Mùa World Cup, tôi lại đứt ruột khi con cuồng bóng đá

22/06/2018 - 09:52

PNO - Không phải gương mặt của Messi bại trận, mà chính cậu bé cổ động viên Argentina chém tay bất lực rồi gục đầu vào lòng cha đã ám ảnh tôi và nhiều người.

Đêm qua, đội bóng Argentina vừa thua trận trước tuyển Croatia tại World Cup trong sự ngơ ngác, bàng hoàng của người hâm mộ. Người ta thi nhau mổ xẻ thất bại của Argentina và ca tụng Croatia lên tận trời xanh.

Tôi cũng dõi mắt suốt trận đấu ấy và điều đọng lại trong tôi không phải là sự gục ngã của kẻ mạnh, hay những bước chân đeo chì với gương mặt cúi gầm của siêu sao Messi vì bại trận, vì thất vọng- mà chính là cậu bé cổ động viên (CĐV) Argentina chém tay vào không trung bất lực rồi gục đầu vào lòng người người đàn ông bên cạnh mà tôi áng chừng là cha sau khi tan trận.

Người cha ấy với gương mặt, ánh nhìn cũng đau đớn, bất lực xoa đầu an ủi, chia sẻ cậu con trai. Tôi không biết người cha ấy sẽ nói gì với con, nhưng có một điều tôi chắc chắn, cậu bé ấy sẽ rất buồn và đau nhiều lắm- như tôi khi là một CĐV nhí đã từng.

Mua World Cup, toi lai dut ruot khi con cuong bong da
Hình ảnh thất trận của Messi làm fan rơi lệ, sầu não

Tôi là fan cuồng bóng đá vào năm 1988, khi tôi 12 tuổi và đó là thời mà người hâm mộ còn xem các trận đá banh bằng tivi trắng đen chỉ 12-14 inch. Tôi nhớ sau khi trọng tài thổi cói kết thúc trận chung kết giữa Liên Xô và Hà Lan, với chiến thắng của Hà Lan thì không ai để ý đến con bé là tôi đang ngồi trong góc tối khóc.

Ba tôi lúc ấy cũng đang nát lòng, vì ông và bao người thời ấy, mê Liên Xô với thủ thành Dasaev huyền thoại như điên loạn. Giờ đây tôi không nhớ trận đó mình coi trực tiếp hay phát lại, nhưng tối đó tôi không ngủ và trong đầu cứ lởn vởn hình ảnh của những cầu thủ trắng như bông mà tôi yêu mến ngã gục xuống sân.

Năm 1994, tôi say mê đội tuyển Ý với cầu thủ Roberto Baggio siêu đẹp trai và có tóc đuôi ngựa thần thánh. Tôi nhớ khi trận chung kết giữa Ý và tuyển Brazil phải phân định bằng loạt sút luân lưu và khi Baggio đá lên trời trái banh quyết định thì tôi cũng đấm tay vào không trung đầy bất lực và gục mặt vào… cái vách lá mà thổn thức.

Tôi cắn tay tôi đến rướm máu để không bật lên tiếng khóc cho người khác nghe, thấy. Tôi không nhớ lúc đó ba tôi ở đâu- có thể ba tôi đi ngủ sớm vì ông vốn bị đau tim, không dám coi những trận đấu quá căng thẳng.

Má tôi thì rất ghét đá banh và những người đàn ông hàng xóm thì ai lại quan tâm đến một con nhóc vui hay buồn sau một trận chung kết- vì họ cũng bận vui- hoặc thất vọng với đội bóng yêu thích của mình.

Tối đó tôi lại không ngủ và khóc ướt gối. Hình ảnh trái banh vọt lên trời, cùng cái ngửa mặt đầy đau đớn của cầu thủ Baggio và sự sụp đổ của anh và tuyển Ý như cuốn phim cứ lướt qua đầu tôi.

Tôi buồn. Tôi thất vọng. Tôi đau đớn và tôi đầy tiếc nuối. Cũng may là nhà tôi nghèo, nên tôi không có gì để đập phá.

Mua World Cup, toi lai dut ruot khi con cuong bong da
Thất bại của Baggio ngày nào cũng là nỗi đau đớn của tôi. Cũng may nhà tôi nghèo không có gì để đập phá.

Cũng may là nhà tôi ở nông thôn nên bốn mặt là ruộng đồng làm tôi sợ ma nên không dám bỏ đi đâu trong đêm tối để trốn nỗi buồn. Cũng may thời đó không có internet, mạng xã hội như bây giờ để tôi “đủ 5000 like sẽ cắt tay hay tự tử”, mà tôi ôm nỗi buồn, gặm nhắm nỗi buồn vào giấc ngủ, vào bữa ăn, vào cả những buổi học, tôi không cho phép mình vui khi nghĩ các chàng trai Ý của tôi sẽ rất buồn.

Tôi cứ lẩn quẩn suy nghĩ: giá như thời gian quay ngược lại, giá như Baggio đừng đá chim chút xíu…và sự tiếc nuối đó còn theo vào cả giấc mơ đến tận giờ khi tôi đã ở tuổi trung niên và là mẹ của hai đứa trẻ.

Ngày nay, trẻ con có điều kiện được tiếp xúc với bóng đá rất sớm- từ trường học cho đến sân cỏ và tivi, mạng, game và chúng cũng có “máu” mê banh bóng sớm hơn ngày xưa.

Mua World Cup, toi lai dut ruot khi con cuong bong da
Một cậu bé nghèo hạnh phúc khi được Messi tặng áo. Hàng triệu đứa trẻ trên thế giới thèm được như cậu.

Hai đứa con gái song sinh của tôi mới 5,5 tuổi- chúng đang ngấp nghé ngưỡng fan cuồng bóng đá như mẹ nó: đứa mê đội Nga gấu misa, đứa mê đội Nhật vì có anh họ ở bên đó.

Tôi biết bóng đá khắc nghiệt không chỉ với cầu thủ mà còn khắc nghiệt với cả người hâm mộ. Tôi sợ con tôi sẽ cô đơn trong nỗi buồn-như mẹ chúng đã từng khi đội bóng yêu thích của các con bại trận.

Vì vậy, tôi làm một chuyện không giống ai là dành thời gian để nói với con về đội bóng các con yêu thích, về sự thắng thua trong bóng đá cũng chỉ là một trò chơi và “có chơi thì có chịu”.

Khi đội Nga của bé Gạo nhà tôi thắng 5 trái trước Ả rập Xê út thì cô bé Nếp rụt rè hỏi tôi “Mẹ ơi, đội Nhật của con mạnh không mẹ?”. Khi đó, tôi không dám trả lời với con là mạnh- vì nếu Nhật thua con tôi sẽ thất vọng như thế nào.

Còn nói yếu- thì bé cũng sẽ rất buồn vì sao đội bóng mình yêu thích lại yếu, không có sức mạnh. Nên tôi nói với con dù không biết chúng có hiểu hết không- nhưng là mẹ, tôi luôn giải thích tất cả những gì mà con tôi quan tâm và thắc mắc, hay muốn tìm hiểu.

Tôi nói: “Bóng đá kì lạ lắm con, không phải là mình có sức mạnh như bạn Tuấn Khải của con là sẽ thắng bạn nhỏ hơn, yếu hơn là bạn Nhật Huy. Nếu mình yếu kiên trì tập luyện để rèn sức mạnh, hoặc mình khéo léo, hay kiên trì thì dù yếu cũng có thể thắng người mạnh.

Và nếu mình mạnh, mà mình chủ quan, tự cao tự đại giống như bạn thỏ trong truyện Rùa và thỏ thì mình sẽ thua. Hơn nữa, đây là trò chơi, mà đã là trò chơi thì có hên, có xui. Nếu đội Nhật của con thắng 1 trận, thì không có nghĩa là những trận sau đều thắng hết.

Còn nếu Nhật không thắng thì Nhật sẽ cố gắng đá lần sau, nên có thua là con không được buồn nhiều nghen”.

Tôi luôn “cho phép” khi con buồn khi đội bóng của con thua trận- vì đó là thể hiện cảm xúc của mình trước điều mình yêu thích”. Và tôi luôn sẵn sàng vòng tay mình, bờ vai mình đê ôm con vào lòng, xoa dịu con khi đội bóng con thất trận.

Tôi luôn đồng hành và truyền lửa vào sở thích sơ khai của con và cũng sẳn sàng chia bùi sẽ ngọt cùng con trong những nỗi niềm của chúng trong cuộc sống nói chung và bóng đá nói riêng.

Là cha mẹ, tôi không để con mình cô đơn trong niềm vui và cả trong nỗi buồn- dù đó chỉ là buồn vui của trò thể thao, giải trí. 

Mẹ Gạo Nếp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI