Nếu mẹ không còn miếng đất, con cái có thèm ngó ngàng?

24/09/2019 - 05:33

PNO - Vì câu nói: “Tụi bây chăm tao ít tháng nữa, khi tao chết thì có miếng đất ở ngoại ô” mà anh em trong nhà tranh giành nhau từng mét một.

Vì câu nói: “Tụi bây chăm tao vài tháng nữa, khi tao chết thì có miếng đất ở ngoại ô” mà anh em trong nhà tranh giành nhau từng mét.

Bà nội sinh ra ba tôi, sau đó lại bỏ lại ba, cô và các chú cho ông nội tôi nuôi nấng. Bây giờ, bà đột nhiên thường tới thăm nhà tôi với ý định là mong được ba tôi chăm lo tuổi già, kèm theo lời hứa hẹn mảnh đất vùng ngoại ô sẽ dành cho con cháu sau khi bà mất.

Theo lời kể của mẹ thì ngày xưa khi sinh ra ba, chú và các cô, bà tôi bỏ ông nội và các con rồi đi xứ khác theo một người đàn ông giàu hơn. Ông nội tôi một thân một mình nuôi mấy đứa con thơ, ông không hề trách cứ, dẫu cho thời kì sau chiến tranh phải ăn bo bo thay cơm, ngày đêm lầm lũi, cực khổ.

Ba và chú tôi mỗi ngày phải đào trùn, câu cá làm bữa cơm qua ngày. Nhờ trời thương mà sau này cả gia đình cũng khá giả, rồi các con lấy vợ, lấy chồng, đẻ cháu, chung sống hoà thuận với nhau. Ông cũng gặp được người chăm lo, thủ thỉ tuổi già mà bây giờ tôi vẫn gọi bà là bà nội thứ. Nhưng ông chưa tận hưởng niềm vui bao lâu, chưa được con cháu báo hiếu, đền đáp công ơn sinh thành thì qua đời.

Neu me khong con mieng dat, con cai co them ngo ngang?
Ảnh minh hoạ

Bẵng đi một thời gian dài, ngót nghét cũng vài chục năm, thì bà nội lại trở về thăm nhà, và đó là lúc tôi mới biết mình cũng có bà nội. Theo chia sẻ thì hiện tại bà đang sống trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô với người con trai của chồng sau. Vì nhớ con, nhớ cháu mà bà tới thăm. Tôi tự hỏi bà nhớ gì chúng tôi khi từ ngày cháu sinh ra chưa một lần được nhìn bà, bà còn chưa biết mặt mũi cháu như thế nào. Hay vì người con trai ấy rượu chè bê bét mà bà lấy lí do để tìm một nơi khác yên bình hơn.

Tần suất bà ghé thăm nhà ngày càng nhiều, và bất ngờ là hai tháng sau kể từ lần đầu gặp mặt, tôi vô tình nghe lén được câu chuyện mà bà nói với ba mẹ tôi. Bà đề nghị sẽ dọn về đây sống vì hương khói cho ông tôi, vì nhớ cháu, vì nhà bà xa nên qua lại ko tiện, vì ba mẹ tôi làm con phải hiếu thảo với bố mẹ khi về già, quan trọng hơn hết là câu nói: “Tụi bây chăm tao ít tháng nữa khi tao chết thì có miếng đất ở ngoại ô”.

Lời “ngã giá” quá hời này làm người con trai sau của bà và các cô, chú của tôi lo lắng. Họ sợ rằng ba mẹ tôi sẽ đường đường chính chính thừa hưởng miếng đất mà bà hứa hẹn. Mỗi lần bà ghé lên nhà, người con trai của bà cũng bỏ công, bỏ việc dưới quê chạy lên, chửi rủa gia đình tôi ham tiền, thừa cơ bà già, lẫn để dụ dỗ bà ở cùng gia đình. Đến khi công an phường đến làm việc thì mọi cự cãi mới dừng lại.

Neu me khong con mieng dat, con cai co them ngo ngang?
Ảnh minh hoạ

Người ngoài là thế, nhưng anh em trong một nhà cũng chẳng khác gì. Cô, chú sau bao năm ôm mối hận bà bỏ đi theo người khác, giờ lại quay quắt chạy theo nịnh nọt. Cô thì mua yến sào, ngày đêm rót vào tai bà những lời hứa hẹn chăm sóc, các cậu yêu cầu họp anh em bàn bạc để quyết định phần đất ấy sẽ chia như thế nào, mới bàn luận được năm bảy câu anh em đã cãi nhau, chẳng ai muốn chia đều, nếu chia đều thì phải chia đều luôn quyền chăm sóc, mỗi tháng bà ở một nhà. Ai cũng muốn có đất, có tiền, nhưng chẳng ai muốn lo “trọn gói” tuổi già của bà.

Đồng tiền quả thực có sức nặng, nó biến những căm hận ngày xưa trở thành yêu thương, thay những lời nói ngọt ngào bằng những chì chiết, cãi vã và biến những người anh em trong một nhà thành kẻ thù.

Họ từng rùng mình, ngồi cùng nhau bàn tán, lên án về tội ác, những hẹp hòi, tham lam của người anh trai dùng dao chém cả nhà em ruột khiến năm người thương vong ở Hà Nội; hay vụ việc người em dùng súng bắn chị dâu, anh ruột vì tranh chấp đất đai mà quên mất rằng mọi hiềm khích đất đai cũng đang bắt nguồn giản đơn như trong chính gia đình mình.

Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI