Nuôi con thành sumo: Hàng trăm bệnh ''đón lõng''

17/05/2016 - 09:24

PNO - Nhiều cha mẹ luôn ám ảnh khi con nhỏ, không tăng vân và gia đình nào cũng cố gắng tìm mọi cách làm sao để con ăn được càng nhiều càng tốt.

20 tháng chưa biết đi

Bé Su con trai thứ hai của chị Bùi Hương Lan trú tại Văn Quán, Hà Đông được coi là su mô. Bé bụ bẫm hơn những đứa trẻ khác. Chị Lan kể lúc sinh con được 3kg, sợ con nhỏ hơn nên chị ăn thật nhiều để lấy sữa cho con uống. Cũng như chị Lan, cả gia đình 5 người lớn đều tập trung vào chăm sóc bé Su. Thậm chí, ngày nào thấy con ăn được 3 – 4 bát cháo là chị mừng lắm, tự hào lắm.

Không chỉ ăn cháo, Su còn có thể đánh bay cả vỉ váng sữa, vỉ sữa chua. Lúc nào cháu cũng thèm ăn. Đổi lại, cân nặng của Su cũng tăng nhanh chóng. 2 tuổi, bé Su chẳng khác khác quả bóng khi nặng 20 kg. Hai mắt híp lại, miệng bé thụt vào vì quá béo.

Lúc này chị Lan muốn “hãm” lại cho con thì đã quá muộn vì không được ăn là bé khóc. Có những lúc nhìn thấy mẹ cầm váng sữa, bé lăn ra đập đầu giữa nhà để đòi được ăn, một hộp không đủ cứ phải đến hộp thứ 2, thứ 3 mới thôi.

Những ngày đầu, cả nhà đều thích thú vì bé bụ bẫm nhưng đến nay với gia đình chị Lan đó là nỗi ám ảnh. Mọi người bắt đầu chì chiết nhau vì chuyện chăm bé nhiều quá, cho bé ăn nhiều quá. Bà thương cháu nên mẹ đi làm cháu đòi ăn gì cũng lấy ra cho ăn. Cháu lại đặc biệt thích ăn đồ ngọt nên càng tăng cân hơn.

Nuoi con thanh sumo: Hang tram benh ''don long''
Trẻ béo phì khám tại viện dinh dưỡng Quốc gia

Chị Lan và chồng đưa con đi khám dinh dưỡng, bác sĩ chẩn đoán béo phải và phải ăn theo chế độ khác. Mới 2 tuổi đã phải hãm ăn, đó là cực hình với đứa trẻ nhỏ chưa biết gì ngoài ăn và bú mớm. Nhưng với gia đình nhìn con cứ như quả bóng chỉ bò, 20 tháng vẫn chưa chập chững biết đi nên cũng sốt ruột.

Cùng hoàn cảnh với chị Lan, con trai chị Đinh Thị Tình 11 tuổi nặng gới 77 kg. Với chị Tình đây thực sự là nỗi ám ảnh nhưng chị không biết làm cách nào để giảm ăn cho con vì bé đã lớn và hay dỗi nếu bố mẹ có ý ăn kiêng.

11 tuổi hai bầu ngực của bé chạy sệ như ngực phụ nữ, chân tay mũm mĩm chẳng rõ đốt tay đâu. Nhìn con như sumô, chị Tình héo hon cả ruột gan. Chị đã cho con đi khám dinh dưỡng nhiều nơi nhưng hầu như các chế độ ăn đều bị cháu “phá ngang”. Bố mẹ cấm, cháu ra ngoài ăn vặt nhiều hơn. Ở lớp bán trú cháu ăn “thả phanh”. Có lẽ vì thế, cháu không giảm cân được.

So với bạn bè, con chị tự ti và chậm chạp hơn. Những giờ học thể dục, cháu không chạy nổi 100 mét. Đến lúc này, chị Tình đã thừa nhận vì lỗi của mình mà con đã trở thành béo béo như những đứa trẻ nuôi trong lồng.

Hàng trăm bệnh “đón lõng”

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết trẻ béo phì là một trong những câu chuyện thể hiện ở lối sống hiện đại. Bác sĩ Hưng cho biết 100 cháu béo phì 99 cháu do lối sống, cách chăm sóc của cha mẹ. Chỉ có rất ít cháu béo phì do bệnh lý.

Đối với những trẻ béo phì, các bác sĩ phải cho chế độ ăn kiêng. Bác sĩ Hưng cho biết dù trẻ nhỏ nhưng cần xác định cho trẻ về cân nặng và cách ăn để đảm bảo sức khoẻ cho chúng. Những bé suốt ngày chỉ ăn xúc xích, nước ngọt đóng chai, đồ hộp – bệnh béo phì đang đón lõng các bé ở tương lai.

Có những trẻ béo từ khi chào đời, còn lại là trong cuộc sống, ăn uống giúp các bé hấp thụ thức ăn.

Hậu quả của béo phì là trẻ có nguy cơ cao bị các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch... Đặc biệt thừa cân béo phì còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tầm vóc của trẻ sau này.

Phòng tránh béo phì, bác sĩ Hưng cho biết cha mẹ không cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, nhiều chất béo và ăn vặt thường xuyên. Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động hoặc tạo điều kiện để trẻ vận động nhiều bằng cách nhờ trẻ đi lấy đồ, làm việc vặt trong nhà cùng bố mẹ. Cha mẹ nên đa dạng thực phẩm cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước.

 Khánh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI