ kẽ, mời mãi chị cũng chỉ “dạ”. Tôi nhìn mấy bộ đồ của chị mà thương, loại vải bông rẻ tiền, khoác lên người đàn bà dư cân. Móng tay móng chân úa vàng, nứt nẻ, đôi dép dưới chân cũ mòn, thảm vô cùng. Đầu tóc chị nhìn khá buồn cười, chính là do tự cắt.

“Chị quen rồi em à, ở nhà cái gì cũng dành dụm cho con. Mình già rồi, có gì quan trọng nữa đâu”. Tôi chẳng nỡ bảo với chị rằng, từng tuổi đó, phụ nữ hằng ngày mặc váy, thoa son, xức nước hoa thơm phức, chạy xe tay ga đi làm, chiều về hát karaoke hoặc cà phê. Đành rằng mỗi người mỗi số phận, nhưng vẫn không tránh được cảm giác xót xa. Phải chăng đàn bà coi hy sinh là lẽ sống?

Buổi tối rảnh rỗi, chị đi bộ lòng vòng trong xóm, nhưng thực ra để tránh cảnh khóc vì buồn nhớ con trong nhà tôi. Có hôm, tôi gặp hàng xóm, nghe khen rằng chị Tý hiền, lại siêng. Thấy ngày nào cũng quét sân sạch bong, lau nhà hai lần. Hỏi chị làm ở đây có vui không, chị rơm rớm nước mắt, bảo nhớ con quá chừng…

Con gái út của chị nhỏ hơn con tôi hai tuổi. Chừng tuổi ấy, con bé hằng ngày đã biết phụ mẹ rửa chén, quét nhà. Còn con tôi, giờ này ăn cơm vẫn còn nhờ mẹ gỡ cá. Tôi ngại ngùng nhờ chị hướng dẫn hai nhóc nhà tôi vài việc đơn giản, để chúng đừng ỷ lại, ngồi một chỗ hoài. Tôi cũng biết, chị sẽ không ở lâu dài tại nhà mình. Người đàn bà có gia đình, thương con và lo lắng cho nhà chồng như thế, sao có thể đành đoạn dứt áo đi lâu được.

Muốn khuyên chị rằng, mai này về thì cũng nên biết thương mình nhiều hơn một chút, nhưng rồi tôi lại băn khoăn. Lỡ đâu chị chẳng hiểu hết ý mình... 

Lưu Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI