'Quản' rượu

18/03/2015 - 19:29

PNO - PN - Đa phần đàn ông xóm tôi đều là những “con sâu rượu”. Họ uống liên hồi, bất kể sáng chiều. Đàn bà xóm tôi cũng thật lạ. Ngày nào họ cũng canh me bình rượu, nếu không thì đi ra quán rượu canh chồng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Lần nào về quê, tôi cũng nghe hàng xóm rỉ rả tai chuyện ông A, ông B, ông C… may nhờ có vợ mới sống đến ngày hôm nay. Trong số những “gương điển hình” về ăn nhậu ấy, không thiếu bố tôi.

Chẳng biết có phải do tiết trời vùng cao lạnh lẽo nên từ thời thanh niên trai tráng, đàn ông xóm tôi đã mê uống rượu. Vì uống rượu từ trẻ nên chưa đầy 40 tuổi, ông nào cũng nghiện. Khi ở tuổi 60 như bố tôi, các ông càng thèm rượu hơn. Mỗi sáng nếu không có rượu, tay họ run rẩy, miệng đánh chắp như thạch sùng tiếc của.

Từ mờ sáng, ở quán rượu bà Tư ngay ngã ba đường, cánh đàn ông đã tụ họp đông đủ. Họ nhâm nhi rượu với đậu phộng, bánh tráng nướng, vài quả chuối xanh… Mồi ít nhưng rượu bao giờ cũng đầy. Khi mặt trời lên cao, ai nấy mới khật khưỡng về nhà. Những ngày cuối năm, họ thường bỏ vườn, rủ rê nhau chén tạc chén thù. Nhiều phen hàng xóm đau đầu nhức óc khi nghe các bà vợ chửi chồng sa sả. Để sống chung với ma men, đàn bà xóm tôi cũng dần thay đổi và thích nghi.

Người đầu tiên trong xóm sống an lành với “hũ hèm” từ trẻ đến già phải kể đến mẹ tôi. Ngày trẻ, bố tôi cũng thích uống rượu nhưng khi ấy sức vóc cường tráng nên bố uống rượu không dễ gì say, mà khi say luôn giỏi kiềm chế, không nói năng gì, chỉ lẳng lặng vào giường ngủ. Uống rượu trở thành thói quen vào những bữa cơm, bố hay nhâm nhi vài ly nhỏ mà theo bố là để dãn gân cốt. Nhưng lâu dần, bố tôi uống rượu thường xuyên và đều đặn hơn.

'Quan' ruou

Càng có tuổi, bố tôi càng nghiện rượu, dần đổi tính, uống vào thường ca cẩm, lải nhải cả buổi. Hiểu dần tính bố nên mẹ chẳng dại gì lên tiếng những khi bố say để phải chịu đòn oan. Bố tôi mê rượu hơn mê vợ, nên mẹ tôi đành chọn biện pháp “quản” thay vì “cấm”. Mẹ xiết chặt tiền bạc, bố đành phải đi mua rượu thiếu. Mẹ lại đi khắp xóm dặn dò từ các nhà nấu rượu đến các hàng quán, tuyệt đối không được bán rượu thiếu cho bố. Mẹ còn mạnh miệng hăm dọa các chủ quán: “Bán thiếu rượu cho ông ấy là tôi không trả tiền đâu. Nói trước để mai mốt đừng có trách”.

Rồi, mẹ tôi về nhà sắm sửa một cái tủ gỗ thật chắc chắn, rộng rãi. Mẹ mua ba bình rượu về bỏ vào tủ, một bình rượu thuốc, một bình rượu chuối hột và một bình rượu trắng, vì mẹ tôi sợ bố ra ngoài uống rượu ngã bờ, ngã bụi. Đến bữa cơm, mẹ luân phiên thay thế các loại rượu cho bố uống đỡ “ngán” nhưng tiêu chuẩn thì không thay đổi, chỉ được một-hai ly nhỏ.

Có hôm uống xong còn thòm thèm, bố tôi hay năn nỉ: “Bà cho tôi xin ly nữa đi”. Lúc đó thể nào mẹ cũng trừng mắt, lớn giọng: “Không ly chén gì hết. Ông lớn tuổi, uống có chừng… để say xỉn con cháu cười chê cho”. Bố tôi lại hài hước, trêu đùa: “Có chừng nào uống chừng đó”. Trước gương mặt nghiêm nghị của mẹ, bố tôi không dám năn nỉ xin xỏ thêm.

Có nhiều hôm tôi chở mẹ đi chợ, bỗng chốc bà giật mình thon thót, sờ túi trên, nắn túi dưới, hốt hoảng: “Thôi chết, mẹ quên cái chìa khóa ở nhà. Coi chừng bố mày biết mở tủ lấy rượu uống thì gay”. Mẹ bắt tôi tức tốc chở bà về nhà chỉ để khóa cái tủ rượu lại. Mẹ bảo chiêu “quản” rượu này, mẹ học được từ những bà hàng xóm lớn tuổi hơn. Mẹ cũng đã truyền lại “bí kíp” ấy cho nhiều phụ nữ nhỏ tuổi trong xóm để gia đình họ luôn yên ấm. Nhờ việc cho bố tôi uống rượu “điều độ” nên ông vẫn giữ được sức vóc, khỏe khoắn.

Cũng có khi con cho ít tiền, bố tôi lẻn đi mua rượu. Bố về nhà say ngập ngụa, chửi bới oang oang. Trong khi con cái lên tiếng phàn nàn thì mẹ tôi im lặng. Sáng sớm hôm sau, tôi thấy bà dậy sớm, thủ thỉ trò chuyện với bố. Bà nhắc lại những lời nói, hành động bố làm trong cơn say và nhẹ nhàng khuyên bảo lẫn răn đe. Bà cũng không quên giữ chiếc chìa khóa tủ rượu cẩn thận bên mình. Đôi lần bốc đồng, tôi thẳng thừng: “Mẹ hiền thật.

Gặp con mà lấy phải ông chồng hay nhậu như vầy, con bỏ từ tám đời”. Mẹ tôi thở dài. Mẹ nói thời nay người ta dễ đến với nhau nhưng cũng dễ xa nhau. “Món đồ hỏng ít hay hỏng nhiều, có thể sửa được thì nên sửa mà dùng, đừng bỏ đi phí lắm. Có khi của tốt hay bền cũng nhờ tay người dùng”. Tôi nhớ mãi lời khuyên thấm thía của mẹ.

Những ngày lễ tết, khi con cháu về sum họp quây quần bên mâm cơm, tôi lại nhớ hình ảnh mẹ tôi lần xâu chìa khóa mở tủ, rót từng ly rượu nhỏ cho bố tôi. Lần nào bà cũng chau mày dặn dò: “Một ly thôi đó”. Và lần nào, bố tôi cũng cười khề khà, giọng mè nheo xin thêm rượu, dù biết vợ chẳng bao giờ chiều.

Nhờ sự khéo quản, khéo giữ hũ rượu của mẹ mà bố tôi nay đã ngoài 70 tuổi vẫn minh mẫn, vui vẻ nói cười bên con cháu.

 NGỌC NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI