Mình cùng chơi, con nhé!

15/05/2016 - 07:56

PNO - Đừng ngại mất công, nếu bạn chơi với con, con bạn có thể nhận được hai điều: “Mẹ mình luôn thấy vui khi ở cạnh mình", biết về con nhiều hơn.

Minh cung choi, con nhe!
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mua đồ chơi thì dễ rồi, đồ chơi trẻ em bây giờ vô cùng phong phú. Thế nhưng mua cái gì con cũng chỉ thích thú được vài ba ngày, thậm chí vài ba tiếng đồng hồ rồi… quăng. Người ta bảo phải có bạn chơi chung, nhưng chị Hương lúng túng, không biết chơi ra sao. Cùng lắm là bim bim vài tiếng với cái xe, hay giả giọng trẻ em nựng nịu con gấu… đến chính chị cũng tự thấy chán mình. Nhìn qua nhà hàng xóm, thấy chỉ mấy cái lon, vài cái hộp mà bố con họ chơi với nhau hết ngày này qua ngày khác. Càng nghĩ, chị càng thêm cáu gắt con: “Sướng quá hóa rồ hay sao? Bao nhiêu đồ chơi thế mà không biết chơi?”.

Đừng ngại mất công, nếu bạn chơi với con, con bạn có thể nhận được hai điều: “Mẹ mình luôn thấy vui khi ở cạnh mình”. Khi chơi với con, bạn có thể biết về con nhiều hơn, hiểu các sở thích của con, tính cách của con và thậm chí cả tư duy của con.

Hãy chơi với con bằng sự vui thích. Nếu bạn miễn cưỡng, con bạn sẽ nhận ra ngay. Hãy chọn một thời điểm mà cả bạn và bé cùng thích thú, khỏe khoắn và rảnh rỗi để bắt đầu trò chơi. Nếu bạn giả vờ muốn chơi, trẻ sẽ nhận ra và nghĩ rằng: “trò chơi này chẳng có gì là thú vị, vì mẹ cũng có thích chơi đâu”, hoặc thậm chí tệ hơn “có lẽ mẹ không thích chơi với mình”.

Đừng làm trẻ mất hứng. Nếu con bạn lắp ghép một hình thù gì đó và nói rằng đó là chiếc máy bay, bạn đừng chê bai con mà hãy lắp một chiếc máy bay và nói với con rằng bây giờ chúng ta có hai chiếc máy bay. Con bạn sẽ tự hiểu được cái máy bay trông như thế nào. Hãy để trẻ chơi đồ chơi theo cách riêng của mình, tất nhiên, ngoại trừ việc nó đập đồ chơi nát bét.

Khen ngợi khi trẻ xứng đáng. Bằng lời khen, bạn sẽ khiến trẻ nghĩ: “Ồ, mình thật là giỏi, mình sẽ cố gắng nữa, mẹ sẽ khen mình”. Hãy kích thích sự quan tâm của bé.

Dạy trẻ tưởng tượng. Trẻ em rất ngạc nhiên khi thấy cục đất sét có thể… biến thành con chó, rồi từ con chó ra thành cái nấm… Vẽ cũng là một phương pháp dạy trẻ tưởng tượng. Hãy hỏi con xem nó đang vẽ cái gì. Nếu bé không thể trả lời, hãy giúp bé đặt tên cho bức tranh

Không có trò chơi dành riêng cho con gái hay con trai. Hãy nhớ điều ấy, đồ chơi không cần phải phân chia theo giới tính. Búp bê, xe hơi, và bộ lắp ráp, thiết kế đều cần cho trẻ. Không nên cho trẻ chơi toàn những món đồ máy móc. Chính búp bê cho phép trẻ thể hiện bản thân mình. Nào là búp bê lái xe, cưỡi tàu lượn, búp bê muốn ngủ, muốn đi bơi...

Hãy mở rộng sự quan tâm của trẻ. Ví dụ, trẻ thích xe ô tô. Trò chuyện với con về những loại xe, về chuyện những chiếc xe có thể đi đâu. Hãy để trẻ thể hiện mình trong những say mê, hãy cho chúng biết về các món đồ chơi càng nhiều càng tốt.

Dạy trẻ giữ gìn đồ chơi. Hãy giúp trẻ sắp xếp, giữ gìn đồ chơi. Nếu có cơ hội, dạy trẻ san sẻ đồ chơi của mình với những bạn không may mắn.

Thường xuyên rà soát. Nếu nhận thấy con bạn không quan tâm đến đồ chơi nào đó, đã đến lúc tạm biệt nó (có thể đem cho những người bạn nhỏ khác). Hoặc nếu bạn lỡ mua một món đồ chơi nào đó chưa phù hợp với độ tuổi, hãy cất nó vào một nơi mà bé thấy. Một lúc nào đó, bé sẽ khám phá ra nó.

Sự đa dạng của trò chơi. Tất nhiên, bạn muốn con chơi những trò chơi phát triển trí tuệ. Hãy giúp trẻ làm quen với những gì mà bé chưa biết. Hãy suy nghĩ về những kỹ năng bạn muốn phát triển ở trẻ. Cũng cần nhớ đến đặc thù độ tuổi của bé. Không cần treo một bản đồ lên tường nếu con bạn chỉ thích bóc mọi thứ từ đó ra. Không áp đặt những điều trẻ không thích.

Vấn đề quan trọng - những trò chơi tự lập. Đừng vội vàng lo lắng nếu bé chưa thích tự chơi. Có khi bé chỉ thích được ở bên cạnh bạn, vì chơi một mình đôi khi không thú vị. Hãy hiểu rằng, nếu bạn dạy con chơi, sau đó bé nhất định sẽ tìm ra cách chơi mà không cần bạn. Đơn giản là bạn chỉ cần khen ngợi hoặc kiên nhẫn chờ, từ từ chỉ dẫn bé cách khám phá một món đồ chơi.

Song Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI