Khóc, cười với "mẹ biết tuốt" chăm con

05/10/2015 - 07:16

PNO - Chăm sóc con trẻ là điều không dễ dàng, nhất là những khi con ốm đau vì trẻ không thể nói đau ở đâu, khó chịu như thế nào, muốn gì...

Vì vậy, với chức năng thiên bẩm của tình mẫu tử, nhiều bà mẹ còn kiêm luôn bác sĩ (BS) tự điều trị bệnh cho con với “kho” kiến thức đọc từ sách báo, sưu tầm trên mạng và cả truyền miệng trong dân gian. Tuy nhiên, có những bà mẹ quá tin tưởng thông tin mình sưu tầm và lạm dụng chúng, nên đã để lại những sai lầm trong chăm sóc sức khỏe con trẻ.

Khoc, cuoi voi
Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Siêu bác sĩ

Khi nghe chị Ngọc Minh, nhân viên văn phòng ở Q.1, than con gái hai tuổi thường bị ho, sổ mũi, nóng sốt, phải đi BS liên tục, chị Th., làm giáo viên, bạn chị Minh nói ngay:

“Mày dư tiền quá, con nít đứa nào chẳng bệnh vặt, hơi đâu đi BS. Cứ làm theo tao, ho thì cho uống sirô như Pectol, Bách bộ; sổ mũi thì tao “quất” cho mấy viên Chlorpheniramine, nghẹt mũi thì nhỏ Otrivin; chướng bụng thì men tiêu hóa; sốt thì uống Efferalgan. Sau ba ngày không hết thì cho mấy viên kháng sinh. Tao toàn làm vậy, nên bé Bống nhà tao gần năm nay chả phải đi BS”.

Chị Th. còn nửa đùa nửa thật: “Mày trả công tao bằng 50% BS thôi, khi con mày bệnh, cứ gọi điện, tao sẽ tư vấn và kê toa cho, đảm bảo hết bệnh luôn”. Nghe bạn nói bùi tai và có vẻ hợp lý, chị Minh cũng mua một mớ thuốc và quyết tự làm BS cho con. Nhưng con chị Minh uống hết chai sirô thứ hai mà vẫn ho sù sụ. Đưa con đi BS thì bé đã bị viêm phế quản.

Thực tế, những trường hợp tự định bệnh và “ra toa” của các bà mẹ như chị Th. rất nhiều. Thậm chí, trên các diễn đàn chăm sóc bé, các “BS mẹ” còn truyền toa kháng sinh cho nhau và tư vấn cách sử dụng.

Theo một BS nhi, nhiều người hướng dẫn sai như: thấy bé bớt bệnh thì giảm xuống còn 1/2 liều hoặc chỉ uống ba ngày cho đỡ hại người, trong khi những loại kháng sinh này phải điều trị từ năm-bảy ngày. Đây là điều rất tai hại, vì uống thuốc không đúng chỉ định, trẻ vừa khó dứt bệnh, lại vừa có nguy cơ đề kháng kháng sinh trong cộng đồng.

Lướt qua các diễn đàn chăm con dễ dàng thấy vô số bài thuốc trị “bách bệnh” từ ho, cảm mạo thông thường cho đến bệnh tiểu đường và cả ung thư...

Với bệnh trẻ con, vốn nhận được sự lo lắng và đồng cảm cao của các bà mẹ, nên chỉ cần một lời than van từ một phụ huynh đang đau đầu vì con bệnh, là có ngay hàng chục bài thuốc được hướng dẫn chi tiết từ nguyên liệu, bào chế và liều lượng sử dụng của những ông bố, bà mẹ khác.

Từ những bài thuốc này, nhiều phụ huynh đã vô tư áp dụng cho con như trường hợp của chị Thu Thủy (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức).

Chị Thủy là người theo trường phái “nói không với kháng sinh” và là “tín đồ” trung thành của các loại thuốc dân gian. Cả nhà chị đều thuộc làu cách chữa bệnh cho cu Tin - con chị: Bé sổ mũi, uống tỏi nướng ngày ba lần.

Ho thì uống tần dày lá đâm nhuyễn, gừng ngâm với mật ong, củ hành tím ngâm mật ong. Khó tiêu hay phân lỏng thì uống nước gừng tươi, lá ổi giã nhuyễn… Với suy nghĩ thuốc nam không có hại, chị Thủy còn cho con uống nhiều lần, xen kẽ nhiều loại cho mau khỏi nên trong một ngày cu Tin bị “tộng” hơn chục lần tỏi, gừng, tần dày lá là chuyện bình thường.

Buổi sáng, hàng xóm thường nghe điệp khúc của cu Tin: “Không uống tỏi, không uống gừng”, thậm chí, mới nghe tiếng chày là Tin đã khóc “sợ tỏi, sợ gừng mẹ ơi!”. Chỉ đến khi cu Tin bị sốt, loét họng nặng, BS Đông y kết luận:

“Người lớn uống kiểu này cũng đổ bệnh, chứ đừng nói trẻ con. Gừng, tỏi, mật ong, củ hành… toàn những thứ sinh nhiệt nên nóng trong người dễ gây mụn nhọt, lở loét họng. Đừng tưởng thuốc nam vô hại, thuốc gì lạm dụng cũng có hại hết” - chị Thủy mới tỉnh ngộ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI