Người ấy bước vào cuộc đời tôi, bất ngờ như một phép mầu

20/11/2019 - 13:08

PNO - Giờ đây, thỉnh thoảng soi gương, tôi lại bật cười. Khó ai ngờ một đứa bé bị cha bỏ rơi, mẹ vất vả nghèo khó, lại có thể trở thành tầng lớp “tinh anh” trong xã hội.

Đối với tôi, hình ảnh về người thầy luôn rạng ngời và đẹp đẽ. Nhiều lần đọc báo, nhìn thấy những vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục, tôi lại thở dài: “Phải chăng thời cuộc đổi thay, nhân phẩm và đạo đức nghề giáo theo đó mà biến chất?”.

Nguoi ay buoc vao cuoc doi toi, bat ngo nhu mot phep mau
Ảnh: Internet

Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, một năm chỉ có hai mùa mưa và nắng. Bọn trẻ con lớn lên, đều bỏ quê mà đi, đứa Nam tiến, đứa xuất ngoại, loanh quanh các nước Malaysia, Indonesia, cũng có đứa sang tận nửa vòng trái đất tìm kiếm cơ hội đổi đời. Tôi cũng thế, tưởng như phải bỏ học giữa chừng, theo chúng bạn xuất khẩu lao động. Thế nhưng, số phận lại đưa đẩy tôi theo một con đường khác, cho tôi được gặp thầy vào thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời. 

Năm lớp 12, gia đình tôi xảy ra biến cố lớn. Cha tôi bán nhà, chạy theo người đàn bà khác, bỏ lại ba mẹ con tôi không chốn dung thân. Mẹ buộc phải dắt díu hai anh em tôi về bên ngoại, và chính ở đây tôi đã gặp được thầy - cứu tinh cuộc đời mình. Đôi lúc ngẫm lại, tôi lại thấy đúng là duyên phận.

Ba mẹ con tôi về xin ở đậu trong căn nhà bỏ không của một gia đình đã di dân. Người họ hàng xa của gia đình ấy chỉ yêu cầu chúng tôi phải chăm sóc nhà cửa, vườn tược mà không hề lấy đồng nào. Tôi ngằn ngặt đòi nghỉ học đi làm công nhân, nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý. Vậy là, tôi cực chẳng đã, phải đến trường mà chẳng thiết tha gì với việc học, chỉ mong lớp 12 qua thật nhanh. 

Rồi thầy bước vào cuộc đời tôi, nhẹ nhàng và bất ngờ như một phép mầu. Sau lễ khai giảng một tuần, trường chúng tôi tiếp nhận một tiến sĩ hóa học - Việt kiều Mỹ về làm giáo viên. Tôi bĩu môi, có người điên mới về đây dạy học. Không may thay, “cái người điên ấy” cũng là giáo viên chủ nhiệm mới của lớp chúng tôi.

Tiết học đầu tiên, chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn người đàn ông đứng tuổi, mái tóc hoa râm mặc đồ vest đến lớp học. Nhưng rất nhanh sau đó, chúng tôi bị cuốn hút bởi phương pháp giảng bài cực kỳ dễ hiểu, đặc biệt là tính cách hài hước của thầy. 

Nguoi ay buoc vao cuoc doi toi, bat ngo nhu mot phep mau
Ảnh: Internet

Là giáo viên chủ nhiệm, thầy âm thầm tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, nói chuyện với từng đứa. Và tôi, đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của mình sau một buổi chiều đầu đông se lạnh. Ấm áp và gần gũi, ánh mắt thầy không hề có một chút thương hại hay ái ngại cho hoàn cảnh của tôi. 

Thầy bảo: “Em à, nghịch cảnh chưa bao giờ có thể quật ngã được những con người dũng cảm. Cuộc sống cũng giống như môi trường có độ pH chuẩn, và chính em sẽ là người biến nó thành a-xít hay bazơ. Màu sắc của nó cũng là do em lựa chọn những hợp chất để đưa vào. Thầy hay cha mẹ em không thể quyết định thay em con đường mà em sẽ phải đi. Em là một học sinh có năng lực. Tiền quan trọng nhưng cách em kiếm được tiền còn quan trọng hơn. Chàng trai trẻ ạ, thầy hy vọng em có thể nhìn thấy những thứ tốt đẹp hơn ở ngoài kia; mặt trời chưa bao giờ ngừng mọc. Những ngày mưa chỉ tạm thời che đi sự rực rỡ của nó, qua hết mùa giông bão, ngày nắng lại đến”. 

Sau buổi nói chuyện, thầy tặng tôi bộ sách Những kỳ vọng lớn lao của Charles Dickens. Hóa ra, con người ta phải trải qua nhiều chông gai, những ngày tháng lầy lội và ảm đạm mới có thể trưởng thành và mạnh mẽ. 

Tôi lao vào học hành với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy, từ học phí, sách vở đến những đêm thức khuya miệt mài cùng tôi ôn luyện. Kết quả cho sự nỗ lực cộng với hỗ trợ của thầy, tôi thành công, trở thành du học sinh tại một trường đại học có tiếng tại Hoa Kỳ. Bốn năm nơi đất khách, thầy vẫn tiếp tục dõi theo bước chân tôi, lắng nghe và chia sẻ những vấp váp, khó khăn của tôi. 

Giờ đây, thỉnh thoảng soi gương, nhìn người đàn ông trẻ tự tin, đĩnh đạc, tôi lại bật cười. Khó ai ngờ được một thằng nhóc bị cha bỏ rơi, mẹ vất vả làm giúp việc cho nhà người ta để kiếm sống, lại có thể trở thành tầng lớp “tinh anh” trong xã hội. 

Trong thâm tâm, tôi luôn cám ơn thầy, cám ơn người cha đã dạy tôi làm người, sống một cuộc đời đáng sống, không lãng phí những năm tháng đẹp đẽ, tràn đầy ước mơ tuổi thanh xuân. 

Thạch Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI